Quy hoạch sử dụng đất chồng chéo cản trở phát triển du lịch nông thôn
14:55 - 18/12/2024
TP.HCM Tại buổi đối thoại, nhiều nông dân đề xuất TP.HCM tháo gỡ khó khăn trong xây dựng công trình phụ trợ, hỗ trợ nguồn vốn, đào tạo nghề... để phát triển du lịch nông nghiệp.
Thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số ngành công nghiệp hóa chất
Từ phụ phẩm dừa thành hàng xuất khẩu triệu đô
Cà phê quay đầu giảm, Gia Lai giảm giá mạnh nhất hôm nay, nông dân lo tiến độ thu hoạch
Quản lý đất lúa, sử dụng đất trồng lúa là chuyên đề giám sát Hội Nông dân Hải Phòng tham gia thực hiện năm 2024
Thời gian qua, du lịch TP.HCM đã có bước phát triển khởi sắc, nhiều khu, điểm du lịch mới được hình thành, nhiều cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống đưa vào hoạt động, nhiều điểm đến, điểm dừng chân với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, tham quan vườn cây ăn trái, làng nghề, di tích lịch sử,… đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm.
Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM với nông dân, ngày 27/11, nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái TP.HCM bền vững và có trách nhiệm được nhiều nông dân nêu ra.
Ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi cho rằng, các quy định về quản lý, sử dụng đất đai, đất thương mại - dịch vụ phục vụ phát triển du lịch có tỷ lệ thấp; công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất còn chồng chéo, chưa phù hợp để nông thôn phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, thành phố chưa có các cơ chế, chính sách khuyến khích các hội viên nông dân, doanh nghiệp tham gia triển khai du lịch nông thôn.
Các sản phẩm du lịch tại điểm đến còn mang tính thời vụ (mùa trái cây), đơn điệu; các hoạt động văn hóa – văn nghệ, trò chơi dân gian, truyền thống còn ít; nghề truyền thống ngày càng mai một,.. dẫn đến số lượng du khách đến địa phương tham quan, mua sắm chưa ổn định, thiếu tính bền vững.
Ngoài ra, quy mô và hình thức tổ chức du lịch nông thôn còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch nông thôn còn ít và chưa thu hút, hấp dẫn khách đến tham quan và giới thiệu bạn bè, người thân đến trải nghiệm.
Nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch nông thôn chưa có đầy đủ kiến thức và kỹ năng quản lý, hoạt động du lịch chưa mang tính chuyên nghiệp.
Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc cho biết, thời gian qua, đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú để mang đến cho khách tham quan trải nghiệm thực tế về nông nghiệp như chương trình "Một ngày làm nông dân" để các em học sinh và gia đình được tự tay tham gia vào các công việc đồng áng...
Tuy nhiên, HTX cũng đang gặp phải những khó khăn liên quan đến cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, nguồn nhân lực, thiếu kinh nghiệm trong phát triển du lịch nông nghiệp, chưa liên kết được với các HTX lớn để tận dụng sức mạnh cộng đồng, khiến sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chưa phát triển như đúng tiềm năng.
"Du lịch nông nghiệp không chỉ giới hạn ở một HTX hay một trang trại đơn lẻ, mà thường cần có sự liên kết giữa nhiều HTX hoặc nhiều hộ nông dân để tạo ra một hệ sinh thái du lịch nông nghiệp rộng lớn", ông Lâm Ngọc Tuấn nói và cho biết mong muốn liên kết với các hộ nông dân xung quanh để phát triển các tour du lịch tham quan các trang trại khác nhau, tham gia vào các hoạt động canh tác nông nghiệp truyền thống, hoặc học hỏi về quy trình chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Ông Phan Văn Kèo, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Hóc Môn tâm tư về những khó khăn trong việc vận hành mô hình 18 thôn Vườn Trầu. Ông cho rằng, thành phố cần phải có đề án phát triển du lịch nông nghiệp cho nông dân 5 huyện ngoại thành. Đặc biệt, cần phải tháo gỡ cho phép người làm du lịch nông nghiệp được xây dựng công trình phụ trợ bán kiên cố trên đất nông nghiệp với diện tích lớn.
Ông Đặng Văn Út, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ đề nghị, các sở ngành tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai các công trình phụ trợ cho phát triển nông nghiệp, cũng như bố trí tàu để phục vụ khách du lịch đến với ấp đảo Thiềng Liềng.
Trước những kiến nghị của nông dân, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải yêu cầu các sở, ban ngành nghiên cứu, có những cơ chế chính sách để các thế hệ nông dân sống được trên đất nông nghiệp.
"Trên cơ sở sự quan tâm thật sự của các cấp chính quyền và sự chịu thương chịu khó, áp dụng khoa học công nghệ của người nông dân thành phố, sẽ giúp nông nghiệp thành phố phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, để trên một diện tích đất nông nghiệp nhỏ nhưng giá trị kinh tế cao", ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh và đề nghị Hội Nông dân TP.HCM tiếp tục tổ chức cho nông dân học tập các mô hình làm du lịch nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái hay ở nước ngoài; Hội Nông dân các xã, huyện cần lắng nghe ý kiến bà con nông dân để cùng tháo gỡ.