Rủi ro chính sách trong hợp tác công tư nghiên cứu, thương mại giống lúa

Rủi ro chính sách trong hợp tác công tư nghiên cứu, thương mại giống lúa

15:59 - 29/06/2024

Bà Trần Kim Liên cho rằng cơ chế khó khăn, thiếu hành lang pháp lý đang tạo ra những rủi ro, hạn chế quá trình hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu.

Phân bón Sông Lam Tây Bắc: Giúp nông dân có một mùa bội thu
Giá cà phê tiếp tục tăng mạnh, cà phê ở hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông lên đỉnh mới
Giá tiêu bật tăng, Bà Rịa Vũng Tàu bất ngờ thu mua tiêu với giá lên hàng cao nhất Tây Nguyên
Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Vinaseed chia sẻ khó khăn về pháp lý hiện nay trong hợp tác nghiên cứu, thương mại giống lúa. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Vinaseed chia sẻ khó khăn về pháp lý hiện nay trong hợp tác nghiên cứu, thương mại giống lúa. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã chia sẻ những vướng mắc trong cơ chế hợp tác tại tọa đàm “Kết nối và hợp tác công tư trong nghiên cứu chọn tạo và thương mại giống lúa” do Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.

Theo bà Liên, Vinaseed có thể xem là đơn vị có quy mô nhất nhì Việt Nam về giống cây trồng, có sự hợp tác với gần như tất cả các viện nghiên cứu công lập cho việc nghiên cứu, chuyển giao trong hoạt động nghiên cứu giống cây lương thực.

"Tại diễn đàn hôm nay, có rất nhiều vấn đề cần được chia sẻ và qua đây chúng tôi sẽ phản ánh tình hình thực tế giữa chính sách, chế độ và mong muốn của doanh nghiệp.

Qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước cùng với các hiệp hội sẽ có tiếng nói để làm sao cùng nhau khai thác được nguồn lực xã hội. Vì chắc chắn, doanh nghiệp sẽ là cầu nối giữa các nhà nghiên cứu với thị trường, doanh nghiệp là hơi thở của thị trường. Nếu không có doanh nghiệp thì chắc chắn các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu khó có thể chuyển giao được các tiến bộ khoa học ra thực tế", bà Trần Kim Liên phát biểu.

Ví dụ, như hai giống lúa (của Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo) đang chiếm thị phần rất lớn là OM18, OM5451 là nhờ hợp tác chuyển giao cho Tập đoàn Lộc Trời, với diện tích gieo trồng khoảng 40%. Hay như giống lúa Đài thơm 8 của Vinaseed có năm chiếm đến 30% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Tổng diện tích gieo trồng lúa ĐBSCL năm 2023: 3,724 triệu ha

3 giống có diện tích gieo trồng lớn nhất ĐBSCL:

OM18: 881.525 ha

OM5451: 645.091 ha

Đài Thơm 8: 638.894 ha

Tổng diện tích 3 giống gieo trồng lớn nhất: 2,166 triệu ha, chiếm trên 58% tổng diện tích gieo trồng lúa ĐBSCL.

(Nguồn: Cục Trồng trọt)

Nghiên cứu giống lúa ở Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nghiên cứu giống lúa ở Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nữ lãnh đạo của Vinaseed nhận định, điều này không chỉ do đó là những giống lúa tốt, mà còn có vai trò của sự kết hợp giữa các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp. Đó là sự hợp tác công tư với mục tiêu huy động nguồn lực xã hội, tạo ra sự kết nối giữa các cơ sở nghiên cứu công lập với doanh nghiệp, với hơi thở thị trường.

Theo bà Trần Kim Liên, thời gian qua, Vinaseed đã tổ chức mua đứt bán đoạn 8 giống lúa, chuyển giao, chuyển nhượng bản quyền 3 giống lúa và hợp tác với các nhà khoa học để chuyển giao các dòng triển vọng.

Vinaseed cũng tham gia tài trợ bằng các hình thức hợp tác công tư rất nhiều, tham gia các dự án về khoa học công nghệ, rồi tham gia tài trợ cho các dự án từ trước khi Luật Trồng trọt ban hành.

Hiện nay, công ty đang hợp tác để tham gia vào các dự án, cung cấp kinh phí để khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất (VCU, DUS), thậm chí hỗ trợ toàn bộ các chi phí để công nhận giống, để có được những quyền ưu tiên hợp tác trong kinh doanh.

"Tuy nhiên, chúng ta đã hy vọng rất nhiều về việc sửa Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công nhưng đó vẫn chỉ là hy vọng. Trên thực tế, cho đến nay tất cả đều đang phải tuân thủ Nghị định 70/2018/NĐ-CP, quy định về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.

Kể cả Thông tư 02/2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện Điều 41 Nghị định 70 cũng nói rất rõ, tất cả phải tuân thủ sử dụng theo quy định về quản lý tài sản công", Chủ tịch HĐQT Vinaseed thông tin thêm.

Nói về tài sản công, dù doanh nghiệp góp vốn 30-40% cho quá trình nghiên cứu thì vẫn là tài sản công, doanh nghiệp không có quyền được sở hữu để tự định đoạt, chuyển nhượng... hay nói ngắn gọn là chưa có quyền sở hữu. Trong tương lai, có thể sẽ sửa đổi Nghị định 70 nhưng hiện tại thì rất khó khăn.

Nữ lãnh đạo của Vinaseed cho rằng việc thiếu các hành lang pháp lý đang khiến các cơ sở nghiên cứu khoa học bị lúng túng trong hợp tác. Ảnh: Tùng Đinh.

Nữ lãnh đạo của Vinaseed cho rằng việc thiếu các hành lang pháp lý đang khiến các cơ sở nghiên cứu khoa học bị lúng túng trong hợp tác. Ảnh: Tùng Đinh.

Thiếu hành lang pháp lý

Trong quá trình thực tế hợp tác và chuyển giao, bà Liên nói doanh nghiệp thấy nổi lên một số khó khăn rất lớn. Thứ nhất, mặc dù Vinaseed cùng với các Viện rất mạnh dạn trong vấn đề hợp tác nhưng tất cả đều chỉ đang dựa trên pháp luật Dân sự điều chỉnh, theo ý chí của các bên hợp tác với nhau, thỏa thuận với nhau là xong.

Điều đó có nghĩa là không có hành lang pháp lý thống nhất nào của cơ quan nhà nước mà theo Điều 52 của Luật Chuyển giao công nghệ quy định rằng, đối với các sản phẩm, kết quả nghiên cứu của Đề tài, dự án Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp thì trách nhiệm của Bộ NN-PTNT phải ban hành danh mục giống, sản phẩm, quy trình công nghệ cũng như trình tự, thủ tục chuyển giao, công nhận.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có, như vậy khó khăn lớn nhất để thực hiện các hành vi giao dịch dân sự với các viện, đảm bảo các doanh nghiệp, các viện tuân thủ quy định của pháp luật là thiếu hành lang pháp lý.

Đặc biệt, trong vấn đề chuyển giao, từ năm 2018, khi có Nghị định 70 đi kèm với đó là Thông tư 63 của Bộ Tài chính, hướng dẫn Nghị định 70 về mặt tài chính và Thông tư 02/2020 của Bộ KH-CN hướng dẫn thi hành khoản 1 Điều 41 Nghị định 70 thì các viện đang bị vướng.

"Nếu doanh nghiệp muốn mua đứt bán đoạn, đầu tư vốn tham gia nghiên cứu để được đứng tên sở hữu các giống thì chỉ có thể thực hiện được từ năm 2018 trở về trước. Từ đó đến nay, không viện nào còn dám ký chuyển nhượng cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có góp vốn vào tham gia dự án", Chủ tịch HĐQT Vinaseed nói.

 

Nguyên nhân là do Nghị định 70 đang quy định tất cả các tài sản công khi thực hiện phải xác định giá trị còn lại hoặc giá thị trường, cùng với lợi nhuận và nhiều chi tiết khác để định giá.

Điều này khiến các viện rất lúng túng, do đó, từ năm 2018 đến nay chỉ còn một hình thức là chuyển giao quyền kinh doanh cho các đơn vị. Mặc dù có nhiều hình thức nhưng hiện nay tất cả các sản phẩm về giống cây trồng của các viện chỉ còn hình thức chuyển giao quyền sản xuất kinh doanh có đóng phí.

Theo nhà lãnh đạo Vinaseed, rủi ro ở đây là chưa có hành lang pháp lý hướng dẫn cho các viện về trình tự thủ tục chuyển nhượng thế nào, phải thực hiện trả giá công khai hay đấu giá thế nào?

Nếu chỉ là thỏa thuận, mặc cả thông thường, thì bất cứ cơ quan tài chính, thuế nào khi kiểm toán đều có thể hỏi cơ sở nào để định giá như vậy, rất dễ bị sai và phải hủy hợp đồng. Đó là một rủi ro rất lớn cho danh nghiệp và cả các viện.

Các viện có thể vẫn thu tiền cho ngân sách nhà nước, vẫn nộp tiền vào quỹ đầu tư phát triển, vẫn nộp thuế, nhưng vẫn có thể sai, vì không có hướng dẫn.

Doanh nghiệp là cánh tay nối dài để đưa thành tựu nghiên cứu khoa học vào thực tiễn. Ảnh: Tùng Đinh.

Doanh nghiệp là cánh tay nối dài để đưa thành tựu nghiên cứu khoa học vào thực tiễn. Ảnh: Tùng Đinh.

Nguy cơ mất giống, hủy hợp đồng

Vấn đề thứ hai, đó là các thỏa thuận dân sự hiện nay là thỏa thuận giữa đơn vị sở hữu và đơn vị cần mua nhưng cơ quan quản lý nhà nước lại không có hành lang pháp lý để điều chỉnh việc đó. Do đó, doanh nghiệp có thể bị chất vấn về cơ sở đề giá, nếu không được chấp nhận mức giá đã thỏa thuận thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu.

Tức là, các giao dịch là dân sự giữa hai pháp nhân với nhau, không vi phạm pháp luật nhưng khi chiểu theo các quy định của nhà nước thì cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ NN-PTNT đang là cơ quan sở hữu chính lại nói là không được, phải dừng hợp đồng.

Về vấn đề độc quyền, hiện nay, việc góp vốn để sở hữu không thể thực hiện được nữa, chỉ có thể làm chuyển giao quyền kinh doanh, không được chuyển nhượng độc quyền thì doanh nghiệp chỉ có cách rút lui, không tham gia vào hợp tác công tư nữa.

Ở góc độ doanh nghiệp, nếu không có độc quyền thì sẽ tâm tư và cảm thấy rủi ro. Vì nếu ai cũng có thể khai thác, kinh doanh thì sẽ dẫn đến hiện tượng "lắm sư không ai đóng cửa chùa", không ai chịu trách nhiệm nữa.

Giống lúa VNR20 của Vinaseed 

Giống lúa VNR20 của Vinaseed 

Chưa kể, tâm lý lúc nào có sản phẩm rồi mới mua cũng gây ra cản trở trong việc huy động nguồn lực xã hội vào nghiên cứu. Do đó, bà Liên đề nghị Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các viện nghiên cứu, đưa ra giải pháp, cơ chế linh hoạt hơn.

Thêm một vấn đề nữa đó là với các hợp đồng mua đứt bán đoạn trước 2018 thì các doanh nghiệp đang rất khó khăn trong gia hạn lưu hành giống. Các viện không dám ký gia hạn vì việc mua bán từ sau 2018 đã chấm dứt, rất lúng túng.

Nếu không cẩn thận thì mất hết các giống, ví dụ như giống lúa DS1 hiện nay toàn bộ khu vực phía Bắc có thể mất luôn, không thể công nhận lại được nữa. Trong khi đó, giống J01 cũng đã mua đứt, bán đoạn từ 2016 ở miền Nam bây giờ không thể công nhận lại được, thậm chí Vinaseed chấp nhậnt từ bỏ độc quyền nhưng vẫn không gia hạn được.

Do đó, doanh nghiệp mong muốn phía Bộ NN-PTNT có chủ trương, chỉ đạo cho các viện là đối với các giống đã được mua bán trước Nghị định 70 thì có thể yên tâm ký gia hạn cho các doanh nghiệp để có thể làm, có thể giữ lại các sản phẩm tốt cho ngành.

Những đề xuất

Thứ nhất là các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành danh mục về giống, sản phẩm, quy trình công nghệ cũng như trình tự, thủ tục chuyển giao, công nhận cho các đơn vị.

Từ danh mục này, các doanh nghiệp sẽ biết và có hướng dẫn về trình tự, thủ tục phù hợp để có thể hợp tác, chuyển giao và thương mại hóa các giống tốt trong thời gian tới.

Bên cạnh đó là việc công khai việc chuyển giao công nghệ, khi có cơ chế minh bạch thì tất cả các doanh nghiệp có điều kiện, có nhu cầu tham gia vào hợp tác công tư sẽ trở thành cánh tay nối dài của các nhà khoa học để phát triển thương mại.

Thứ hai, các doanh nghiệp cũng đề xuất cơ quan quản lý nhà nước sớm có hướng dẫn về hợp tác công tư để huy động hiệu quả nguồn lực xã hội. Và các doanh nghiệp rất sẵn sàng tham gia vào quá trình này.

Vì vậy, cần sớm có cơ chế phối hợp giữa các nhà khoa học, các viện nơi có cả con người lẫn cơ sở nghiên cứu với các doanh nghiệp để khai thác thế mạnh mà không bị điều phối bởi Luật Ngân sách nhà nước.