'Sàn diễn’ của giống lúa chất lượng cao trong vụ xuân 2024
10:43 - 02/07/2024
THÁI NGUYÊN Vụ xuân năm 2024 tại Thái Nguyên được mùa, vượt kế hoạch. Các địa phương trong tỉnh đạt từ 50 - 70% diện tích gieo cấy là các giống lúa năng suất, chất lượng cao.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Vụ xuân thắng lớn
Những ngày đầu tháng 6, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang bước vào thu hoạch vụ lúa xuân. Để tránh cái nắng gay gắt của mùa hè, ngay từ 6 giờ sáng, cánh đồng rộng hàng chục ha tại xã Úc Kỳ (huyện Phú Bình) đã trở nên nhộn nhịp.
Những chiếc máy gặt đập liên hợp, máy vận chuyển thóc chạy bon bon từ thửa ruộng này sang thửa ruộng khác. Trên các trục đường nội đồng, đường xóm, bà con nông dân tất bật thu gom, vận chuyển những bao thóc về nhà.
Vụ xuân năm 2024, gia đình bà Dương Thị Nga (xã Úc Kỳ) cấy 8 sào các giống lúa J02, TBR225, nếp 97, Khang dân. Đến nay, gia đình bà đã thu hoạch được 7 sào, còn 1 sào cấy giống J02 sẽ được gặt trong khoảng 4 - 5 ngày tới. “Năm nay năng suất lúa của tôi đạt gần 2,5 tạ/sào (360m2), cao hơn so với vụ xuân năm ngoái”, bà Nga phấn khởi.
Theo ông Dương Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ, trước khi bước vào vụ thu hoạch lúa xuân, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân chủ động rà soát số lượng máy gặt đập liên hợp để có phương án kịp thời liên hệ với các chủ máy ở nơi khác khi cần thiết. Qua đó giúp bà con thu hoạch lúa đảm bảo nhanh gọn cũng như kịp thời làm đất cho vụ mùa sớm.
Trên cánh đồng của phường Tiên Phong (TP Phổ Yên) những ngày này, máy gặt đập liên hợp cũng đang hoạt động hết công suất.
Vụ xuân năm nay gia đình bà Ngô Thị Vĩnh cấy hơn 5 sào lúa giống TBR225. “Do có 2 sào lúa chín sớm, máy gặt không vào được nên cách đây một tuần tôi đã huy động mọi người trong nhà ra để gặt tay. Diện tích còn lại vẫn đang chờ thuê máy thu hoạch”, bà Vĩnh cho biết.
Vụ xuân năm 2024, phường Tiên Phong gieo cấy 570ha lúa, chủ yếu là các giống lúa lai và một số giống lúa thuần cho năng suất, chất lượng cao như MHC2, TBR225, VNR20, ADI28, ĐB18... Đến thời điểm này, bà con nông dân trên địa bàn đã cơ bản thu hoạch xong, năng suất đạt hơn 58 tạ/ha.
Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND phường Tiên Phong cho biết, những năm qua, địa phương đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. “Chính vì thế, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hợp tác xã và người dân đầu tư máy móc để phục vụ cho sản xuất. Đến nay, các khâu làm đất và thu hoạch lúa trên địa bàn phường đã được cơ giới hóa trên 90%”, ông Trường cho hay.
Tại huyện Phú Lương hiện cũng đang khẩn trương thu hoạch lúa vụ xuân và triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa. Đến thời điểm này, hơn 2.400ha lúa xuân trên địa bàn huyện đã thu hoạch được gần 70%, năng suất ước đạt trên 57 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 14.000 tấn, bằng 109% kế hoạch, tăng 2,4% so với vụ xuân năm 2023.
Vụ xuân năm 2024, huyện Phú Lương đưa vào gieo cấy các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao với diện tích hơn 1.400ha, chiếm trên 57% tổng diện tích. Cùng với lúa, các cây lương thực khác trên địa bàn huyện như ngô, đỗ, khoai và rau màu… đều cho năng suất, sản lượng tăng từ 1,2 - 3% so với cùng kỳ năm trước, góp phần giúp tổng sản lượng lương thực của huyện từ đầu năm đến nay đạt trên 17.600 tấn, bằng 102,1% so với cùng kỳ và bằng 54% kế hoạch năm. Với kết quả này, dự ước 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện Phú Lương ước đạt gần 680 tỷ đồng, tăng trên 20 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Lương, vụ xuân năm nay, cơ quan chuyên môn đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với địa phương. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân gieo cấy tập trung cùng giống và trà lúa theo vùng, xứ đồng để thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch; tích cực ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) trong sản xuất.
“Chủ động về giống lúa, nước phục vụ sản xuất là yếu tố quan trọng, quyết định đến năng suất, sản lượng. Chính vì thế, các đơn vị cung cấp nước tưới và vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có phương án tích trữ nước và vật tư ngay từ sớm để phục vụ cho sản xuất của bà con nông dân”, bà Trang cho hay.
"Sàn diễn" của giống lúa chất lượng cao
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên, đến thời điểm hiện tại, bà con nông dân trên toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng trên 44% tổng diện tích lúa vụ xuân 2024. Trong đó, TP Sông Công đã cơ bản thu hoạch xong; các huyện Võ Nhai, Định Hóa tỷ lệ thấp hơn bình quân chung do chủ yếu là trà xuân muộn. Ngành chức năng đánh giá, năng suất lúa trung bình toàn tỉnh ước đạt khoảng hơn 56 tạ/ha, đạt hơn 101% kế hoạch; sản lượng ước đạt hơn 162.000 tấn, bằng 103% kế hoạch.
Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên cho biết, vụ xuân năm nay, do thời tiết thuận lợi, ít phát sinh sâu bệnh, đặc biệt bà con nông dân đã thực hiện nghiêm việc chọn giống lúa và tuân thủ lịch thời vụ mà ngành nông nghiệp khuyến cáo nên năng suất lúa vượt so với kế hoạch.
“Hiện nay, Chi cục đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, đôn đốc người dân nhanh chóng tiến hành thu hoạch nốt lúa xuân, làm đất sớm để gieo cấy vụ mùa, đặc biệt là tại những nơi có truyền thống làm vụ đông”, ông Nguyễn Tá thông tin.
Thực tiễn sản xuất vụ xuân năm 2024 của bà con trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cho thấy, việc canh tác các giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày không những giúp tăng năng suất, tăng giá trị mà còn rút ngắn vùa mùa, tạo điều kiện để chủ động triển khai sản xuất vụ mùa - vụ đông.
Theo đó, vụ xuân 2024, tỉnh Thái Nguyên đã khuyến khích bà con nông dân đưa các giống lúa lai, lúa thuần cho năng suất, chất lượng cao như J02, TBR225, nếp vải, nếp thầu dầu, SL8H-GS9, TH3-7, TH3-5, B-TE1... vào sản xuất với mục tiêu phấn đấu diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng cao, giống lúa đặc sản, sản xuất lúa áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ đạt trên 50% tổng diện tích gieo cấy toàn tỉnh. Để đạt được kế hoạch đề ra, ngành nông nghiệp cũng như các địa phương đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vào sản xuất các giống mới, giống chất lượng cao.
“Năm 2024, toàn tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống lúa và các địa phương cũng đã đăng ký. Đến nay, qua quá trình chuyển đổi, các địa phương đã tích cực thực hiện và đạt từ 50% đến 70% diện tích gieo cấy là lúa năng suất chất lượng cao trong vụ xuân này”, ông Nguyễn Tá chia sẻ.
Vụ xuân năm 2024, tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch gieo cấy hơn 28.100ha lúa, tăng 50ha so với vụ xuân năm 2023, phấn đấu năng suất bình quân đạt hơn 55 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 157.000 tấn, trong đó diện tích lúa lai chiếm trên 18%, còn lại là các giống lúa thuần.