Sản xuất chè an toàn, một HTX ở Thái Nguyên bán ra hàng chục tấn, mang về doanh thu

Sản xuất chè an toàn, một HTX ở Thái Nguyên bán ra hàng chục tấn, mang về doanh thu "khủng"

21:12 - 25/03/2024

Nhờ sản xuất chè theo hướng an toàn, HTX Chè an toàn Sơn Thành, xã Phú Lạc, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên bán ra hàng chục tấn chè mỗi năm với giá trị sản phẩm ngày càng được nâng lên, thu về hàng tỷ đồng.

Lào Cai: Ra mắt câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi
Thả rong để nuôi tép, làm chơi, ăn thật
Những giống lúa bản địa của người Mường đang dần biến mất
Loại củ đang vào mùa ở Việt Nam, giá rẻ, nhiều người thích nhưng cực độc nếu ăn sai cách
Đạt 9,2 tỷ USD sau 11 tháng, xuất khẩu thủy sản 2024 tự tin cán mốc 10 tỷ USD

HTX Chè an toàn Sơn Thành có địa chỉ tại xóm Lũng 2, xã Phú Lạc, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được thành lập năm 2011 với 7 thành viên tham gia. Thời điểm đó, HTX quản lý diện tích chè trên 5ha.

Trải qua 13 năm phát triển, ngoài 7 thành viên ban đầu, HTX còn liên kết với 18 hộ dân nâng tổng diện tích vùng chè nguyên liệu lên trên 10ha. Toàn bộ diện tích chè này đều được chăm sóc theo quy trình VietGAP đảm bảo sản xuất an toàn.

Sản xuất chè an toàn, một HTX ở Thái Nguyên bán ra hàng chục tấn, mang về doanh thu "khủng" - Ảnh 1.

Hiện nay, HTX Chè an toàn Sơn Thành có 7 thành viên và 18 hộ dân liên kết tham gia sản xuất. Ảnh: Hà Thanh

Trong quá trình sản xuất, các thành viên, hộ liên kết được HTX phát "sổ nhật ký nông hộ" để ghi chép toàn bộ quy trình chăm sóc, thời gian bón phân, thuốc bảo vệ thực vật, thời điểm thu hái… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Những hộ dân tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao được HTX thu mua với giá ổn định, cao hơn giá thị trường 10.000 – 20.000 đồng/kg.

Hiện nay, giống chè HTX canh tác chủ yếu là giống chè trung du và chè lai F1 có năng suất, chất lượng cao…

Nhằm đảm bảo chất lượng chè khi xuất bán ra thị trường, thời gian qua HTX đã không ngừng đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ khâu chế biến đến khâu đóng gói sản phẩm như sử dụng máy sao chè bằng ga, máy ủ hương bằng điện, máy hút chân không. Chính vì vậy, sản phẩm của HTX làm ra đều được khách hàng đánh giá cao về chất lượng.

Chị Hoàng Bảo Nhi – Thành viên HTX Chè an toàn Sơn Thành cho biết, nghề chè đã có truyền thống từ hơn 50 năm ở vùng này, nhưng trước đây hoạt động sản xuất quy mô nhỏ, sản phẩm được tiêu thụ ở các chợ quanh khu vực, giá bán bấp bênh, thường xuyên bị thương lái ép giá.

"Sau khi HTX được thành lập, các hộ sản xuất chè được tập huấn trồng, chăm sóc và chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc sản xuất an toàn giúp năng suất, chất lượng sản phẩm gia tăng. Đời sống người dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt, cả về mức sống và chất lượng cuộc sống", bà Nhi bày tỏ.

Chia sẻ với PV Dân Việt, bà La Thị Tâm - Giám đốc HTX Chè an toàn Sơn Thành cho hay: Sau khi tạo ra được sản phẩm an toàn, chất lượng, HTX tập trung vào quảng bá, nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm, nhằm gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Ban đầu, HTX chủ động tiếp cận các khách hàng quen trên địa bàn để giới thiệu, quảng bá và tiếp thị sản phẩm. Đồng thời, HTX tích cực tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các tỉnh xa ở miền Trung và miền Nam, nơi thị trường tiêu thụ còn khá rộng mở.

Nhờ quy trình sản xuất an toàn, chất lượng vượt trội, sản phẩm chè của HTX nhanh chóng chinh phục nhiều khách hàng. Các đại lý tiêu thụ chè của HTX liên tục được mở ở các tỉnh như Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Gia Lai…

 

Từ năm 2016 đến nay, HTX đã có sản phẩm giới thiệu tại điểm bán hàng "Tự hào hàng Việt Nam" của Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương). Nhờ vậy, lượng sản phẩm xuất bán liên tục tăng so với thời điểm ban đầu, giá bán trung bình cũng cao hơn khoảng 100.000 đồng/kg so với khi mới thành lập HTX.

Bên cạnh đó, cùng với việc quảng bá sản phẩm, HTX còn sản xuất ra nhiều loại chè, với các phân khúc từ bình dân đến cao cấp nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mọi đối tượng khách hàng.

Trải qua 12 năm phát triển, đến nay HTX đang có 7 sản phẩm chính với phân khúc giá thành từ 250.000đ/kg đến 1,8 triệu đồng/kg. Trong đó sản phẩm cao cấp nhất của HTX là sản phẩm Đinh Đinh Trà và Tôm nõn trà.

Sản xuất chè an toàn, một HTX ở Thái Nguyên bán ra hàng chục tấn, mang về doanh thu "khủng" - Ảnh 2.

Đến nay HTX Chè an toàn Sơn Thành đang có 7 sản phẩm chính với phân khúc giá thành từ 250.000 đồng/kg đến 1,8 triệu đồng/kg. Ảnh: Hà Thanh

"Đến thời điểm này, HTX đã có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao là sản phẩm Trà xanh Sơn Thành, Tôm nõn trà và Đinh Đinh trà. Trong đó, sản phẩm Tôm nõn trà là một trong hai sản phẩm chủ lực của HTX đã có thị trường rộng rãi trong toàn quốc. Năm 2023, HTX xuất bán ra thị trường trên 10 tấn chè khô các loại, mang về doanh thu khoảng 1,8 tỷ đồng", bà Tâm nhấn mạnh.

Sản xuất chè an toàn, một HTX ở Thái Nguyên bán ra hàng chục tấn, mang về doanh thu "khủng" - Ảnh 3.

Hiện nay, HTX Chè an toàn Sơn Thành đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động với thu nhập bình quân từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Hà Thanh

Ông Bùi Văn Đam – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lạc cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Phú Lạc có tổng diện tích chè khoảng 345ha, địa phương đang phát triển thêm 400ha diện tích chè thay thế những giống chè cũ kém chất lượng. Trong đó bà con nhân dân chủ yếu chăm sóc theo quy trình VietGAP, bón phân hữu cơ.

Hội Nông dân cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc và chế biến chè cho bà con.

Đối với HTX Chè an toàn Sơn Thành, khi thành lập đến nay HTX phát triển tương đối tốt, sản phẩm của HTX đã có mặt tại nhiều nơi trên cả nước, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

"Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện hỗ trợ để các HTX phát triển tốt hơn", Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lạc, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.