Sản xuất hữu cơ là một dòng chảy tất yếu của nông nghiệp Hà Nội

Sản xuất hữu cơ là một dòng chảy tất yếu của nông nghiệp Hà Nội

14:09 - 08/10/2024

Theo thống kê trên địa bàn Hà Nội có khoảng 2.000 ha cây trồng hữu cơ, nhiều mô hình trong đó tỏ ra phù hợp với xu thế, cho hiệu quả kinh tế khá.

Dự án nuôi trâu, bò sinh sản giúp hộ nghèo, cận nghèo chuyển đổi giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững

20 năm kiên trì một hướng đi

Có những mô hình đi dần từng bước từ VietGAP rồi chuyển sang hướng hữu cơ, để 3-4 năm sau thành chuẩn hữu cơ, được chứng nhận. Tuy nhiên cũng có những mô hình ngay từ đầu đã xác định con đường hữu cơ rồi dù biết là để theo được không chỉ cần vốn đầu tư mà còn cần sự kiên trì, thậm chí là chịu nhận thiệt thòi về cho mình.

Chị Trương Kim Hoa - chủ trang trại Hoa Viên (Yên Bình, Thạch Thất, Hà Nội) là một người như vậy. Trang trại của chị nằm ngay dưới chân núi Vua Bà thuộc Vườn quốc gia Ba Vì như một khu rừng nhỏ có nhiều chim, sóc, gà rừng và ong bướm. Lúc đầu mới khởi nghiệp làm nông sâu bọ nhiều phải bắt bằng tay nhưng dần dần tự nhiên lại xuất hiện những loại thiên địch mà tự nó tiêu diệt sâu bọ như ong mắt đỏ, bọ ngựa, cóc, nhái, chim…

Chị tâm niệm, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là mang sức khỏe cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng, trả lại cho tự nhiên những gì vốn có. Làm nông nghiệp sạch không lãi cao nhưng lại tạo phúc cho đời. Lại nhớ hồi lâu lâu, tôi hỏi lý do gì mà một cán bộ ngân hàng đang “ăn trắng, mặc trơn” lại thích “chân lấm tay bùn” thì chị cười rồi kể trước đây thể chất mình ốm yếu nhưng từ hồi làm nông nghiệp hữu cơ càng làm lại càng thấy khỏe ra nên say mê lúc nào không biết.

Sau nhiều năm mở rộng dần thì hiện chị đã có trong tay nhiều ha đất và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm con người. Ở trang trại Hoa Viên có một vòng tuần hoàn khép kín là nuôi giun quế lấy phân trồng rau, trồng thảo dược rồi chính những phụ phẩm từ rau, thảo dược lại trở thành thức ăn của giun quế.

Chị còn mày mò lai tạo giống giun của Việt Nam với các giống giun ngoại để tạo ra giống mới sinh sản khỏe, năng suất cao, có sức đề kháng tốt, dù nuôi ở ngoài trời cũng không bỏ đi, dù mưa cũng không bò theo dòng nước. Nhờ vậy mà khác với nhiều trang trại nuôi giun phải có chuồng lợp mái, có lưới ngăn côn trùng, ở Hoa Viên không chỉ nuôi giun trong chuồng mà còn thả ngay dưới đất, dưới tán cây thế mà hễ bới ra vẫn thấy có rất nhiều.

Chị Hoa đang kiểm tra giun quế. Ảnh: NNVN.

Chị Hoa đang kiểm tra giun quế. Ảnh: NNVN.

Chị bảo con giun quế chính là chìa khóa của nông nghiệp hữu cơ, chất thải chúng đặc biệt hợp để bón cho các loại rau rừng như sắng, bò khai, mỏ, sau sau, dền chua… Vì là sản xuất hữu cơ nên chị đặc biệt kỹ tính trong việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào. Ngoài tàn dư thực vật, thức ăn chính của giun quế vẫn phải là phân chuồng nhưng chị giải thích, phân lợn bây giờ khác hẳn với phân lợn ngày trước vì không còn ăn bèo, ăn thân cây chuối, ăn cám gạo nữa mà chỉ ăn cám công nghiệp, bị tiêm kháng sinh nên phân của chúng có nhiều dư lượng không tốt.

Bởi thế mà chị phải chọn phân trâu, bò nuôi thả rông trên núi không kháng sinh, không thuốc tăng trọng, chất thải mới đạt chuẩn nguyên liệu đầu vào cho nông nghiệp hữu cơ. Khi mua về vẫn phải kiểm tra lại xem có vi sinh vật gây bệnh hoặc kim loại nặng hay không rồi phân đó mới ủ với chế phẩm EM, men vi sinh trong 2 - 3 tháng để diệt khuẩn sau đó mới cho giun ăn.

Khi thu hoạch phân giun lại để 3 tháng cho hoai mục, đưa các chế phẩm sinh học vào xử lý thì mới đem bón cho rau, thảo dược. Ngoài tự ủ phân hữu cơ chị còn triển khai nhiều cơ sở nuôi giun dạng “vệ tinh” cho mình ngay trong khuôn viên của trang trại. Họ thu mua phân trâu bò, tận dụng cỏ, tàn dư thừa của rau để làm thức ăn cho giun, hàng tháng lại cung cấp phân giun cho trang trại, ngoài ra còn bán giống cho người dân lân cận. Nhờ đó mỗi năm các hộ này có thể thu  lãi trung bình 100-200 triệu đồng.

 
Một góc của trang trại Hoa Viên. Ảnh: NNVN.

Một góc của trang trại Hoa Viên. Ảnh: NNVN.

Nguồn phân hữu cơ vô tận

Phải mất rất nhiều năm để chị Hoa có thể cải tạo những quả đồi dốc thành những nấc ruộng bậc thang trồng rau hữu cơ quy mô lớn nhất nhì miền Bắc. Cách mà trang trại Hoa Viên trồng trọt và chăn nuôi cũng rất độc đáo. Cạnh những luống rau là những luống giun được để chúng tạo thành một thứ phân bón vô tận cho cây trồng và cũng chính cây trồng lại tạo tàn dư cho vật nuôi ăn, tạo bóng mát cho vật nuôi trú ngụ.

Ở đây có nhiều loại rau rừng như rau sắng (ngót rừng), rau bò khai (dạ hiến), rau mỏ, rau dền chua đỏ, hoa và củ chuối rừng, măng rừng, sung nếp…Bên cạnh đó là các loại rau nhà như rau ngót, rau cải, rau muống, rau lang, rau dền, mướp hương, bầu, bí, su su...Mùa nào thức ấy trải kín, xanh ngát một vùng đồi.

Nước trong trang trại được dẫn nguồn từ mó trên núi về nên rất sạch. Thay vì sử dụng thuốc diệt cỏ thì những công nhân ở đây làm cỏ bằng tay, khống chế sâu bệnh ngay từ khi phát sinh như bắt giết sâu, ngắt ổ trứng, ngắt lá bị bệnh hại… mang đi tiêu hủy; dùng bẫy, bả sinh học dẫn dụ côn trùng gây hại; dùng thiên địch như cóc, thằn lằn, kỳ nhông… để diệt trừ; sử dụng thuốc BVTV nguồn gốc tự nhiên như gừng, ớt, tỏi để phun…

Bắt sâu bằng tay ở trang trại Hoa Viên. Ảnh: NNVN.

Bắt sâu bằng tay ở trang trại Hoa Viên. Ảnh: NNVN.

Nhờ đó mà từ mảnh đất cằn cỗi năm nào hễ lật phơi lên là cứng như đá thế ngày nay đã thành tơi xốp, tốt tươi. Với quy trình sản xuất bài bản, giám sát chặt chẽ, cộng thêm điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nước tưới đặc biệt nên rau củ nơi đây có hương vị thơm ngon tự nhiên và giàu dưỡng chất. 

Hiện sản lượng rau hữu cơ của trang trại mỗi ngày tới vài tấn nhưng nhiều lúc còn không đủ cung cấp cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng trên địa bàn Hà Nội dưới thương hiệu “Rau sạch Đại Ngàn”.

Ngoài rau củ ra, một hướng đi mới mà chị Hoa đang đầu tư là thảo dược. Chị sưu tầm về các loại thảo dược như giảo cổ lam, xạ đen, mạch môn, đẳng sâm, kim ngân hoa, đinh lăng…trong đó có nhiều loại đòi hỏi thời gian canh tác khá dài nhưng chúng lại có nhiều chất quý giúp cho việc chữa bệnh. Đây chính là một nguyên liệu quý cho các nhà máy dược bào chế ra những loại thuốc theo chuẩn hữu cơ.

Theo bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội trong dòng chảy của nông nghiệp hữu cơ của thành phố, đội ngũ cán bộ khuyến nông không thể đứng bên ngoài mà phải nhập cuộc bằng việc chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo chuẩn hữu cơ hoặc hướng hữu cơ để từ các mô hình nhỏ nhân rộng ra sản xuất, tiến tới sơ chế, chế biến và xây dựng thương hiệu. Chỉ bằng cách đó mới góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân, tạo ra chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, gia tăng tính vững bền, thậm chí có thể phát triển du lịch trải nghiệm ở những khu vực có điều kiện, lợi thế.