Sản xuất khởi sắc, 'ông lớn' phân bón Vinachem đặt mục tiêu lợi nhuận 'khủng'
17:49 - 19/07/2024
Năm 2024, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đặt mục tiêu doanh thu đạt 56.556 tỷ đồng, bằng 100,1% kế hoạch năm; lợi nhuận cộng hợp đạt 1.911 tỷ đồng.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Vinachem: Sản xuất khởi sắc, nhiều doanh nghiệp có lãi
Ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Tổng giám đốc Vinachem cho biết: Mặc dù có nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan, nhưng Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã nỗ lực, cố gắng phấn đấu để thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, 6 tháng đầu năm, ở nhóm công ty con, giá trị sản xuất theo giá thực tế 6 tháng đầu năm ước đạt 27.136 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh thu cộng hợp toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm ước đạt 29.595 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 815 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị có lãi tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Công ty cổ phần DAP-Vinachem bằng 46 lần, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền bằng 5 lần, Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ bằng 4 lần, Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam bằng 2 lần...
Với kết quả này, Vinachem đã nộp ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 561 tỷ đồng. Lao động bình quân 6 tháng đầu năm của Tập đoàn gần 18.000 người; tiền lương bình quân 13 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp thành viên bố trí đủ việc làm cho người lao động.
Nửa đầu năm 2024, Vinachem đã đáp ứng cao nhất các sản phẩm như phân bón, hoá chất, hoá mỹ phẩm, chất tẩy rửa, săm lốp… phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của sản xuất, tiêu dùng trong nước và góp phần bình ổn, đáp ứng đủ nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp.
Xu hướng kinh tế chủ đạo trong thời gian tới được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá vẫn là nguồn cung tăng, nhu cầu chưa được cải thiện đi đôi với giá cả hàng hóa chưa có dấu hiệu tăng mạnh mẽ trở lại. Đây sẽ là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và các đơn vị trong Tập đoàn 6 tháng cuối năm.
Đối mặt với những khó khăn và thách thức nêu trên, Vinachem và các đơn vị thành viên đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phấn đấu và giải pháp trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2024: Giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế 6 tháng cuối năm 2024 đạt 39.629 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2024 đạt 52.554 tỷ đồng; Doanh thu 6 tháng cuối năm 2024 đạt 26.961 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2024 đạt 56.556 tỷ đồng; Lợi nhuận cộng hợp 6 tháng cuối năm 2024 đạt 1.095 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2024 đạt 1.911 tỷ đồng.
Phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu sản xuất, kinh doanh
Báo cáo ngành phân bón của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, dự báo 2024 là một năm ổn định đối với ngành phân bón do giá bán và sản lượng tiêu thụ không còn nhiều dư địa tăng trưởng. Dự thảo Luật thuế VAT sửa đổi được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh tốt hơn với phân bón nhập khẩu nhờ giá thành giảm.
Việt Nam hiện đã tự chủ được trong việc sản xuất phân urê, phân lân và NPK, trong khi nhập khẩu hoàn toàn kali.
Hiện nay tổng công suất sản xuất các loại phân bón trong nước đều vượt nhu cầu tiêu thụ mỗi năm. Dẫn đầu là NPK, chiếm 35% tổng nhu cầu, do đây là loại phân bón tổng hợp, được đánh giá có tính kinh tế hơn khi chứa đầy đủ 3 hoạt chất cho cây trồng như đạm, phốt pho và kali.
Loại phân quan trọng thứ 2 là urê chiếm 28% tổng nhu cầu cả nước, tiếp đến phân lân 17% và các loại phân bón khác.
Nhìn chung, phân khúc NPK khá phân mảnh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp do rào cản gia nhập thấp. Nguyên nhân là do các công ty nhỏ lẻ và hộ kinh doanh thường sử dụng công nghệ đơn giản là phối trộn các loại phân đơn đầu vào, trong khi các công ty lớn dùng công nghệ hóa học phức tạp hơn để sản xuất. Chất lượng sản phẩm và giá bán vì thế cũng có sự chênh lệch.
Trong khi đó, thị phần urê cả nước được chiếm lĩnh bởi 2 Tập đoàn là PVN (65%) và Vinachem (gần 30%). Các công ty con thuộc Tập đoàn PVN (DPM, DCM) chi phối thị trường miền Nam và khu vực Tây Nguyên, trong khi nhóm các công ty thuộc Vinachem chiếm lĩnh thị trường phía Bắc.
Phân lân đóng vai trò như một hoạt chất bổ trợ giúp cây tăng sức đề kháng, và phù hợp cho các loại cây trồng trên nền đất chua (tập trung chủ yếu ở vùng đồi núi phía Bắc).
Việt Nam có thể sản xuất được phân lân nhờ có quặng Apatite, tuy nhiên công nghệ sản xuất đơn giản (chủ yếu nhập máy móc thiết bị từ Trung Quốc). Các công ty sản xuất phân lân có công suất lớn hiện nay như LAS, DDV đều thuộc tập đoàn Vinachem.
Dự báo nguồn cung urê thế giới trong năm 2024 được đảm bảo chủ yếu từ các nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc và Nga.
Trong bối cảnh thị trường như thế có thể nói, các kết quả sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của Vinachem tương đối khả quan. Điều này cho thấy một số nhiệm vụ được Vinachem triển khai hiệu quả như kế hoạch sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2021-2025; đề án tái cơ cấu nợ vay của 3 dự án phân bón theo kết luận của Bộ Chính trị và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Đây là những kết quả quan trọng mang tầm quyết định để phục vụ cho phát triển nhanh và bền vững của tập đoàn trong giai đoạn tới. Trong 6 tháng cuối năm, Vinachem phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo toàn phát triển các nguồn lực nhà nước giao.