Sát Tết giá sầu riêng tăng vù vù, nhà vườn ở Tiền Giang lãi ròng 1,2 - 1,5 tỷ đồng/ha
19:28 - 17/02/2024
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nông dân các vùng chuyên canh sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi khi giá sầu riêng đang tăng mạnh.
Giá heo hơi hôm nay 7/7/2025: An Giang giảm 1.000 đồng
Giá lúa gạo hôm nay 7/7/2025: Trong nước không đổi
Nuôi gà đẻ trứng áp dụng công nghệ tự động hiện đại
Sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu năm 2025 sẽ tăng 0,5%
Sầu riêng tới kỳ thu hoạch trong vườn của gia đình ông Trần Văn Sống tại xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang).
Nông dân Nguyễn Văn Chính ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy cho biết, ông vừa bán cho thương lái khoảng 4 tấn sầu riêng giống Ri6 với giá 130.000 đồng/kg, thu 520 triệu đồng. Theo ông Chính, những ngày giáp Tết sầu riêng tăng giá mạnh giúp nông dân có lợi nhuận lớn so các năm trước đây. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Chính cũng dự đoán nguồn cung trong dân không nhiều trong khi nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu đang rất lớn,
Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) Huỳnh Tấn Lộc chia sẻ, những ngày qua, thương lái thu mua sầu riêng giống Mon Thoong tại vườn giá 160.000 - 170.000 đồng/kg, sầu riêng giống Ri6 cũng có giá từ 125.000 - 135.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay và tăng gần gấp ba cùng kỳ năm trước.
Theo ghi nhận của phóng viên, với giá này, mỗi héc ta sầu riêng thu hoạch vào thời điểm hiện nay cho nông dân lợi nhuận ròng từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng.
Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp Huỳnh Tấn Lộc đánh giá, giá sầu riêng tăng mạnh trong những ngày giáp Tết nhờ là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của quốc gia nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Đặc biệt, sầu riêng được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đang mang lại niềm vui chung cho nông dân trồng chuyên canh sầu riêng.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp, việc được xuất khẩu chính ngạch là lợi thế giúp sầu riêng trở thành cây trồng cho thu nhập cao nhất, có lợi thế cạnh tranh tại địa phương. Do vậy, dư địa còn nhiều mà các cấp, các ngành và đơn vị xuất khẩu cần tận dụng cơ hội khai thác, giúp phát triển bền vững vùng chuyên canh sầu riêng, thúc đẩy đổi mới nông nghiệp - nông dân - nông thôn, nâng cao đời sống người dân.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, tỉnh hiện có trên 20.000 ha sầu riêng chuyên canh, tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây: Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy, Châu Thành… với sản lượng mỗi năm khoảng 300.000 tấn quả.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong nỗ lực tận dụng cơ hội trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và thị trường các nước, Tiền Giang quan tâm xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường các nước nói chung.
Trước mắt, tỉnh hiện có 72 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích trên 2.600 ha và 66 mã số cơ sở đóng gói được cấp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.