Sầu riêng mua vào lại tăng vọt lên hơn 100.000 đồng/kg, xuất khẩu loại quả ngon vào Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt
18:56 - 10/07/2024
Giá sầu riêng trong nước hôm nay (10/7) lại bất ngờ tăng vọt đạt mức hơn 100.000 đồng/kg do lực hút xuất khẩu tăng mạnh. Tại Trung Quốc - thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước xuất khẩu sầu riêng hàng đầu ASEAN.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Giá sầu riêng tăng cao nhất đến hơn 20.000 đồng/kg
Giá sầu riêng hôm nay (10/7) tại Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên tăng vọt, đạt mức hơn 100.000 đồng/kg do lực hút xuất khẩu tăng mạnh.
Theo đó, giá sầu riêng tại khu vực Tây Nam bộ và Đông Nam bộ tiếp tục được thu mua ngang nhau.
Các vựa thu mua sầu riêng xuất khẩu thông báo giá thu mua sầu riêng Monthong (còn gọi là Dona) là 102.000 – 105.000 đồng/kg (loại 1) và 82.000 – 85.000 đồng/kg (loại 2) và sầu riêng Ri6 là 60.000 – 62.000 đồng/kg (loại 1) và 47.000 – 48.000 đồng/kg (loại 2).
So với cách đây nửa tháng, giá sầu riêng Monthong tăng hơn 20.000 đồng/kg còn sầu riêng Ri6 tăng 3.000 – 4.000 đồng/kg.
Giá sầu riêng đang tăng mạnh là do đứt lứa. Vùng trồng Đông Nam bộ đang cuối mùa, sầu riêng Tây Nguyên thì mới vào đầu vụ nên sản lượng sụt giảm, đẩy giá tăng cao. Ngoài ra, do năm nay hạn hán, sầu riêng bị mất mùa, tỉ lệ trái đạt loại 1 và 2 ít hơn các năm dẫn đến giá sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu ở mức cao.
6 tháng đầu năm, xuất khẩu trái cây đã đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kết quả này có sự đóng góp lớn của mặt hàng sầu riêng, với 1,5 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch mặt hàng rau quả. Với đà tăng trưởng này, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu sầu riêng năm nay sẽ đạt 3,5 tỷ USD.
Hiện Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tính theo kim ngạch đã tăng từ 32% của năm 2023 lên mức 57%.
Hiện tại, các cơ quan chức năng phía Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán kỹ thuật để đi đến ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh.
Nếu mở được chính ngạch sản phẩm này thì giá trị xuất khẩu của sầu riêng sẽ tăng mạnh. Bởi một container sầu đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ có giá trị cao gấp nhiều lần so với xuất khẩu quả tươi.
Sầu riêng đông lạnh chủ yếu chú trọng chất lượng cơm, không đòi hỏi về mẫu mã bên ngoài như hàng tươi nên Việt Nam có thể xuất khẩu được thêm khoảng 30% sản lượng, mang về giá trị kinh tế lớn.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin năm 2023, Trung Quốc chi khoảng 1 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh nên khả năng năm đầu tiên tham gia thị trường Trung Quốc, Việt Nam có thể xuất được 300 - 500 triệu USD/năm.
Tại Trung Quốc - thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước xuất khẩu sầu riêng hàng đầu ASEAN.
Sau Thái Lan, Việt Nam, mới đây đã có thêm Malaysia vừa được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Malaysia được xuất đa dạng chủng loại sầu riêng tươi, với dự báo những lô sầu riêng tươi đầu tiên vào Trung Quốc từ tháng 8. Theo quy trình nghiêm ngặt, phải đến gần cuối năm sầu riêng tươi Malaysia mới xuất nhiều vào Trung Quốc. Cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc trở thành yếu tố tất yếu.
Ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết: "Đảm bảo chất lượng sầu riêng vẫn là tiêu chí quan trọng hàng đầu đòi hỏi các nhà sản xuất, các nhà xuất khẩu hàng đầu phải làm được. Để đạt được điều này chúng ta phải làm tốt xuyên suốt các khâu trong chuỗi từ trồng trọt đến xuất khẩu".
Sầu riêng Philippines có thị phần tại Trung Quốc không đáng kể chỉ vài phần trăm. Indonesia cũng đang ráo riết đàm phán xuất tươi sầu riêng sang Trung Quốc với tham vọng đạt nhiều tỷ USD. Sầu riêng có giá trị sử dụng 3 - 4 ngày, vì thế Việt Nam là có lợi thế nhất về vận chuyển đường bộ so với các nước. Nếu vận chuyển bằng đường hàng không giá thành sẽ rất cao.
Mở cửa mạnh cho sầu riêng vào Trung Quốc sẽ khiến cho sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt. Các chuyên gia cho rằng quốc gia nào tận dụng được lợi thế vị trí địa lý gần nhất, chất lượng ngon nhất, giá cả hợp lý nhất sẽ có chỗ đứng ngày càng vững chắc tại thị trường tỷ dân đang ngày càng thích ăn sầu riêng.
Việc mở rộng thị trường là rất quan trọng, nhưng yếu tố quyết định vẫn là chất lượng sầu riêng Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng nếu duy trì được chất lượng tốt, sầu riêng Việt Nam sẽ thu hút được nhiều thị trường tiềm năng trong tương lai.