Số phận bi thảm của dự án trứng gà sạch lớn nhất Phú Thọ
22:23 - 21/06/2024
Một dự án nhà máy trứng gà sạch công nghệ cao từng là niềm tự hào của tỉnh Phú Thọ, nhưng giờ đây đang lâm vào cảnh hết sức bi thảm.
Giá tiêu còn giữ ở mức cao nhưng coi chừng những rủi ro khó lường
Thái Nguyên: Trên trồng cây ăn quả, dưới thả gà, cây tốt, quả ngọt, cỏ dại biến đi đâu?
Cơ hội mới giữa những thách thức của xuất khẩu cá tra Việt Nam
Giá cà phê tăng vọt, Đắk Nông lập đỉnh mới, gián đoạn nguồn cung lớn từ Brazil và Việt Nam
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa tiếp tục ra thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo cho khoản vay của khách hàng là Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ. Giá khởi điểm cho tài sản đấu giá là 131,275 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là năm thứ tư liên tiếp Vietcombank ròng rã tìm đối tác mua lại nhà máy sản xuất trứng sạch của ĐTK Phú Thọ.
Tài sản đấu giá là toàn bộ hạng mục công trình, thiết bị máy móc đồng bộ và các phương tiện vận tải của nhà máy trứng gà sạch (hiện đã dừng hoạt động), được xây dựng trên tổng diện tích đất 408.627,5m2 đất nông nghiệp khác tại 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được UBND tỉnh Phú Thọ cấp cho thuê đất thời hạn 49 năm (từ 2/2016-2/2065) theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm để thực hiện dự án tại khu 1, xã Tề Lễ, huyện Tam Nông.
Lần đầu tiên Vietcombank rao bán tài sản trên là đầu năm 2020. Tại thời điểm đó, ngân hàng rao bán cùng lúc hai tài sản là toàn bộ nhà máy và toàn bộ phần vốn góp của chủ sở hữu nhà máy là Công ty cổ phần ĐTK tại Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ (công ty con) với giá khởi điểm hơn 550 tỷ đồng.
Đến tháng 8/2021, hai tài sản này được hạ giá xuống chỉ còn 273 tỷ đồng (trong đó giá khởi điểm của phần vốn góp là 21,28 tỷ đồng). Và đến thời điểm hiện tại, giá khởi điểm để rao bán nhà máy chỉ còn hơn 131 tỷ đồng.
Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin, tháng 3 năm 2017, Công ty ĐTK đã tổ chức khánh thành, chính thức đưa vào vận hành giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ trị giá 800 tỷ đồng. Đây là nhà máy sản xuất trứng gà sạch công nghệ cao hàng đầu thế giới được triển khai tại Việt Nam, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trong chăn nuôi gà đẻ trứng.
Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ được xây dựng trên điện tích 42 ha tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Với vị trí địa lý cách Hà Nội 110 km, nằm ở vị trí biệt lập, cách ly khu dân cư, dự án được đánh giá rất thuận lợi cho việc đảm bảo các nguyên tắc về an toàn sinh học và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các hạng mục cơ bản gồm: 4 nhà gà hậu bị (gà dưới 18 tuần) với công suất 52.800 con/nhà; 12 nhà gà đẻ với công suất 51.200 con/nhà; Hệ thống đóng gói trứng với công suất 60.000 quả/giờ. Sản lượng dự kiến lên tới 178 triệu quả trứng gà sạch/năm và thịt gà đẻ sau 80 tuần.
Nhà máy này là mô hình doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao điển hình, sản xuất trứng gà sạch công nghệ xanh hàng đầu thế giới, tiếp nhận và ứng dụng các thành tựu KH-CN tiên tiến trong chăn nuôi gà đẻ trứng của Nhật Bản, Mỹ, Israel, để cho ra các sản phẩm trứng gà sạch mang thương hiệu Việt Nam.
Toàn bộ quy trình của Nhà máy sản suất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ hoàn toàn tự động và khép kín, kiểm soát và cách ly tối đa với môi trường bên ngoài, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn ở mức cao nhất. Thời gian cung ứng sản phẩm từ khi gà đẻ tới hệ thống cửa hàng, siêu thị chỉ trong vòng 24 giờ
Trong khi đó, ĐTK là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, có gần 30 năm gắn bó và đồng hành cùng nhà nông với lĩnh vực khởi nghiệp là kinh doanh thuốc thú y. Từ năm 2013, ĐTK vinh dự được nằm trong top đầu 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Triển khai siêu dự án ở Phú Thọ, doanh nghiệp DTK quảng bá: Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đầu tư 100% gà giống chất lượng cao từ tập đoàn Hy-line Mỹ, (chiếm trên 70% thị phần gà giống tại Mỹ, hơn 60% tại Trung Quốc và trên 50% tại 10 thị trường lớn nhất toàn cầu).
Trại gà giống Quảng Nam của ĐTK được trang bị hệ thống chăn nuôi công nghệ Big Dutchman (CHLB Đức) kết hợp quy trình chăm sóc nuôi dưỡng chặt chẽ của Tập đoàn ISE Food Nhật Bản. Những quả trứng giống được lựa chọn theo tiêu chuẩn của Hy-line Mỹ dưới sự hướng dẫn và giám sát kỹ càng của các chuyên gia tập đoàn ISE Food - Nhật bản, được đưa vào hệ thống ấp nở, đảm bảo đáp ứng các điều kiện về vệ sinh, kỹ thuật để cho ra đàn gà con khỏe mạnh.
Ở thời điểm đó, dự án sản xuất trứng gà sạch công nghệ cao của ĐTK được xem là dự án lớn và hiện đại bậc nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất trứng gà sạch công nghệ cao.
Vietcombank là ngân hàng tài trợ vốn 600 tỷ với thời hạn cho vay 15 năm. Với sự đầu tư vào công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất với dây chuyền sản xuất theo chuỗi, Vietcombank hy vọng đây là hướng đi mới cho việc đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, sau thời gian ngắn ngủi đi vào hoạt động, dự án trứng gà sạch lớn nhất tỉnh Phú Thọ, công nghệ hiện đại nhất Việt Nam liên tục gặp khó khăn do phải cạnh tranh giá bán. Kết quả kinh doanh của nhà máy sản xuất trứng gà sạch này không đạt kỳ vọng và ngân hàng đã tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý thu hồi nợ gốc.
Năm 2020, Vietcombank đã phải rao bán tài sản của Công ty ĐTK Phú Thọ từ năm 2020 với giá khởi điểm lên tới 554 tỷ đồng. Sau nhiều lần tổ chức bán đấu giá thất bại, hiện siêu dự án này chỉ còn có giá khởi điểm hơn 131 tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ cho biết: Sự thất bại của dự án trứng gà sạch lớn nhất tỉnh Phú Thọ liên quan đến một số yếu tố về cạnh tranh giá cả. Mặc dù đầu tư khoa học công nghệ tiên tiến tuy nhiên chủ đầu tư gặp phải nhưungx khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ thông tin thêm: Kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất hàng hóa, chiếm tỷ trọng cao.
Cơ cấu lại các đàn vật nuôi, bố trí quỹ đất phát triển chăn nuôi phù hợp với quy định về mật độ chăn nuôi và khu vực không được phép chăn nuôi, quy hoạch phát triển các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng tránh dịch bệnh.
Mục tiêu đến năm 2025 duy trì quy mô đàn lợn khoảng 760.00 con; tăng tỷ lệ chăn nuôi trang trại tập trung đạt 50% tổng đàn, trọng điểm phát triển trang trại quy mô lớn trên địa bàn các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba, Tam Nông và Phù Ninh.
Tổng đàn gà 13,5 triệu con, tăng tỷ lệ chăn nuôi trang trại tập trung đạt trên 45% tổng đàn, tập trung ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Tam Nông, Phù Ninh, Thanh Ba, Đoan Hùng, Cẩm Khê.
Phát triển nâng quy mô đàn bò đạt 117 nghìn con, phấn đấu tỷ lệ chăn nuôi trang trại tập trung đạt trên 10% tổng đàn. Phát triển các sản phẩm đặc sản, có lợi thế của địa phương như tổng đàn dê 60 nghìn con (tăng 43,8 nghìn con), tổng đàn thỏ 60 nghìn con (tăng 5,8 nghìn con), tổng đàn ong mật 100 nghìn đàn (tăng 23,6 nghìn đàn); phục tráng và phát triển các giống đặc sản, bản địa: gà nhiều cựa… quy mô khoảng 30.000 con; lợn đen, lợn rừng... quy mô khoảng 20.000 con.
“Tỉnh Phú Thọ sẽ Xây dựng 2 - 3 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với các loại vật nuôi chủ lực đối với lợn, gà; tỷ lệ đàn vật nuôi được sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đối với đàn lợn đạt 55%, đàn gà đạt trên 35%; chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ đối với đàn bò đạt 10%, đàn gà đạt 10%, đàn lợn đạt 5% tổng đàn.
Tỷ trọng gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung, công nghiệp đạt trên 40%... Tuy nhiên ngành chăn nuôi ở Phú Thọ hiện cũng đang gặp phải một số vấn đề về quy hoạch, an toàn dịch bệnh, xung đột giữa chăn nuôi với công nghiệp, du lịch...”, ông Nguyễn Tất Thành khẳng định.