Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm: Một mũi tên trúng hai đích

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm: Một mũi tên trúng hai đích

09:27 - 21/06/2022

Ứng dụng hiệu quả các giải pháp khoa học sẽ cải thiện năng suất cây trồng, tạo ra nông sản chất lượng cao, hạn chế tối đa tác động tiêu cực lên môi trường.

 
 &l

Giá sầu riêng hôm nay 28/3: Xuất khẩu sang Trung Quốc sắp tới là loại sầu riêng đông lạnh nào?
Xã có 500 hộ trồng cà dừa, thu nhập gấp 3 - 4 lần trồng lúa
Giá sầu riêng hôm nay 27/3: Sầu Thái 212.00 đồng/kg, tăng tốc xuất khẩu hàng đông lạnh vào Trung Quốc
Kiểm soát chặt con giống để phòng dịch cúm gia cầm
Giá hạt tiêu tăng lên mức nào đó sẽ đạt điểm "bão hoà"

Đồng xanh ruộng sạch

Hiện nay, việc thâm canh tăng vụ, biến đổi khí hậu, tình trạng nắng nóng mưa bão thất thường, các đối tượng dịch hại luôn có nguy cơ bùng phát… đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, lợi nhuận của bà con nông dân. Để đảm bảo năng suất và sản lượng, người nông dân sử dụng quá mức hóa chất phòng, trừ. Đáng quan tâm là thói quen phun ngừa, phun định kỳ ngay từ đầu vụ đã làm mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, tác động xấu đến môi trường và gia tăng chi phí sản xuất.

Người dân mang chai lọ, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng bỏ vào thùng chứa của mô hình. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân mang chai lọ, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng bỏ vào thùng chứa của mô hình. Ảnh: Minh Đảm.

Hàng năm, một lượng lớn thuốc BVTV được đổ xuống đồng ruộng và các chai lọ, bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng được nông dân vứt bỏ bừa bãi hoặc thu gom về đốt không đúng nơi quy định càng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường sống. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Tháp, năm 2020, tổng lượng phân bón sử dụng là trên 350.000 tấn và gần 9.000 tấn thuốc BVTV. Tổng lượng vỏ chai, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng thải ra môi trường là 300 tấn nhưng mới chỉ có 2 tấn được thu gom.

Trước tình hình này, tháng 12/2021, Cục Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Hiệp hội CropLife Việt Nam đã ký kết chương trình hợp tác sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả năm 2022. Trong khuôn khổ chương trình, các đơn vị phụ trách đã tổ chức tập huấn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả, cấp phát tờ rơi, phát video tuyên truyền; xây dựng và phát động mô hình thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng trên lúa và hoa kiểng; thực hiện thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV.

Nhận xét về hiệu quả của mô hình, ông Lê Văn Chấn - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Tháp cho biết: Qua quá trình triển khai thực hiện, đa số nông dân đều nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc BVTV tiết kiệm, an toàn, hiệu quả và thu gom chai lọ, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng để đúng nơi quy định, góp phần trong việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nông nghiệp nói riêng. Bà con nông dân hưởng ứng tích cực trong các hoạt động tập huấn, thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng...

Ông Cao Thọ Trường, Phó giám đốc HTX DVNN Bình Thành cho biết đồng đã xanh, ruộng đã sạch. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Cao Thọ Trường, Phó giám đốc HTX DVNN Bình Thành cho biết đồng đã xanh, ruộng đã sạch. Ảnh: Minh Đảm.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp là đơn vị được chương trình chọn thí điểm xây dựng mô hình thu gom sau sử dụng năm 2022 với 3 lần tập huấn (đầu, giữa và cuối vụ hè thu), 1 buổi hội thảo. Đặc biệt, sau tập huấn nông dân tổ chức đi thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng được 2 lần, lần gần đây được gần 300kg.

Ông Cao Thọ Trường - Phó giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành kể: “Khi chưa triển khai mô hình, đi dọc theo các cánh đồng lúa dễ dàng phát hiện hình ảnh chai lọ, bao bì thuốc BVTV nổi lềnh bềnh trên kênh hoặc vương vãi nơi đầu ruộng. Khi được tập huấn, bà con thấy tác hại nên đã tự giác mang chai lọ bỏ vô thùng đựng của chương trình. Còn bà con nào không có điều kiện mang đến nơi thì mang bao bì, chai lọ bỏ vào túi ni lông để ngoài đầu ruộng cho đội thu gom. Bây giờ đồng xanh ruộng sạch rồi”.

Nói về hiệu quả của chương trình tập huấn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, ông Trường cho hay bản thân ông cũng như bà con nông dân tiết kiệm được đáng kể chi phí sản xuất, nhất là tiền mua thuốc BVTV.

“Chi phí sản xuất trên 2 triệu đồng, áp dụng chương trình này còn khoảng 1,7 triệu đồng/công, trước mắt tiết kiệm 500 - 700 nghìn đồng/công”, ông Trường nói. Ông phân tích thêm, trước đây mỗi lần phun bà con cộng nhiều loại thuốc để trị bệnh, bây giờ được học cách chọn đúng thuốc đúng bệnh nên tránh lãng phí. Bên cạnh đó, bà con biết cách kiểm tra dịch hại trên đồng ruộng để biết thời điểm dùng thuốc và chọn đúng thuốc. Thời điểm trước, bà con phun theo tập quán, tới ngày là phun. Hiện nay, khi nào trên ruộng có dịch hại xảy ra thì mới sử dụng.

Không chỉ riêng tỉnh Đồng Tháp, tại ĐBSCL, hiện nay có một số bà con vẫn còn theo số tập quán cũ chưa áp dụng cách làm giảm lượng giống. Ngành chức năng các tỉnh đã xây dựng mô hình thí điểm, tuyên truyền rất nhiều chương trình giảm giống như 3G3T, 1P5G… nhưng một số bà con vẫn còn làm theo truyền thống, vẫn dùng lượng giống lớn làm tăng các chi phí, kéo theo là tăng áp lực sâu bệnh hại, dùng nhiều thuốc BVTV để phun. Đây là vấn đề cần kiểm soát.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật trao đổi với người dân về hiệu quả thực tế của mô hình thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV qua sử dụng. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật trao đổi với người dân về hiệu quả thực tế của mô hình thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV qua sử dụng. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: “Bà con thường có tập quán phun ngừa, chương trình hướng bà con sử dụng đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc, đúng loại sâu bệnh. Mô hình giúp giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường đồng ruộng ở các tỉnh đang gặp phải, giúp môi trường xanh sạch, chất lượng cuộc sống được nhân lên. Đây là mô hình chúng tôi sẽ đồng hành nhân rộng”.

Tập huấn đại lý: Một mũi tên trúng hai đích

Hiện nay, phần lớn người nông dân sử dụng thuốc BVTV trông chờ vào sự tư vấn, hướng dẫn của đại lý kinh doanh. Nói về hiệu quả của chương trình tập huấn, hướng dẫn đại lý buôn bán, sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm, ông Trần Văn Chưởng, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Chưởng (huyện Lấp Vò) nhận xét “một mũi tên trúng hai đích”.

“Khi mình hướng dẫn bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV có hiệu quả thì trước hết bản thân người kinh doanh phải có trách nhiệm, hiểu biết đầy đủ. Buổi tập huấn có rất nhiều nội dung, nội dung nào cũng rất cần thiết cho các đại lý. Trong thời kỳ này có những nhãn mác không đúng quy định của nhà nước. Mình kinh doanh mua bán thuốc BVTV có khi có đến cả nghìn mặt hàng, không dễ nhận biết những sai phạm. Người nông dân có hiểu biết hơn ngày xưa nhưng ở một mức độ nào đó, nên cần hướng dẫn người dân sử dụng thuốc đúng cách”, ông Chưởng nói.

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, chương trình đã giúp bà con nông dân thay đổi nhận thức trong vấn đề sử dụng thuốc BVTV một cách hiệu quả, giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái trong quá trình sử dụng, mang lại giá trị trong việc nâng cao chất lượng nông sản. “Quy trình sản xuất bền vững giúp bà con nông dân có thể tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm thiểu tác động của bão giá vật tư nông nghiệp như hiện nay. Chúng ta hoàn toàn tính toán được cách sử dụng thuốc sao cho hiệu quả nhất, kinh tế nhất”, ông Đạt cho biết.

Đại diện Hiệp hội CropLife Việt Nam, ông Đặng Văn Hảo cho biết rất vinh dự được đồng hành cùng chương trình. Ông Hảo cho rằng, chương trình rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường, sức khỏe người nông dân và tương lai thế hệ mai sau.

Tại Việt Nam, CropLife và các công ty thành viên luôn cam kết hỗ trợ và triển khai các chiến lược dài hạn giúp hơn 25 triệu nông dân ứng dụng có hiệu quả các giải pháp khoa học trong canh tác nông nghiệp nhằm đẩy mạnh tăng trưởng, cải thiện năng suất cây trồng, tạo ra nông sản chất lượng cao trong khi hạn chế tối đa các tác động tiêu cực lên môi trường.

Hướng đến tầm nhìn phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, Hiệp hội CropLife đã và đang triển khai các chương trình hướng dẫn, tập huấn nông dân sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm đối với môi trường và sức khỏe con người, trong đó trọng tâm là các sản phẩm thuốc BVTV và giống cây trồng công nghệ sinh học.

 

 

 

Nguồn: Internet