Su su trồng trên núi cao lọt 'mắt xanh' đối tác nước ngoài

Su su trồng trên núi cao lọt 'mắt xanh' đối tác nước ngoài

09:42 - 25/11/2024

YÊN BÁI Hiện một số khách hàng từ Ấn Độ, Đài Loan đã đến tìm hiểu và mong muốn nhập khẩu sản phẩm su su của HTX nông nghiệp sạch T&D (huyện Mù Cang Chải).

Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Giá cà phê đang cao gấp đôi vụ năm ngoái
Chăn nuôi gà cho ăn bã bia, đầu tư ít, tiền đút túi nhiều
Vô số vườn đẹp, cây thấp tè đã ra trái quá trời, nông dân Bình Định "hái ra tiền", quả ngon nhìn phát thèm
Ở Cà Mau đang vào mùa bắt con đặc sản sống trong rừng, ăn thịt con này thơm, ngọt, béo, bùi

Những ngày cuối 10 ở Mù Cang Chải thời tiết đã lạnh, mùa đông bắt đầu. Anh Phạm Quang Thọ, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch T&D chở chúng tôi trên chiếc xe bán tải vượt qua hơn chục cây số đường dốc để đến thăm vùng trồng su su của HTX. Trên đỉnh Háng Gàng (xã Lao Chải), cả vạt đồi rộng lớn được phủ xanh bởi những giàn su su đang vào vụ thu hoạch.

Trang trại trồng su su rộng 12ha ở trên đỉnh núi của HTX nông nghiệp sạch T&D cho quả sai lúc lỉu. Ảnh: Thanh Tiến.

Trang trại trồng su su rộng 12ha ở trên đỉnh núi của HTX nông nghiệp sạch T&D cho quả sai lúc lỉu. Ảnh: Thanh Tiến.

Dẫn chúng tôi qua một lối nhỏ lên đồi, những vườn su su quả sai lúc lỉu trên hệ thống giàn được làm chắc chắn bằng ống kẽm và giây thép đảm bảo chống sập đổ trong mùa mưa bão.

Nhận thấy vùng đất này có khí hậu mát mẻ quanh năm, đất đai dồi dào nên từ năm 2007, anh Thọ đã có ý tưởng phát triển mô hình nông nghiệp sạch. Ban đầu anh chủ yếu trồng cây táo mèo và một số loại rau. Đến năm 2019, anh quyết định thành lập HTX nông nghiệp sạch T&D với 7 thành viên, hoạt động chính là sản xuất rau, củ quả, trong đó cây trồng chính là su su.

Theo anh Thọ, su su là cây ưa lạnh nên rất phù hợp với khí hậu của Mù Cang Chải, sinh trưởng, phát triển nhanh, năng suất cao. Cây su su chỉ trồng một lần và cho thu hoạch nhiều năm tiếp theo, đến nay sau 5 năm trồng HTX vẫn chưa phải trồng lại. Vào cuối năm, khi hết vụ quả, giàn su su sẽ tàn, khô dây, rụng lá, tuy nhiên phần gốc không chết, sẽ bật mầm mới và tiếp tục lan rộng để cho thu hoạch quả và ngọn ở vụ tiếp theo.

Trồng su su ở Mù Cang Chải cho thu hoạch trái vụ nên có giá bán cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Trồng su su ở Mù Cang Chải cho thu hoạch trái vụ nên có giá bán cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc chăm sóc su su khá đơn giản, toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc, làm cỏ, thu hái được HTX thực hiện theo hướng hữu cơ. Hệ thống tưới được dẫn từ trên khe núi về bằng đường ống nhựa, phân bón được sử dụng hoàn toàn phân chuồng đã ủ hoai mục. Việc làm cỏ được làm thủ công, phát bằng máy hoặc sử dụng máy cày nhỏ để làm tơi xốp đất. Đặc biệt, vườn su su không có sâu bệnh nên chưa từng phải sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào.

Trong quá trình chăm sóc chỉ cần tập trung tỉa thưa lá để có đủ ánh sáng phía dưới giàn giúp quả su su to đều, xanh, bóng, chất lượng thơm ngọt. Hiện nay, HTX có 12ha su su, mùa thu hoạch quả thường bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến tháng 11, tháng 12 (dương lịch). Một ha su su cho doanh thu từ 300 – 500 triệu đồng/năm.

Quy trình sản xuất su su theo hướng hữu cơ cho chất lượng quả thơm ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Thanh Tiến.

Quy trình sản xuất su su theo hướng hữu cơ cho chất lượng quả thơm ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Thanh Tiến.

Vào vụ thu hoạch, trung bình mỗi ngày HTX cung ứng ra thị trường từ 7 - 10 tấn quả cho các chợ đầu mối ở Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, thời điểm đầu vụ và cuối vụ được giá từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. Hiện nay, một số khách hàng từ các nước Ấn Độ, Đài Loan cũng đã đến tìm hiểu và mong muốn nhập khẩu sản phẩm su su của HTX. Chính vì vậy, HTX đang tiếp tục phát triển mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, sản lượng, phấn đấu cung ứng ra thị trường từ 15 - 20 tấn quả/ngày.

Năm 2023, sản phẩm quả su su của HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, với chất lượng thơm, ngọt, mẫu mã đẹp. Ngoài cung ứng cho các thị trường lớn, sản phẩm su su và rau sạch của HTX còn được cấp cho các bếp ăn tập thể, trường học trong và ngoài huyện.

Quả su su của HTX nông nghiệp sạch T&D đã được công sản sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Quả su su của HTX nông nghiệp sạch T&D đã được công sản sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Ở vùng dưới xuôi người ta chỉ trồng được su su vào vụ đông, còn ở đây lại thu hoạch trong suốt mùa hè kéo dài đến dịp cuối năm nên có giá trị cao, ổn định. Hiện HTX còn khoảng 13ha đất, thời gian tới mỗi năm sẽ đầu tư làm giàn, trồng mới từ 3 - 4ha/năm, phấn đấu trồng khoảng 25ha. Ngoài ra, HTX còn liên kết và hỗ trợ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ dân trồng su su trong vùng.

Ngoài ra, HTX nông nghiệp sạch T&D còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức thu nhập từ 5 – 9 triệu đồng/người/tháng, trong mùa chăm sóc, thu hoạch thu hút từ 20 - 30 lao động thời vụ.

Ông Phạm Quang Thọ, Giám đốc HTX cho biết thêm, hiện nay diện tích đất trống của người dân Mù Cang Chải còn khá nhiều, một số hộ tham gia trồng su su như ông Giàng A Báo, Giàng A Câu ở bản Háng Gàng (xã Lao Chải) có diện tích khoảng 1ha đã có thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/năm.

Chính vì vậy, để hỗ trợ người dân phát triển, mở rộng diện tích, thời gian tới, HTX sẽ hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và tiếp tục hợp đồng thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Một số hộ dân ở Mù Cang Chải có thu nhập cao từ trồng su su trên núi. Ảnh: Thanh Tiến.

Một số hộ dân ở Mù Cang Chải có thu nhập cao từ trồng su su trên núi. Ảnh: Thanh Tiến.

Mục tiêu cuả HTX là sẽ nâng cao chất lượng, mẫu mã quả su su đạt tiêu chuẩn, trọng lượng đạt theo yêu cầu để cung cấp cho các siêu thị lớn, các chung cư cao cấp và cửa hàng rau quả sạch. Tiếp tục đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác để nâng cấp chứng nhận OCOP và quảng bá sản phẩm tại các gian hàng trưng bày nông sản sạch trong và ngoài địa phương.

Ngoài ra, sẽ tiếp tục tập trung chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật theo tiêu chuẩn của đối tác Đài Loan (quả đẹp, xanh, thơm ngọt, trọng lượng từ 0,5kg/quả trở lên) để có thể xuất khẩu, góp phần nâng cao thương hiệu và giá trị nông sản.