Tận dụng thực bì để bồi bổ ‘sức khỏe’ cho đất trồng rừng

Tận dụng thực bì để bồi bổ ‘sức khỏe’ cho đất trồng rừng

08:09 - 13/08/2024

Thực bì sau khi khai thác rừng trồng không còn đốt như trước, mà được tấp vào luống trồng mới để tạo mùn, bồi bổ ‘sức khỏe’ cho đất trong vụ trồng rừng sau.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL

Phân bón cho cây rừng

Hiện trên địa bàn Bình Định đang có trên 130.000ha rừng trồng, mỗi năm khai thác và trồng lại khoảng 10.000ha. Trước đây, sau khi khai thác, thực bì của rừng trồng được dọn, đốt và đào hố trồng vụ mới. Trong thời tiết nắng nóng, đốt thực bì có nguy cơ cao dẫn tới cháy rừng, khói bụi từ đốt thực bì còn làm ô nhiễm không khí.

Hiện nay, những chủ rừng trồng ở Bình Định đã từ bỏ thói quen đốt thực bì sau khi khai thác rừng. Thay vào đó, họ chặt nhỏ, tấp thực bì vào luống trồng rừng vụ mới để tạo độ mùn làm xốp đất, bồi bổ “sức khỏe” cho đất.

Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) hiện có khoảng 1.500ha rừng trồng, mỗi năm khai thác, trồng lại rừng từ 120 - 150ha.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, đối với những cánh rừng trồng trên đất dốc và đất chưa nhiễm bệnh, sau khi khai thác, đơn vị này băm nhỏ thực bì tấp vào luống trồng rừng mới. Nhờ đó, trên đất giữ lại được thảm thực bì nhằm hạn chế xói mòn. Ngoài ra, lớp thực bì này sẽ tạo độ mùn khiến đất trở nên xốp hơn, cây rừng trồng mới sẽ được hưởng dinh dưỡng từ lớp thực bì này.

Cành nhánh cây rừng sau khi khai thác rừng trồng là rất lớn. Ảnh: V.Đ.T.

“Để hạn chế số lượng thực bì sau khai thác, những cánh rừng gần đến chu kỳ khai thác cần phát dọn thực bì trước đó 2 năm. Đến khi cánh rừng ấy đến chu kỳ khai thác thì số thực bì được phát dọn trước đó đã mục, phủ lên đất lớp mùn làm phân cho cây rừng vụ mới, khi khai thác thì cành nhánh còn ít, xử lý dễ hơn.

Nếu đến khi khai thác mới phát dọn thì lượng thực bì sẽ rất lớn, khi ấy việc tạo đường băng để trồng rừng vụ mới rất tốn công. Lớp thực bì khô lại có nguy cơ cháy và sinh ra mối hại cho cây rừng trồng vụ mới”, ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn chia sẻ.

Lợi ích kép

Ông Lê Hùng Doanh ở thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh (huyện Vân Canh, Bình Định) vừa xử lý xong khối lượng thực bì khá lớn trên diện tích 2ha rừng trồng của gia đình và trên hàng trăm ha rừng trồng ông nhận thầu khai thác gỗ. Hơn 3 năm làm theo phương pháp xử lý thực bì không dùng lửa do Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn chuyển giao, ông Doanh đã thấy lợi ích hiển hiện.

“Nếu gom thực bì lại đốt, nhìn cánh rừng thấy sạch sẽ, nhưng khi mưa xuống đất sẽ bị xói mòn. Còn nếu băm nhỏ thực bì, trải đều trên đất sẽ giúp giữ lại được chất hữu cơ của rừng, số thực bì phân hủy tạo thêm chất dinh dưỡng cho đất. Nhờ đó, chỉ đến năm thứ 2 là cây rừng trồng mới phát triển mạnh mẽ”, ông Doanh cho hay.

Những cánh rừng sắp đến chu kỳ khai thác cần phát dọn thực bì trước đó 2 năm để đến khi khai thác giảm lượng thực bì phải xử lý. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Trần Nguyên Tú, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, nhiều chủ rừng, công ty lâm nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đến tham khảo, học hỏi phương pháp này. Tổ chức GFA GmbH của Đức (đơn vị cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững - FSC) trong những lần trở lại Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn để đánh giá việc duy trì chứng chỉ FSC hằng năm, luôn đánh giá cao hiệu quả xử lý thực bì không đốt của đơn vị này.

“Việc xử lý thực bì trồng rừng không đốt hạn chế được khả năng cháy lan đến các diện tích rừng trồng lân cận, đồng thời không còn khói bụi từ việc đốt thực bì. Cách làm này góp phần tạo tư duy canh tác theo hướng bền vững, không gây ảnh hưởng đến môi trường đúng theo định hướng quản lý rừng bền vững”, ông Trần Nguyên Tú, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn.