Thái Bình đang bỏ phí 1,2 triệu tấn "nguyên liệu rẻ tiền" gì mà nếu sử dụng tốt có giá lên tới 500 tỷ/năm?
13:10 - 05/12/2024
Để tạo ra sản lượng 1 triệu tấn thóc, tỉnh Thái Bình cũng tạo ra lượng rơm rạ khổng lồ khoảng 1,2 triệu tấn. Nếu lượng rơm này được thu gom toàn bộ có thể thu về khoảng 480 - 500 tỷ đồng/năm, hoặc có thể dùng để trồng nấm ăn đem lại giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.
Nuôi biển hiện đại không thể thiếu quy hoạch đồng bộ và đầu tư công nghệ
Loại cây ra quả ngay thân trồng thành công ở Lâm Đồng, bẻ quả to bự bán, dân có thu nhập cao
Phó Cục trưởng NAFIQPM: 'Giá lợn hơi sẽ duy trì ở mức cao'
Những giống lúa của Vinaseed không làm nông dân thất vọng
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Sử dụng hiệu quả phế phụ phẩm nông nghiệp trong sản xuất”, Thái Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa. Đến nay, diện tích gieo trồng lúa của tỉnh khoảng 155 nghìn ha/năm, là tỉnh có diện tích cấy lúa lớn thứ 2 ở khu vực đồng bằng sông Hồng, với sản lượng lúa đạt trên 1 triệu tấn/năm.
Với sản lượng lúa như vậy, tỉnh Thái Bình cũng tạo ra lượng rơm rạ khổng lồ khoảng 1,2 triệu tấn, trong đó lượng rơm chiếm khoảng 480 ngàn tấn.
Với lượng rơm này, nếu thu gom được toàn bộ có thể thu về khoảng 480 - 500 tỷ đồng/năm (khoảng 200.000 đồng/sào/năm), hoặc có thể làm thức ăn xơ thô cho khoảng 88 ngàn con trâu, bò (gấp 1,55 lần đàn trâu bò hiện có của Thái Bình), hoặc có thể dùng sản xuất được khoảng 150.000 tấn nấm ăn/năm với giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng.
Việc tận dụng rơm, rạ sau thu hoạch làm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất nông nghiệp khác có ý nghĩa lớn trong việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bảo vệ đất, môi trường sinh thái cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất lúa. Ảnh: thaibinhtv
Tuy nhiên, theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong những năm qua chỉ một phần nhỏ lượng rơm rạ này được sử dụng để làm thức ăn cho trâu, bò, sản xuất nấm và làm vật liệu phủ luống cho trồng rau, màu... Phần lớn rơm rạ còn lại sau khi thu hoạch để lại trên đồng ruộng thường được bà con nông dân đốt hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
Khi đốt rơm, rạ khói bụi làm ô nhiễm không khí, che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông, đất bị chai cứng, thoái hóa. Phần rơm, rạ đưa ra đường giao thông gây cản trở người tham gia giao thông hoặc khi đẩy trực tiếp xuống các dòng sông, mương máng gây ô nhiễm nguồn nước, ách tắc dòng chảy ảnh hưởng đến công tác tưới tiêu. Đặc biệt, với lượng lớn rơm rạ để lại trên cánh đồng, thời gian chuyển vụ ngắn, nếu không xử lý tốt dễ gây hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho vụ sau.