Thái Lan tìm cách ổn định giá gạo, đà giảm giá gạo Việt sẽ bị chậm lại?
08:37 - 14/11/2024
Các chuyên gia nhận định, đà giảm của giá gạo trong 2 tháng cuối năm có thể sẽ chậm lại, không còn diễn biến mạnh mẽ như trong tháng trước. Giá lúa gạo hôm nay 11/11 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng với mặt hàng gạo. Giá gạo tăng 50 - 100 đồng/kg. Thị trường giao dịch bình ổn.
Giá tiêu ở Bình Phước đột ngột giảm sâu nhất trước làn sóng giảm giá ở Tây Nguyên hôm nay
Trang trại cây ăn quả hiệu quả cao
Giá cà phê trong nước tiếp tục tăng, Lâm Đồng và Gia Lai nâng giá thu mua sát nút Đắk Lắk, Đắk Nông
Vượt khó, khắc phục hậu quả thiên tai tại vùng lũ Mường Pồn
Đà giảm giá gạo trong 2 tháng cuối năm sẽ chậm lại?
Ủy ban Chính sách và Quản lý Lúa gạo Thái Lan đã phê duyệt ba biện pháp để duy trì sự cân bằng giữa cung và cầu về lúa gạo của nước này.
Các biện pháp này được kỳ vọng giúp đảm bảo giá lúa gạo Thái Lan trong vụ mùa năm nay sẽ không giảm mạnh do tình trạng cung vượt cầu.
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, biện pháp đầu tiên liên quan đến chương trình thế chấp gạo trị giá hơn 8,3 tỷ baht (tương đương với hơn 240 triệu USD), trong đó Chính phủ sẽ hỗ trợ 1.500 baht cho mỗi tấn gạo thế chấp.
Theo đó, chương trình này sẽ kéo dài đến ngày 28 tháng 2 năm sau và người dân tham gia chương trình được phép thế chấp gạo trong thời hạn từ một đến 5 tháng; đồng thời có thể nộp đơn xin vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp để vay từ 9.000 đến 12.500 baht/tấn cho lượng gạo được thế chấp theo chương trình của Chính phủ.
Biện pháp thứ hai liên quan đến các khoản vay cho các hợp tác xã nông nghiệp thu gom gạo từ nông dân và thế chấp cho Chính phủ với số lượng lớn.
Hơn 656 triệu baht đã được dành để tài trợ cho chương trình cho vay này, trong khi mục tiêu thế chấp gạo được đặt ở mức 1 triệu tấn.
Biện pháp cuối cùng là một chương trình liên quan trong đó Chính phủ sẽ trợ cấp 3% lãi suất vay mà các doanh nghiệp tư nhân có kho gạo tham gia chương trình thế chấp gạo phải trả để hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý lượng gạo đã thế chấp trong vòng hai đến 6 tháng.
Bộ Thương mại Thái Lan dự báo, xuất khẩu gạo của nước này trong năm nay có thể vượt mục tiêu dự kiến là 8,2 triệu tấn, một phần do các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ, khiến nguồn cung gạo toàn cầu bị thắt chặt. Còn theo Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan dự kiến sản lượng lúa gạo của nước này trong năm nay sẽ vào khoảng 33-34 triệu tấn, cao hơn mức 32 triệu tấn của năm ngoái.
Cho đến nay, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam vẫn đang được giao dịch cao nhất trong khu vực. Cụ thể, gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam được chào ở mức từ 520 - 525 USD/tấn. Thương nhân cho biết, giá ổn định trong bối cảnh nguồn cung giảm. Trong khi đó, gạo cùng loại của Thái Lan được báo giá ở mức 490 USD/tấn. Còn gạo 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức từ 440 - 450 USD/tấn, mức thấp nhất của Ấn Độ trong 15 tháng qua. Theo kết quả đấu thầu, Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia sẽ mua 83.500 tấn gạo từ Việt Nam, dự kiến giao hàng trong tháng này và tháng sau.
Việt Nam cũng đang tích cực theo đuổi thị trường gạo ít carbon. TPSO nhận định với sự hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, chính sách Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Việt Nam và chi phí sản xuất thấp hơn đã giúp Việt Nam giành được lợi thế trên các thị trường có ý thức bảo vệ môi trường như châu Âu, nơi Việt Nam được hưởng lợi từ một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU).
Số liệu thống kê xuất khẩu gần đây cho thấy sự cạnh tranh gay gắt giữa hai quốc gia Đông Nam Á. Năm 2023, Thái Lan đã xuất khẩu 8,77 triệu tấn gạo, trị giá 5,147 tỷ USD, trong khi Việt Nam xuất khẩu 8,13 triệu tấn, trị giá 4,675 tỷ USD.
Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/2024, xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt 7,45 triệu tấn (đạt trị giá 4,833 tỷ USD), so với 6,96 triệu tấn (đạt trị giá 4,353 tỷ USD) của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, xét về triển vọng giá gạo trong nước, mặc dù xu hướng giảm vẫn đang diễn ra, song mức giá khó có thể chạm ngưỡng 500 USD/tấn trong ngắn hạn. Đối với thị trường thế giới và cả Việt Nam, đà giảm của giá gạo trong 2 tháng cuối năm có thể sẽ chậm lại, không còn diễn biến mạnh mẽ như trong tháng trước.
Theo ghi nhận của MXV, kể từ quý II/2024 tới nay, thị trường lúa gạo trong nước và thế giới đã trải qua nhiều phiên biến động mạnh. Trong quý II, giá gạo thô giao dịch trên sàn CBOT luôn dao động ở vùng giá cao, trên mốc 300 USD/tấn. Đặc biệt, vào cuối tháng 4, giá mặt hàng này đã tăng nóng lên đỉnh 383 USD/tấn.
Tuy nhiên, cuối tháng 9 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu kéo dài hơn 14 tháng đối với mặt hàng gạo xay xát, ngoại trừ gạo basmati, đồng thời giảm thuế xuất khẩu gạo lứt và gạo đồ từ 20% xuống còn 10%. Do đó, kể từ tháng 10, giá gạo thế giới đã quay đầu giảm, hiện chỉ còn khoảng 285 USD/tấn, giảm khoảng 35 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.
MXV cho biết, dữ liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho thấy hiện nay, giá gạo 5% tấm của 4 quốc gia xuất khẩu top đầu thế giới là Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Pakistan đều đã chạm đáy trong vòng một năm qua. Tính đến 4/11, giá gạo 5% tấm của ta ở mức 525 USD/tấn, giảm 55 USD so với đầu quý II. Trong khi đó, giá gạo cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt giảm 85 USD và 135 USD. Hiện nay, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan 35 USD/tấn và Ấn Độ 55 USD/tấn.
Ở trong nước, giá gạo cũng đi theo xu hướng chung của thế giới nhưng biến động nhẹ hơn. Đến hôm nay 11/11, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng với mặt hàng gạo. Giá gạo tăng 50 - 100 đồng/kg. Thị trường giao dịch bình ổn.
Cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, giá lúa IR 50404 giá ở mức 7.300 - 7.500 đồng/kg; Lúa Đài thơm 8 ở mức giá 8.200 - 8.400 đồng/kg, Lúa OM 5451 ở mức 7.300 - 7.500 đồng/kg; Lúa OM 18 có giá 8.200 - 8.400 đồng/kg; OM 380 dao động 6.800 - 7.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá 8.400 - 8.600 đồng/kg; Lúa Nhật ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg và lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 20.000 đồng/kg.
Trên thị trường gạo, giá gạo ghi nhận có điều chỉnh so với ngày hôm qua. Hiện giá gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu lên mức 10.500 - 10.600 đồng/kg tăng 50 - 100 đồng/kg so với ngày hôm qua. Trong khi đó, gạo thành phẩm IR 504 ở mức 12.450 - 12.550 đồng/kg tăng 50 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc MXV cho rằng, việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và bãi bỏ thuế xuất khẩu gạo đồ, gạo lứt là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến diễn biến suy yếu của giá gạo thế giới trong thời gian gần đây. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nước này ghi nhận sản lượng gạo tăng cao, kho dự trữ quốc gia đầy ắp, đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đồng thời, nông dân Ấn Độ cũng đang chuẩn bị thu hoạch vụ mùa mới trong vài tuần tới.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày 11/11 không có điều chỉnh so với ngày hôm qua. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 100% tấm ở mức 427 USD/tấn; gạo tiêu chuẩn 5% ở mức 524 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 495 USD/tấn.