Thị trường lợn hơi khởi sắc, vì sao các 'ông lớn' BAF, Dabaco, Vissan... muốn giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức?
22:10 - 04/05/2024
Thị trường lợn hơi những tháng đầu năm nay khá khởi sắc, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã đề xuất không chia cổ tức năm 2023, 2024 để giữ lại lợi nhuận...
Xuất khẩu thủy sản đang tiến tới đích 10 tỷ USD
Huyện biên giới ở Lai Châu gặt “trái ngọt” nhờ xây dựng nông thôn mới
Giá cà phê tăng phiên thứ tư liên tiếp, xác lập kỷ lục mới tại Đắk Nông
FTA Việt Nam - Mercosur khởi động đàm phán: Kỳ vọng cho XK cá tra sang Brazil
BAF đề xuất không chia cổ tức năm 2023
Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã: BAF) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với tình hình kinh doanh khởi sắc. Theo đó, doanh thu thuần trong quý đạt 1.292 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ.
Dù giá vốn hàng bán phát sinh nhưng chậm hơn biên độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp trong quý của công ty cao hơn 2,7 lần, lên 171 tỷ đồng.
Kết quả, quý I/2024, BAF lãi sau thuế 118 tỷ đồng, tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là đỉnh lợi nhuận của BAF trong 6 quý trở lại đây.
Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam lên kế hoạch doanh thu 5.544 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 306 tỷ đồng, gấp 9,9 lần năm trước.
Tạm tính theo kế hoạch trên, kết thúc quý I, BAF đã hoàn thành 23% mục tiêu doanh thu và 38% chỉ tiêu lợi nhuận.
BAF định hướng tăng tổng đàn cuối năm 2024 lên gấp đôi so với cuối năm 2023, nâng tổng đàn lên 75.000 con lợn nái và 800.000 con lợn thịt (cuối năm 2023 có 37.000 con lợn nái và 330.000 con lợn thịt).
BAF dự kiến khởi công thêm các dự án mới như Phú Yên 3 quy mô 5.000 lợn nái và 60.000 lợn thịt; dự án Giai Xuân với quy mô 5.000 lợn nái và 60.000 lợn thịt; dự án Tân Hợp với quy mô 60.000 lợn thịt; dự án Hùng Phát Farm với quy mô 5.000 lợn nái; dự án Thành Đạt Gia Lai với quy mô 5.000 lợn nái và 60.000 lợn thịt; dự án Tấn Phát 2 với quy mô 48.000 lợn thịt; và dự án Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Định, dự án cung cấp 200.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm.
BAF cũng xin ý kiến cổ đông về việc không trả cổ tức năm 2023. BAF cho biết, trong thời gian tới công ty vẫn cần huy động thêm vốn để xây dựng trang trại và mở rộng quy mô hoạt động nên không thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2023 để tiếp tục giữ lại bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một nội dung quan trọng khác là HĐQT BAF đề xuất tiếp tục triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ trong năm 2024 theo 3 hình thức: Chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2023 (ESOP) và phát hành cổ phiếu trả cổ tức đã được cổ đông thông qua tại kỳ họp thường niên 2023.
Vissan dự kiến không chia cổ tức năm 2023, 2024
Ngày 26/4, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) đã tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024. Trước đó, CTCP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan - Mã: VSN) đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, với mục tiêu doanh thu 3.570 tỷ đồng tăng 5,5%, lợi nhuận trước thuế 140 tỷ đồng tăng 1% so với cùng kỳ.
Vissan dự kiến không chia cổ tức năm 2023. Công ty cũng xin ý kiến cổ đông về việc không chia cổ tức năm 2024 với lý do được đưa ra là để tăng năng lực tài chính thực hiện dự án “Di dời và đổi mới công nghệ Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm Vissan” và dự án “Đầu tư xây dựng mới Xí nghiệp Chăn nuôi Vissan Bình Dương”.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Vissan nhận định: Năm 2024, tình hình kinh tế và thị trường cũng còn nhiều khó khăn. Trước những thách thức đó, Vissan đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.570 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 141,5 tỷ đồng, sản lượng thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến lần lượt là 10.600 tấn và 23.500 tấn.
Công ty tiếp tục các mục tiêu chiến lược như xây dựng các giải pháp chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu như phát triển nguồn nguyên liệu lợn hơi theo hướng Feed - Farm - Food, xây dựng các liên kết, hợp tác về nguồn nguyên liệu lợn hơi với các đơn vị chăn nuôi lớn nhằm đảm bảo nguồn lợn hơi ổn định trong dài hạn.
Công ty sẽ tập trung triển khai mở rộng kinh doanh các sản phẩm thịt lợn, thịt bò đến nhiều kênh phân phối khác nhau, đặc biệt chú trọng đến kênh bán hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, triển khai kế hoạch kinh doanh sản phẩm khay vỉ theo quy trình sản xuất thịt mát và đóng gói theo công nghệ MAP với hình thức đóng khay đẹp mắt, hiện đại.
Năm 2023, tổng doanh thu Vissan đạt 3.384,6 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 138,6 tỷ đồng, đạt 100,4% kế hoạch; sản lượng thực phẩm tươi sống 10.470 tấn và thực phẩm chế biến 21.511 tấn.
Dabaco muốn huy động hơn nghìn tỷ để đầu tư nhà máy, trang trại
Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Dabaco (Mã: DBC), tập đoàn dự kiến trình cổ đông phương án chào bán 80,67 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cp. Tổng số tiền dự kiến thu về khoảng 1.210 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào Công ty TNHH Dầu thực vật Dabaco để xây dựng dự án nhà máy ép và tinh luyện dầu đậu nành.
Ngoài ra, tập đoàn còn đề xuất phương án phát hành 12 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cp. Số tiền thu được từ đợt chào bán ESOP (120 tỷ đồng) sẽ được đầu tư vào dự án nhà máy ép và tinh luyện dầu đậu nành.
Sau khi thực hiện xong hai kế hoạch phát hành trên, Dabaco dự kiến chào bán riêng lẻ hơn 48,4 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược. Giá phát hành dự kiến không thấp hơn 28.000 đồng/cp.
Số tiền thu được từ việc chào bán riêng lẻ tối thiểu là 1.355 tỷ đồng, Dabaco dự kiến sẽ dùng 931 tỷ đồng để đầu tư vào khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao tại xã ĐồngThịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá. Gần 425 tỷ đồng còn lại sẽ để trả nợ vay ngân hàng cho Dự án Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao Dabaco Thanh Hoá tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá.
HAGL ký hợp đồng tín dụng 5.000 tỷ đồng với LPBank, phát triển 3 trụ cột
Đầu tháng 3, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - Mã: LPB) và CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL- Mã: HAG) đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 5.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn một, LPBank sẽ giải ngân 3.000 tỷ đồng nhằm đẩy mạnh đầu tư trồng mới, chăm sóc và phát triển ba sản phẩm chủ lực gồm: Chuối, sầu riêng và chăn nuôi lợn. Đồng thời, LPBank sẽ cử đại diện tham gia HĐQT HAGL.
2 tháng đầu năm 2024, doanh thu ngành chăn nuôi của HAGL ghi nhận 201 tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng doanh thu, ngành chăn nuôi đã tiêu thụ 40.288 con lợn thịt.
Đối với ngành chăn nuôi, HAGL hạn chế không tăng đàn, dẫn đến doanh thu 2 tháng đầu năm 2024 không đạt kỳ vọng. Từ nay đến cuối năm 2024, riêng mảng chăn nuôi, HAGL sẽ phát triển cụm chuồng chăn nuôi lợn, dùng chuối thải loại làm nguyên liệu để chế biến thức ăn phục vụ cho mảng chăn nuôi lợn.
Sau hợp đồng tín dụng với LPBank, Bầu Đức-Chủ tịch HAGL chia sẻ: "Có con người và nguồn lực mới, HAGL sẽ có những bước đi mới và lớn hơn. Trước kia, HAGL không vay được vốn từ các ngân hàng nên chỉ dừng lại ở kế hoạch phát triển 20.000ha đất nông nghiệp. Nay nhiều ngân hàng đã sẵn sàng cấp vốn cho Tập đoàn, do đó HAGL từ nay đến năm 2026 sẽ vạch ra chiến lược lớn, dựa trên những nền tảng có sẵn".
Được biết, về mảng chăn nuôi lợn, đến nay HAGL đã xây dựng được 10 cụm chuồng trại với công suất nuôi khoảng hơn 600.000 con lợn thịt mỗi năm. Mỗi cụm chuồng trại nuôi khoảng 2.400 con lợn nái và mỗi con lợn nái sinh khoảng 25 con lợn thịt mỗi năm.
Lĩnh vực chăn nuôi là ngành chưa bao giờ hết "hót"...
Trên thị trường, giá lợn hơi hôm nay vẫn diễn biến khá tốt dù tăng giảm trái chiều. Miền Bắc - Trung giảm nhẹ 1 giá tại Lào Cai, Nam Định và Bình Định; tại đây ghi nhận lượng cung đẩy ra nhiều bán trước lễ khiến thị trường có điều chỉnh xuống một ít tỉnh.
Thị trường miền Đông vẫn tiếp tục tăng giá, Lâm Đồng tăng 1.000 đồng/kg đạt mốc 63.000 đồng/kg; nhiều tỉnh miền Tây đẩy giá lên cao đạt mức trung bình 61.300 đồng/kg.
Ở miền Nam, giá lợn hơi tăng 1.000 đồng ở Bình Phước lên 62.000 đồng/kg, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu đạt 63.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại có giá từ 60.000 - 62.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi bình quân cả nước hiện quanh mức 61.700 đồng/kg, khá tốt. Công ty CP Việt Nam ổn định giá bán lợn cả nước là 64.000 đồng/kg. Giá lợn giống cũng duy trì mức cao, cụ thể tại các tỉnh miền Bắc đến 1,62 triệu đồng/con, miền Trung giá 1,43 triệu đồng/con, miền Đông Nam bộ mức 1,58 triệu đồng/con còn miền Tây là 1,38 triệu đồng/con.
Theo USDA, sản lượng thịt lợn năm 2024 của Việt Nam dự kiến chỉ tăng nhẹ 0,5% so với năm trước lên 2,05 triệu tấn. Con số này thấp hơn một chút so với dự báo đưa ra trước đó. Lượng tiêu thụ trong năm nay cũng được ước tính cao hơn so với năm 2023, đạt gần 3,8 triệu tấn.
Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có mức tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sản lượng thịt lợn của Việt Nam dự kiến đạt 4 triệu tấn vào năm 2025 và 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 3,1%/năm.
Hiện nay, sản lượng thịt sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 90-95% sức tiêu thụ trong nước. Vì vậy, lĩnh vực chăn nuôi là ngành chưa bao giờ hết "hót" và có nhiều tiềm năng, đang thu hút sự đầu tư mạnh mẽ từ cả doanh nghiệp nước ngoài và trong nước.
Chứng khoán BSC mới đây nhận thấy rằng áp lực thua lỗ của nông hộ giai đoạn 2022-2023 và số lượng lợn tiêu hủy không lớn nhưng chủ yếu xảy ra tại khu vực nông hộ (hạn chế về vốn, kĩ thuật chăn nuôi, an toàn sinh học,…) dẫn đến tâm lý tái đàn, làm giảm nguồn cung thực tế.
Do đó, vấn đề này sẽ hỗ trợ giá lợn hơi trong ngắn hạn và trong trung hạn, hỗ trợ đẩy nhanh xu hướng chăn nuôi quy mô lớn.