Từng bước thích ứng
Theo ngành chức năng Bến Tre, là địa phương ven biển với đường bờ biển dài và hệ thống sông rạch chằng chịt, nên thời gian qua, tỉnh luôn chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH gây ra. Trước thực trạng này, Bến Tre đã tập trung thực hiện nhiều phương án, giải pháp ứng phó. Trong đó, bên cạnh những giải pháp phi công trình, tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng hàng chục công trình, dự án chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với mục tiêu phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, hiện tại, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, địa phương đã tập trung tổ chức thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra. Trước đó, các ngành, các cấp trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân, đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành các công trình thủy lợi, hồ chứa, đảm bảo tích trữ tối đa nguồn nước ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô.
Đối với khu vực bờ sông, ven biển, các Sở, ngành có liên quan và địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở; vận động các hộ dân có nhà ở nằm trong khu vực đã, đang hoặc có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở di dời đến nơi an toàn; thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực sạt lở để tránh xảy ra tai nạn.
Ngoài ra, Bến Tre có nền sản xuất nông nghiệp rất đa dạng, thời gian qua tỉnh đã tập trung phát triển mô hình “du lịch nông nghiệp”, giúp người nông dân chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp kết hợp giải trí mang lại hiệu quả cao. Đây còn là một giải pháp hữu hiệu để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, tiến đến một nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.
Theo kế hoạch thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tập trung thực hiện các biện pháp nhằm chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai; khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, từng bước chuyển dịch các cơ sở sản xuất nông nghiệp đơn lẻ sang các cơ sở sản xuất nông nghiệp tuần hoàn phù hợp với từng điều kiện cụ thể tại địa phương; đồng thời tạo liên kết giữa các cơ sở chế biến để tận thu các phụ phế phẩm nhằm tạo nguồn nguyên liệu đầu vào để ổn định cho sản xuất nông nghiệp tuần hoàn và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Hướng đến tăng trưởng xanh
Thời gian qua, nhận thức của nhân dân, cộng đồng tại Bến Tre về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất và tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên. Cảnh quan, môi trường sống của người dân ngày càng thay đổi theo hướng tích cực hơn, đặc biệt tại các xã nông thôn mới.
Hiện tại, Bến Tre đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, xanh, bền vững thích ứng với BĐKH. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang chủ động hơn trong việc tham gia các liên kết ngang - dọc trong chuỗi; mạnh dạn áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, xây dựng vùng nguyên liệu. Toàn tỉnh có 25.023ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương. Đến nay, lũy kế toàn tỉnh có 41 vùng trồng xuất khẩu được cấp 84 mã số với diện tích hơn 671ha.
Chia sẻ về giải pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết: Bến Tre có thế mạnh về nông nghiệp, do đó phát triển nông nghiệp tuần hoàn là mục tiêu chiến lược và không thể tách rời kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Hiện địa phương đang tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với BĐKH.
Trong đó, bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có để giảm phát thải, khoanh nuôi phục hồi rừng để nâng cao chất lượng và trữ lượng các-bon. Chủ động phối hợp với các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu tiềm năng, giá trị của thị trường các-bon đối với ngành nông nghiệp, nhất là đối với cây dừa và cây lâu năm. Đồng thời, mở rộng và đẩy mạnh hình thành vùng sản xuất cây ăn trái tập trung gắn với chứng nhận mã số vùng trồng để duy trì diện tích sinh khối và tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu.
Theo ông Đoàn Văn Đảnh, ngành Nông nghiệp Bến Tre đã và đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thuận thiên. Địa phương tập trung vào hai mũi nhọn là kinh tế vườn và kinh tế biển; đồng thời, tổ chức lại sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển nền nông nghiệp của tỉnh; trọng tâm là sản xuất tập trung, xanh, an toàn, truy xuất nguồn gốc, gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ, thích ứng BĐKH.
Trong đó, Bến Tre triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, thích ứng BĐKH, liên kết tiêu thụ sản phẩm ngày càng phát huy hiệu quả, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn có chất lượng cao; khắc phục tình trạng sản xuất mang tính tự cung tự cấp.
Cụ thể, phần lớn diện tích vườn tạp của người dân đã được cải tạo, từng bước hình thành khá rõ nét các vùng sản xuất như: vùng chuyên canh cây ăn trái, cây giống và hoa kiểng tại Chợ Lách; vùng nuôi thủy sản tập trung ở các huyện biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; vùng canh tác dừa ở Mỏ Cày, Giồng Trôm; mô hình làng nghề cây giống, hoa kiểng tại Chợ Lách; mô hình chăn nuôi bò ở Ba Tri...
Ngoài ra, Bến Tre phát huy những mô hình sản xuất thuận thiên để tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Tỉnh nhân rộng các mô hình như: phát triển sản xuất dừa hữu cơ, dừa uống nước gắn với liên kết tiêu thụ; phát triển giống bưởi da xanh với gốc ghép chịu mặn; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau hữu cơ, rau an toàn ở các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam; phát triển sinh kế nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa; áp dụng các biện pháp canh tác lúa cải tiến thích ứng BĐKH; phát triển sinh kế nuôi tôm rừng sinh thái; phát triển sinh kế nuôi tôm càng xanh xen lúa, xen vườn dừa.
Đồng thời, địa phương tiếp tục định hướng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với sản phẩm du lịch, như: phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống, cùng với đó là phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn kết hợp nông nghiệp - du lịch.