Thiếu khung pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen, Việt Nam sẽ gặp bất lợi
13:55 - 14/11/2024
Các nước Đông Nam Á đều đã và đang rà soát khung pháp lý, có những bước tiến khá nhanh trong việc đưa ra hướng dẫn cụ thể đối với công nghệ chỉnh sửa gen.
Gia Lai tăng giá thu mua hạt tiêu hôm nay, giá tiêu nhiều tỉnh Tây Nguyên vẫn 'đứng im'
Cứ nuôi tôm 2 vụ lại xen một vụ nuôi cá đặc sản, nông dân Sóc Trăng bất ngờ đếm tiền nhiều hơn hẳn
Việt Nam có loại quả khô "vàng mười", ngâm với nước giúp hạ mỡ máu, ngừa ung thư
Giá cà phê tiếp tục tăng, giao dịch thực tế tại Việt Nam vẫn còn hạn chế
Lợi ích của cây trồng chỉnh sửa gen
“Lai tạo giống cây trồng là một quá trình tiến triển không ngừng với mục tiêu sau cùng là tạo ra các giống cây trồng mang tính trạng mong muốn” - Đây là khẳng định của TS Đặng Ngọc Chi, Chủ tịch Nhóm làm việc về công nghệ sinh học và giống cây trồng, CropLife Việt Nam.
Chỉnh sửa gen là thành tựu nổi bật của lĩnh vực hóa sinh và sinh học phân tử, được nghiên cứu và phát triển từ những năm đầu thế kỷ 21. Công nghệ này mang lại những bước tiến vượt bậc, trên nền tảng các phương pháp cải tạo giống cây trồng đã tồn tại hàng ngàn năm; sử dụng dẫn chứng khoa học dựa trên mức độ hiểu biết ngày càng cao của chúng ta về trình tự gen và cơ chế hoạt động của các gen ở thực vật.
Theo TS Đặng Ngọc Chi, chỉnh sửa gen cho phép các nhà lai tạo giống nghiên cứu trên chính bộ gen của cây trồng, cho ra các kết quả mà các phương pháp truyền thống khác có thể tạo ra nhưng với mức độ chính xác và hiệu quả cao hơn.
Cây trồng chỉnh sửa gen được xem là giải pháp hiệu quả cho nông nghiệp bền vững, giải quyết nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu với nhiều lợi ích mang lại cho cho nông dân, người tiêu dùng và môi trường.
Trong khi đó, kỹ thuật chuyển gen đưa DNA ngoại lai vào cây trồng để tạo ra những thay đổi có chủ đích, từ đó tạo ra những tính trạng mong muốn. Kết quả của quá trình này là tạo ra những cây trồng chuyển gen mang gen ngoại lai và không thể được tìm thấy trong tự nhiên hoặc không thể được tạo ra bằng phương pháp lai truyền thống.
Bước tiến pháp lý toàn cầu
Theo báo cáo “Công nghệ chỉnh sửa gen Quy mô thị trường theo sản phẩm, ứng dụng, địa lý, bối cảnh cạnh tranh và dự báo” xuất bản tháng 10/2024 trên Market Research Intellect, thị trường đối với công nghệ chỉnh sửa gen được định giá là 5,88 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 6,2 tỷ USD vào năm 2031.
Trên thế giới, các cây trồng được ưu tiên chọn tạo và cải tiến bởi công nghệ chỉnh sửa gen bao gồm các cây ngũ cốc như lúa gạo, ngô, lúa mì, đậu tương và loại cây trồng khác như cà chua, sắn, bông, khoai tây, cây có múi… Kể từ khi bắt đầu được nghiên cứu và phát triển đến nay, số lượng các nước hoàn thiện khung pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen ngày một tăng lên.
Trong 5 năm trở lại đây, các nước châu Á nỗ lực đẩy nhanh quá trình hoàn thiện khung hướng dẫn pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen theo hướng khoa học. Nhiều quốc gia coi đây là giải pháp canh tác quan trọng trong chiến lược phát triển của từng quốc gia và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày một gia tăng trong khu vực.
Trong khu vực Đông Nam Á, các quốc gia đều đã và đang tiến hành rà soát khung pháp lý và có những bước tiến khá nhanh trong năm 2024 trong việc đưa ra các hướng dẫn cụ thể đối với công nghệ chỉnh sửa gen.
Philippines là quốc gia đi đầu trong khu vực trong việc cung cấp hướng dẫn pháp lý và hiện tại đã cấp phép sử dụng và thương mại đối với một số cây trồng chỉnh sửa gen. Thái Lan và Singapore trong tháng 8/2024 vừa qua đã thông qua quy định pháp lý cho cây trồng này. Indonesia đang trong giai đoạn dự thảo, lấy ý kiến.
Nhìn chung, các quốc gia Đông Nam Á, cũng như châu Mỹ, có cách tiếp cận khá tương đồng trong việc quản lý cây trồng chỉnh sửa gen khi cân nhắc theo sản phẩm cuối, nếu sản phẩm cuối không chứa DNA ngoại lai thì sẽ được cấp phép và quản lý như cây trồng tạo ra bằng phương pháp lai truyền thống.
Mặc dù không phải châu lục có các chính sách ban đầu cởi mở với cây trồng chỉnh sửa gen, Ủy ban châu Âu (EC) đang đề xuất thay đổi chính sách quản lý để một số phương pháp chỉnh sửa gen được coi như là truyền thống và không chịu sự quản lý như đối với sinh vật biến đổi gen. Một số quốc gia châu Phi cũng đã đưa ra hướng dẫn pháp lý hoặc đệ trình các hướng dẫn pháp lý đối với cây trồng chỉnh sửa gen.
Số lượng tính trạng sửa gen nhằm cải thiện chất lượng cây trồng (về thành phần và mùi vị) đang là nhiều nhất với gần 50% các tính trạng được nghiên cứu; tiếp theo là các tính trạng kháng sâu bệnh và chống chịu thuốc BVTV, chống chịu áp lực môi trường, thay đổi màu sắc, cải thiện năng suất, tuổi thọ, tăng trưởng...
Quốc tế tin tưởng vai trò dẫn dắt của Bộ NN-PTNT
Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp là một trong những giải pháp được Chính phủ Việt Nam ưu tiên trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó khuyến khích áp dụng công nghệ chỉnh sửa gen trên cây trồng để tạo ra những giống cây trồng chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng với điều kiện thời tiết bất thuận.
Việt Nam đã có hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để đánh giá, đăng ký và quản lý cây trồng chuyển gen và cây trồng truyền thống. Tuy vậy, đến nay, Việt Nam chưa có quy định hướng dẫn rõ ràng đối với cây trồng chỉnh sửa gen, khiến lộ trình ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm này tại Việt Nam đang đi sau so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
“Sự chậm trễ trong việc đưa ra hướng dẫn pháp lý đối với cây trồng chỉnh sửa gen sẽ gây ra nhiều bất lợi cho Việt Nam về nghiên cứu khoa học, thương mại cũng như hạn chế khả năng cơ hội tiếp cận các nguồn giống cải tiến của nông dân trong nước”, TS Sonny Tababa, Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife châu Á đánh giá.
Do đó, CropLife châu Á khuyến nghị Việt Nam nên sớm hoàn thiện khung hướng dẫn pháp lý cụ thể cho cây trồng chỉnh sửa gen và các sản phẩm cây trồng được tạo ra bằng phương pháp lai tạo cải tiến. Khung pháp lý cần dựa trên cơ sở khoa học, có tính dự báo và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế để tối ưu hóa tiềm năng của công nghệ đồng thời đảm bảo được việc ứng dụng có hiệu quả, bền vững các giải pháp này trong định hướng phát triển nông nghiệp chung.
Theo kinh nghiệm và cách tiếp cận của một số quốc gia, cách thức tiếp cận về việc bổ sung pháp lý gồm cân nhắc các quy định liên quan về quản lý cây trồng ứng dụng CNSH, cây trồng nói chung. Rà soát Luật Đa dạng Sinh học và các văn bản hướng dẫn dưới Luật, Luật Trồng trọt và các văn bản hướng dẫn dưới Luật để làm rõ các khái niệm đối với mỗi loại cây trồng được tạo ra bằng các kỹ thuật khác nhau. Cụ thể, làm rõ định nghĩa cây trồng biến đổi gen, bổ sung định nghĩa cây trồng chỉnh sửa gen và cây trồng được tạo ra bằng phương pháp lai tạo tiên tiến…
Từ đó, chỉnh sửa hoặc bổ sung các hướng dẫn về mặt quy định quản lý đối với từng loại cây trồng. Ví dụ, những cây trồng chỉnh sửa gen mà sản phẩm cuối cùng không chứa DNA ngoại lai không nên chịu quản lý bởi khung quy định về cây trồng biến đổi gen hoặc xem xét một số loại cây trồng chỉnh sửa gen là tương đồng với cây trồng được tạo ra bằng phương pháp lai truyền thống… Chỉnh sửa hoặc bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật nếu cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy canh tác cây trồng chỉnh sửa gen tại Việt Nam.
Lãnh đạo CropLife châu Á khuyến nghị Việt Nam tham khảo mô hình tiên tiến của các quốc gia như Canada, Argentina, Nhật Bản, và đặc biệt là các quốc gia láng giềng trong khối ASEAN. Quy định về chỉnh sửa gen tại Philippines và Singapore có nhiều ưu điểm, là những mô hình có thể áp dụng tại Việt Nam. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện tại với những thách thức về môi trường, khí hậu và kinh tế toàn cầu.
Quan điểm của ngành khoa học thực vật toàn cầu cho rằng, các sản phẩm của công nghệ chỉnh sửa gen không nằm trong phạm vi của cây trồng biến đổi gen nếu cây trồng đó không mang tổ hợp di truyền mới, hoặc sản phẩm cuối chỉ mang đoạn chèn bền vững của vật liệu di truyền được kế thừa từ các giống trong cùng loài.