Thịt lợn an toàn hơn từ những can thiệp đơn giản

Thịt lợn an toàn hơn từ những can thiệp đơn giản

10:31 - 24/06/2024

Sử dụng bề mặt, dụng cụ sạch sẽ; phân tách thịt, nội tạng, thực phẩm sống, chín; vệ sinh và sát trùng tay thường xuyên… sẽ giảm đáng kể nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Tôm nguyên liệu có thể thiếu hụt đến hết quý I năm sau
Giá tiêu còn giữ ở mức cao nhưng coi chừng những rủi ro khó lường
Thái Nguyên: Trên trồng cây ăn quả, dưới thả gà, cây tốt, quả ngọt, cỏ dại biến đi đâu?
Cơ hội mới giữa những thách thức của xuất khẩu cá tra Việt Nam
Giá cà phê tăng vọt, Đắk Nông lập đỉnh mới, gián đoạn nguồn cung lớn từ Brazil và Việt Nam

Quầy thịt của chị Dung tại khu vực chợ tạm. Ảnh: ILRI.

Đông khách hơn nhờ giữ gìn vệ sinh

Nửa năm trôi qua nhưng ký ức về vụ cháy lớn tại chợ Khe Tre với chị Nguyễn Thị Dung vẫn chẳng hề phai nhạt. Chỉ sau một đêm, toàn bộ sạp bán thịt của chị bên trong khu chợ lớn nhất huyện miền núi Nam Đông bỗng chốc tan thành mây khói.

Gần một tuần sau vụ hỏa hoạn, chủ quầy thịt lợn bắt đầu lại hoạt động buôn bán của mình từ một ki-ốt ở khu chợ tạm do huyện dựng dọc đường Tả Trạch, kế bên vị trí chợ cũ. Từ dao, thớt, phản bày thịt…, chị sắm mới hoàn toàn. Mất thêm 2 tháng nữa, cuộc sống của gia đình người phụ nữ 40 tuổi mới dần đi vào ổn định.

Câu chuyện “Tái ông mất ngựa”, cũng đã diễn ra vào chính đợt cháy vừa rồi. Qua thời gian hoạt động của Dự án Sáng kiến Một sức khỏe của CGIAR tại chợ, chị Dung đã được tham gia vào các hoạt động của dự án, trong đó chị trực tiếp tham gia lớp tập huấn nâng cao kiến thức, thực hành và được nhận những vật dụng đơn giản thường sử dụng tại quầy, gồm khay đựng phân tách thịt - nội tạng, tạp dề, xà phòng, chai xịt khuẩn, thớt, xô đựng nước rửa tay… để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

“Hồi trong năm 2023, tôi cũng đi dự tập huấn rồi. Nhưng lúc ấy còn ngần ngừ. Đợt vừa rồi xảy ra sự việc như vậy, nên tôi quyết tâm làm lại một lần cho chuẩn”, chị Dung nói và cho biết thêm, rằng các dụng cụ tại quầy, như thớt gỗ được chị vệ sinh bằng nước sạch thường xuyên và thay thế định kỳ khoảng 6 tháng một lần.

Ngoài ra, đồ ăn sống và chín được chị xếp riêng, trên 2 chiếc khay mới. Mỗi khi phải có việc ra ngoài, không đứng quầy, khi về chị đều sát khuẩn tay cẩn thận.

Không biết có phải nhờ việc vệ sinh được cải thiện, hay quầy hàng mới khang trang hơn, mà hàng chị Dung đắt khách hơn hẳn trước đây. Theo lời chị, trước lúc tham gia dự án, trung bình chị bán mỗi ngày một con lợn. Nhưng nay, khối lượng thường tăng gấp rưỡi. Chị phải dậy sớm hơn để lọc thịt và rửa các bề mặt sau khi chế biến. Bù lại, mấy miệng ăn ở nhà có thêm đồng quà, tấm bánh mỗi khi chị tan chợ về.

Chị Dung là một trong những tiểu thương bán thịt lợn ở 6 chợ truyền thống, được Sáng kiến Một sức khỏe lựa chọn tham gia hoạt động can thiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ tháng 11/2023. Thớt, khay inox để phân tách nội tạng và thịt, bình và nước sát khuẩn, xà phòng, tạp dề đã được thí điểm cấp cho 30 quầy thịt lợn và 55 quầy đã tham gia gắn biển hiệu của chương trình.

Tính đến nay, dự án đã tập huấn cho gần 100 tiểu thương bán thịt lợn tại 6 chợ về các nguyên tắc đơn giản để thực hành tốt tại quầy bán hàng.

Chiến dịch truyền thông nhằm giúp người tiêu dùng hiểu biết hơn về chương trình xếp hạng gắn sao của Sáng kiến Một sức khỏe. Ảnh: ILRI.

Tại một chợ khác ở TP Huế, chị Phan Thị Thúy Trâm, chợ Đông Ba, cũng vui mừng vì những lợi ích mà dự án mang lại. “Người tiêu dùng giờ hầu như đều khó tính hơn trong việc lựa chọn thực phẩm. Thịt lợn phải bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và có dấu kiểm dịch, tôi mới bán cho khách”, chị chia sẻ.

Từ khi tham gia dự án và đeo tạp dề có chữ “Cải thiện an toàn thịt lợn”, chị được khách hàng tin tưởng hơn.

Chuẩn bị cho những điều bất ngờ

Thịt lợn là nguồn thực phẩm phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây do Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và các đối tác tiến hành khảo sát tại một số tỉnh phía Bắc cho thấy, mức độ ô nhiễm vi sinh tại chợ truyền thống khá cao. Khoảng 60% mẫu thịt lợn bị nhiễm vi khuẩn Salmonella – loại vi khuẩn có thể gây ra ngộ độc thực phẩm, dẫn đến một số triệu chứng như sốt, buồn nôn, mệt mỏi, thậm chí tử vong nếu mức độ ngộ độc nặng.

Theo ước tính từ mô hình đánh giá nguy cơ ATTP hằng năm, cứ 10 người Việt Nam thì trung bình có 1 đến 2 người có nguy cơ ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn Salmonella. Con đường lây nhiễm chính là thông qua việc tiêu thụ thực phẩm, do thực phẩm bị ô nhiễm trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản.

Trước thực trạng đó, Sáng kiến Một sức khỏe đã triển khai nghiên cứu đối chứng can thiệp ngẫu nhiên tại 68 chợ truyền thống ở 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai và Cần Thơ. Sau quá trình phỏng vấn tiểu thương, người tiêu dùng, cũng như quan sát thực hành, đánh giá, thu thập mẫu với các tác nhân trong chuỗi thịt lợn, dự án tập trung giới thiệu, tập huấn các thực hành vệ sinh tốt dành cho những tiểu thương bán thịt lợn tại chợ.

Ba nguyên tắc cơ bản được đưa ra, đó là sử dụng bề mặt bàn, dụng cụ sạch sẽ, dễ vệ sinh; phân tách thịt, nội tạng, thực phẩm sống, chín; vệ sinh và sát trùng tay thường xuyên. Cùng với đó, những quầy thịt lợn tham gia còn được tập huấn nâng cao năng lực kinh doanh an toàn thực phẩm ngay trên địa bàn.

Các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm cũng đã được thực hiện tại các chợ can thiệp ở Thừa Thiên - Huế, nhằm giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức về chương trình xếp hạng gắn sao và người bán hàng duy trì thực hành vệ sinh tốt ngay tại chợ. Gần 200 người tiêu dùng đã tham gia phỏng vấn, và gần 1.000 khách hàng đã được tiếp cận và giới thiệu về an toàn thực phẩm là những kết quả bước đầu của chương trình.

Ban quản lý Chợ Đông Ba giám sát tình hình vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các quầy thịt. Ảnh: ILRI.

TS Fred Unger, Trưởng đại diện Văn phòng khu vực Nam, Đông và Đông Nam Á của ILRI đánh giá: “Dự án tại Thừa Thiên - Huế thể hiện sức mạnh của sự hợp tác liên ngành trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp, bao gồm an toàn thực phẩm.

Bằng cách hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một môi trường an toàn hơn cho người tiêu dùng, cải thiện sinh kế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ và tìm cách nhân rộng mô hình Sáng kiến Một sức khỏe và áp dụng các biện pháp can thiệp, nếu được đánh giá là thành công”.

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, các biện pháp can thiệp đơn giản, hiệu quả để cải thiện an toàn thực phẩm qua đó giúp giảm tỷ lệ các ca ngộ độc thực phẩm, đồng thời giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế và nâng cao phúc lợi cho người dân. “Cần tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết dọc từ các khâu chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm”, ông phân tích.

Can thiệp dọc theo chuỗi giá trị còn là cách để chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống bất ngờ, bất kể mức độ nặng, nhẹ của chúng. Đó cũng là chủ đề của Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới năm 2024.

Một sự cố về an toàn thực phẩm có thể do việc không kiểm soát đầy đủ các khâu, vi phạm trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm hoặc các hậu quả do thiên tai. Việc sẵn sàng quản lý các sự cố liên quan đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ các nhà quản lý, người sản xuất và kinh doanh thực phẩm, nhưng những người tham gia trực tiếp như tiểu thương bán thịt lợn và khách hàng, cũng có thể đóng vai trò tích cực nếu được trang bị đầy đủ kiến thức và tập huấn, tiếp nhận thông tin thường xuyên.

Bà Lê Thị Kim Chi, Phó ban quản lý Chợ Đông Ba, TP Huế cho biết, định kỳ ban quản lý luôn tổ chức các đợt kiểm tra, rà soát, giám sát việc tuân thủ vệ sinh, an toàn thực phẩm của các cửa hàng thịt lợn nói riêng và hàng hóa nói chung.

Cùng với đó, ban quản lý chợ còn phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các cơ quan hữu quan nâng cao nhận thức cho các tiểu thương về thực phẩm, đồng thời thường xuyên tiến hành các hoạt động về tiêu trùng, khử độc ở tại các quầy thực phẩm và khu vực chợ.