Thoát dịch tả heo Châu Phi nhờ an toàn sinh học

Thoát dịch tả heo Châu Phi nhờ an toàn sinh học

15:22 - 04/09/2024

BÌNH DƯƠNG Từng khốn đốn với dịch tả heo Châu Phi, một trang trại ở huyện Phú Giáo đang trải qua mấy lứa heo liên tiếp không bị dịch nhờ an toàn sinh học chặt chẽ.

Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Su su trồng trên núi cao lọt 'mắt xanh' đối tác nước ngoài
Giá cà phê đang cao gấp đôi vụ năm ngoái
Chăn nuôi gà cho ăn bã bia, đầu tư ít, tiền đút túi nhiều
Vô số vườn đẹp, cây thấp tè đã ra trái quá trời, nông dân Bình Định "hái ra tiền", quả ngon nhìn phát thèm
Vợ chồng ông Ái (bên phải) trao đổi với cán bộ kỹ thuật của Japfa Comfeed Việt Nam về công tác an toàn sinh học cho trang trại. Ảnh: Sơn Trang.

Vợ chồng ông Ái (bên phải) trao đổi với cán bộ kỹ thuật của Japfa Comfeed Việt Nam về công tác an toàn sinh học cho trang trại. Ảnh: Sơn Trang.

Còn ít ngày nữa, ông Bùi Đức Ái, chủ một trang trại nuôi heo ở xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, sẽ cho xuất chuồng lứa hiện tại. Đến thời điểm này, đàn heo trong trang trại của ông đều khỏe mạnh, sinh trưởng bình thường, nhưng ông Ái vẫn đang hồi hộp ít nhiều.

Sự hồi hộp của ông Ái là khá dễ hiểu khi nhiều trang trại trong vùng đã nổ ra dịch tả heo Châu Phi (ASF). Bản thân vợ chồng ông Ái cũng từng trải qua 3 năm liên tiếp khốn đốn với dịch bệnh này, tưởng chừng như đã phải bỏ nghề.

Gia đình ông Ái bắt đầu nuôi heo từ năm 2013, lần lượt ký hợp đồng nuôi gia công cho một số công ty. Sau một thời gian, vợ chồng ông phát triển được 2 trang trại, một trang trại ở Tam Lập, một trang trại ở xã Vĩnh Hòa cũng thuộc huyện Phú Giáo.

Khi xảy ra dịch tả heo châu Phi trên cả nước, các trang trại của vợ chồng ông Ái cũng không tránh khỏi. Trong 3 năm liên tiếp, từ 2019 đến 2021, đàn heo của vợ chồng ông liên tục bị ASF, lần trại này, lúc lại trại khác.

3 lần dịch giã khiến cho gia đình ông gần như không còn vốn liếng để tiếp tục chăn nuôi. Thậm chí có những lúc ai đó nhắc tới chuyện nuôi heo, là ông lại thấy sợ. Vào thời điểm ấy, công ty mà ông đang có hợp đồng nuôi gia công lại không đưa ra một giải pháp hữu hiệu nào để phòng ngừa dịch tả heo châu Phi.

Quy trình an toàn sinh học chặt chẽ giúp các trang trại bảo vệ đàn heo trước dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Sơn Trang.

Quy trình an toàn sinh học chặt chẽ giúp các trang trại bảo vệ đàn heo trước dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Sơn Trang.

Trong hoàn cảnh ấy, ông Ái buộc phải tìm kiếm một mô hình chăn nuôi phòng chống ASF có hiệu quả hơn, và ông đã tiếp cận được với quy trình chăn nuôi an toàn sinh học của Japfa Comfeed Việt Nam. Với quy trình này, ông Ái phải đầu tư nhiều hơn cho chuồng trại để hình thành nhiều lớp an toàn sinh học, nhưng ông sẵn sàng chấp nhận vì thấy rằng an toàn dịch bệnh là yếu tố sống còn. Không bảo vệ được đàn heo trước dịch bệnh thì không thể tồn tại được với nghề chăn nuôi.

 

Ngoài việc đầu tư cho các lớp an toàn sinh học và thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi của Japfa Comfeed Việt Nam, ông Ái luôn nhận được sự hỗ trợ thường xuyên và kịp thời từ các cán bộ kỹ thuật của công ty.

Nhờ vậy, từ khi chăn nuôi an toàn sinh học theo quy trình của Japfa, vợ chồng ông Ái đã trải qua 3 lứa heo liên tiếp không bị dịch tả lợn Châu Phi, trong khi dịch bệnh vẫn xảy ra trong vùng. Với lứa hiện tại, tuy vẫn hồi hộp vì nhiều trại trong vùng đã bị dịch, nhưng vợ chồng ông Ái đang rất tin tưởng sẽ bảo vệ được an toàn cho tới ngày xuất bán.

Các silo được lắp đặt tại một trang trại của Japfa Comfeed Việt Nam. Ảnh: Sơn Trang.

Các silo được lắp đặt tại một trang trại của Japfa Comfeed Việt Nam. Ảnh: Sơn Trang.

Không chỉ hỗ trợ quy trình và kỹ thuật chăn nuôi, Japfa Comfeed Việt Nam đang đẩy mạnh cung cấp thêm các giải pháp khác, trong đó có việc lắp đặt các silo cám tại các trang trại gia công khu vực phía Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Lâu, Trưởng bộ phận Gia công ngành heo miền Nam của Japfa Comfeed Việt Nam cho biết, chương trình được triển khai từ tháng 5. Đến nay 60% trang trại đã hoàn tất lắp đặt, dự kiến sẽ hoàn thiện toàn bộ vào cuối năm nay.

Giải pháp này giúp đảm bảo chất lượng cám khi đến tay người chăn nuôi, tiết kiệm chi phí đóng bao và bốc vác, đồng thời giảm thiểu lượng bao bì nhựa thải ra môi trường.

Đối với phòng chống dịch bệnh, khi trang trại lắp đặt silo, các xe bồn vận chuyển từ nhà máy sản xuất đến trang trại sẽ đổ trực tiếp cám vào silo mà không cần nhân công bốc vác như trước đây. Nhờ vậy, các trang trại sẽ tránh được nguy cơ bị nhiễm dịch bệnh từ những người bốc vác, vốn thường xuyên di chuyển giữa các trại.

Lâu nay, sau mỗi lần nhận cám thông qua đội ngũ nhân công, vợ chồng ông Ái đều phải phun xịt thuốc để phòng ngừa dịch bệnh, mà trong lòng cứ phấp phỏng lo âu. Vì vậy, dù phải bỏ chi phí để lắp đặt silo cám, vợ chồng ông đã rất sẵn sàng và đang trông chờ đến ngày trang trại được trang bị hệ thống này.