Thủ phủ cà rốt vươn mình sau cuộc chia ly các doanh nghiệp Nhật
08:46 - 13/01/2025
Được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá là ‘cực hiếm’ ở miền Bắc, nông sản chủ lực của xã Đức Chính lẽ ra đã có thể vươn tầm sớm hơn.
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'
Bưởi da xanh ‘thừa nội địa, thiếu xuất khẩu’
Người phụ nữ độc hành theo đuổi mô hình vườn rừng
Giảm tuần thứ tư liên tiếp, giá cà phê trong nước xuống dưới mốc 120.000 đồng/kg
Số 1 miền Bắc
Các bậc cao niên ở xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đến giờ vẫn kể mãi câu chuyện cách đây gần 30 năm từng khiến họ ‘mắt tròn mắt dẹt’, lúc hay biết mảnh đất bao đời nay là mỏ vàng về nông nghiệp.
Một ngày hè năm 1997, các chuyên gia của Công ty Everton - doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Nhật Bản - cử kỹ sư, chuyên gia nông nghiệp, công nhân tới lấy mẫu đất xét nghiệm. Ông Trần Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Chính nhớ lại ngày ấy, người dân ra xem, lèn kín cả đất đồng trong. Họ háo hức muốn xem đất quê mình tốt nhường nào, mà một lọ hạt giống bé tí có thể cho năng suất mấy tấn trên 1 sào Bắc bộ (360m2).
“Lắm người bĩu môi bảo, trồng cà rốt bao lâu nay, có bao giờ thấy được vậy đâu. Mấy ông áo trắng, cổ cồn, có biết cầm cuốc là gì mà dạy bảo dân”, ông Trang cười nói.
Sinh ra và lớn lên ở Cẩm Giàng, cho đến bây giờ ông Trang chưa từng thấy ai kiểm tra đất kỹ như người Nhật. Người đàn ông ngoài 50 tuổi tấm tắc, rằng với nghề nông, quan trọng nhất là đất đai, thổ nhưỡng có tốt không, tầng mùn - nơi chứa phần lớn các loại rễ cây, vi sinh vật và các loại hình sự sống khác cư trú - có dày không. Nếu tầng đất bề mặt này dày, chứng tỏ đất phì nhiêu, trồng cây sẽ cực kỳ hiệu quả. Bởi lý do này mà khi người Nhật đến Đức Chính, điều các chuyên gia nước ngoài quan tâm hàng đầu là tầng tích tụ (phần đất cứng, dân gian hay gọi là “đất trâu giày”) cách mặt đất bao xa.
Trước khi tới Đức Chính, doanh nghiệp nước bạn đã đến nhiều chỗ mà chỉ đào 20-30cm đã thấy “đất trâu giày”. Ngược lại, trên những cánh đồng của thủ phủ cà rốt, họ đào cả chục mét vẫn chưa gặp loại đất này. Quá ngạc nhiên, Công ty Everton sau đó đã mang nhiều máy móc, thiết bị hiện đại tới để xác định chính xác phẫu diện đất nơi đây.
Câu chuyện xảy ra đã lâu nên ông Trang không còn nhớ chắc người Nhật đã đào sâu bao nhiêu, chỉ áng chừng là vài chục mét. Cột đất sau khi đào lên được đánh dấu cẩn thận, bỏ vào hộp chuyên dụng rồi mang về phòng thí nghiệm.
Đem câu chuyện cách đây 3 thập kỷ hỏi ông Phạm Quang Triệu, nguyên Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đức Chính, người đàn ông sắp chạm ngưỡng tuổi 80 xác nhận và nhấn mạnh rằng, đất ở Đức Chính là số 1 miền Bắc về trồng cà rốt. Rất khó để tìm ra chỗ thứ hai, hoặc có thể nói là không thể tìm được nơi nào có chất đất phù hợp như nơi này.
"Cà rốt vê"
Nhiều hộ dân tại Đức Chính bây giờ vẫn sử dụng hộp đựng hạt giống cà rốt Nhật Bản từ ngày ấy. Mỗi hộp vào năm 1997 có giá 37 USD (gần tương đương 1 chỉ vàng) và nặng 100g. Số hạt trong chiếc hộp dung tích chưa đầy 200ml được chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản tính toán gieo cho 1 sào Bắc bộ. Người Đức Chính hiện nay vẫn gọi “cà rốt vê”, bởi bên ngoài hạt giống là lớp dưỡng chất giúp bảo vệ, kích thích hạt giống phát triển.
“Cỡ bé hơn hạt đỗ xanh một tý, bên ngoài hạt giống như có một lớp ‘áo’. Tôi thấy vậy thôi chứ công nghệ người ta giữ kín”, ông Triệu bồi hồi ôn chuyện cũ và cũng không quên nhắc, rằng phải năn nỉ “gãy lưỡi” mới tìm được những hộ tình nguyện thử nghiệm giống cà rốt mới.
Từ chỗ băn khoăn, nghi ngờ, cả chuyên gia nước ngoài lẫn nông dân trong nước đều ngỡ ngàng với kết quả thu được. Đất ở Đức Chính hợp với cà rốt tới nỗi chính người Nhật cũng phải ngạc nhiên. Hạt giống cà rốt Nhật Bản gieo trồng tại đây cho củ dài gần 20cm sau khoảng 4 tháng, mọc đều tăm tắp. Mỗi kilogram cà rốt vê Đức Chính có khoảng 15 củ. Đặc biệt, điều thuyết phục nhất với người Đức Chính chính là 100% hạt giống đều nảy mầm.
So với giống đang được trồng chủ yếu lúc đó, cà rốt vê cho năng suất gấp đôi, tăng từ 8 tạ/sào lên đến 1,7 tấn/sào. Không chỉ có vậy, cà rốt truyền thống còn không được thơm, ngon và rắn như đá. Thế hệ nông dân như tuổi ông Triệu vẫn mãi nuối tiếc vì chuyện này, bởi ấn tượng “cà rốt rắn như đá” đã ăn sâu vào tiềm thức. Tận bây giờ, ông vẫn thở hắt khi nhắc lại chuyện xưa vì không thể níu giữ giống cà rốt quý hợp với thổ nhưỡng, khí hậu.
Số là vì một vài nông dân tham lợi nhuận nhất thời khiến người Nhật quyết định ngừng hợp tác. Ông Nguyễn Trọng Hưng, nguyên kế toán trưởng HTX Nông nghiệp Đức Chính chua chát nói: “Tại tham vặt thôi chứ chẳng vì sao cả”. Ông lấy ví dụ, mỗi sào lẽ ra bán cho phía Nhật Bản 1 tấn, nhưng thương lái ngoài thấy chất lượng cà rốt tốt, nên dấm dúi bắt tay với nông dân. Một số xiêu lòng nên “cắt xén”, chỉ bán cho công ty Nhật 7 tạ, còn 3 tạ giữ lại bán ra ngoài.
Hoặc theo quy trình sản xuất mà phía đối tác hướng dẫn, lẽ ra người dân phải căn đúng khoảng cách, mật độ thì một số vì nhận thức không đầy đủ lại cầm cả nắm hạt vung xuống đất như gieo sạ lúa.
Những thay đổi ấy không qua mắt được con mắt và các kiểm định khoa học của người Nhật. Ban đầu, doanh nghiệp Nhật đối phó bằng cách chỉ cung cấp hạt giống cho nửa sào, thay vì cả sào. Song tới mức cầm hạt giống vãi xuống ruộng cho nhanh, thì họ chào tạm biệt. Lúc hay tin không thể canh tác tiếp cà rốt vê, rất nhiều thành viên HTX đã tổ chức “dàn quân” ra khắp ruộng nhưng cũng không thể cứu vãn tình hình.
“Nếu còn cà rốt vê, đời sống người dân ở đây khác nhiều lắm”, từ lãnh đạo xã đến các lão nông đều nói chắc như đinh đóng cột. Vì một số hộ làm ăn không chuẩn mà cả xã bỗng dưng mất nguồn cung giống, mất nguồn bao tiêu sản phẩm.
Động lực phát triển
Rất may, sau bài học đắt giá, nông dân Đức Chính bảo nhau làm ăn cẩn thận hơn. Họ biết cách chọn đất bãi bồi ven sông, là đất cát pha hoặc đất thịt nhẹ để gieo trồng. Đồng trong trồng không đủ, nông dân Đức Chính vươn ra cả đồng ngoài, thậm chí đem kinh nghiệm canh tác đến các địa phương lân cận như Thái Bình, Hưng Yên… để mở rộng sản xuất.
Đất trước khi trồng (khoảng tháng 8) được dọn sạch cỏ dại, rắc vôi bột. sau đó cày bừa kỹ, phay nhỏ, san phẳng rồi lên luống với chiều rộng khoảng 85cm, độ cao và rãnh khoảng 25cm. Sau khi san phẳng mặt luống, người Đức Chính tiếp tục sử dụng công thức như người Nhật hướng dẫn khi xưa, là kẻ 3 hàng trên mặt luống theo chiều dọc và sâu khoảng 5cm, hàng cách hàng độ 15cm.
Niên vụ năm nay, cà rốt Đức Chính chậm khoảng 1 tháng so với mọi năm, nhưng cũng không thấy ai vội vã “gieo sạ” như năm xưa. Họ cẩn thận bỏ hốc từng hạt, chăm chỉ tỉa bỏ cây yếu, còi cọc, hoặc mọc quá dày và thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ dại để cây hướng sáng tối ưu.
Ông Triệu khi đó mới làm Chủ nhiệm HTX được vài năm. Trong ký ức của ông, buổi ký hợp đồng giữa HTX với doanh nghiệp Nhật Bản thực sự rất lạ. Qua nhiều thủ tục pháp lý, lão nông cùng Bí thư xã Đức Chính bắt xe khách lên Hà Nội. Khi tới nơi, Bí thư xã được tiếp dưới tầng 1, còn ông Triệu thì được mời lên tầng 2. Nguyên nhân là vì ông thuộc đội trực tiếp sản xuất nên phải lên ký hợp đồng.