Thủ tướng, Bộ trưởng trả lời chuyện nông dân thua lỗ, nông sản

Thủ tướng, Bộ trưởng trả lời chuyện nông dân thua lỗ, nông sản "tắc biên"

21:17 - 29/05/2022

Giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng cao khiến nhiều nông dân chịu thua lỗ, nhiều người phải "treo" ao, "treo" chuồng trong khi nông sản "tắc" đường xuất khẩu...

Ra mắt giống ngô lai mới kháng sâu keo mùa thu và sâu đục thân
Phát hiện hơn 650.000 con tôm giống chưa qua kiểm dịch
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá
40 năm Báo NTNN: Chúng tôi đã đến với nông dân từng bản làng, từng chi hội
Giá cà phê ngày 26/4: Dễ dàng phá mức giá, xô đổ kỷ lục hôm qua, hiện cà phê đạt 134.000 đồng/kg

Đây là vấn đề thời sự, cấp thiết được nêu ra lại phiên đối thoại của Thủ tướng Phạm Minh Chính với nông dân Việt Nam năm 2022 diễn ra sáng nay, 29/5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La. Chủ đề của hội nghị đối thoại lần này là: "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững". 

Thủ tướng, Bộ trưởng trả lời chuyện nông dân thua lỗ, nông sản tắc biên - 1

Quang cảnh cuộc đối thoại. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Phát biểu định hướng hội nghị, Thủ tướng cho biết, ba cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với nông dân trước đây đều mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế nói chung và cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn nói riêng.

Thủ tướng, Bộ trưởng trả lời chuyện nông dân thua lỗ, nông sản tắc biên - 2

Thủ tướng phát biểu định hướng cuộc đối thoại. (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Chúng ta phải rà soát lại những việc đã làm tốt, những việc chưa làm tốt sau các cuộc đối thoại để có cảm xúc, động lực tiếp tục làm việc. Tất nhiên, một cuộc đối thoại không thể giải quyết được tất cả các vấn đề nên chúng ta phải không ngừng xử lý những việc nảy sinh, nỗ lực, quyết tâm phấn đấu vươn lên", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng, Bộ trưởng trả lời chuyện nông dân thua lỗ, nông sản tắc biên - 3

Nông dân Nguyễn Văn Thanh đến từ xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Hà Nội phát biểu tại phiên đối thoại với Thủ tướng. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Nông dân phải "treo" ao, "treo" chuồng

Tại phiên đối thoại, ông Nguyễn Văn Thanh, đến từ xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Hà Nội nêu vấn đề, thời gian vừa qua, giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng rất cao so với trước dịch Covid-19, khiến nhiều nông dân chịu thua lỗ, nhiều người phải "treo" ao, "treo" chuồng. Chính phủ có chính sách, biện pháp gì để bình ổn giá vật tư đầu vào, tiếp sức, hỗ trợ nông dân?

Nhận ủy quyền của Thủ tướng trả lời câu hỏi, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã nỗ lực kiểm soát vấn đề tăng giá, đặc biệt là với những mặt hàng có tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấu thành giá thành sản phẩm. Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu chính sách bảo đảm về thuế, phí và trong trường hợp giá cả tiếp tục leo thang sẽ có đề xuất trợ giá để hỗ trợ nông dân.

Thủ tướng, Bộ trưởng trả lời chuyện nông dân thua lỗ, nông sản tắc biên - 4

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Ông Diên nhấn mạnh, trượt giá là vấn đề mang tính chất toàn cầu, không chỉ của riêng quốc gia nào. Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để sớm bình ổn giá các mặt hàng, nguyên liệu đầu vào.

Cụ thế, trước hết, Bộ sẽ làm việc với các doanh nghiệp để có những giải pháp phù hợp cho cả đôi bên người bán - người mua. Vật tư đầu vào chiếm 55% giá thành sản phẩm, nên nếu tính toán tỉ mỉ thì hoàn toàn có thể giảm giá thành các nguyên liệu. Đây cũng chính là cách các doanh nghiệp chia sẻ lợi ích với người nông dân, chia sẻ với Chính phủ.

Thứ hai, theo Bộ trưởng, phải tiếp tục kiểm tra kiểm soát thị trường, bình ổn giá các mặt hàng.

Thứ ba, điều chỉnh thuế đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế… để giá các mặt hàng, vật tư thiết yếu như phân bón có thể giảm xuống, bớt khó khăn cho nông dân.

Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, Thủ tướng cho biết, vừa qua, Chính phủ đã đề xuất và đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Ngay trong thời gian phòng chống dịch vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tiền tệ như giảm lãi suất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền điện, nước... cũng được áp dụng kịp thời.

Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính

Ông Trần Như Kiên - Giám đốc HTX Phương Nam (Yên Châu, Sơn La) nêu vấn đề, từ năm 2020, các chính sách kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Trung Quốc đã khiến hoạt động xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ hoạt động thông quan, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, chuyển xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch là vấn đề lớn, cần có thời gian. Để làm được vấn đề này, ngành cần chuẩn bị vùng nguyên liệu để từ đó Việt Nam không chỉ bán sản phẩm nông nghiệp ở khu vực biên giới phía Bắc mà phải xuất khẩu sâu vào nội địa Trung Quốc, đem lại lợi nhuận cao hơn.

Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên xác nhận, thời gian qua, Trung Quốc kiên định chính sách chống dịch "zero covid" nên đã gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường này. 

Ngoài ra, một số mặt hàng nông nghiệp Việt chưa đạt được tiêu chí chất lượng của Trung Quốc nên dẫn tới ách tắc, không thông quan được.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương đã duy trì chế độ giao thiệp với phía Trung Quốc để hai bên thống nhất với nhau về cách thức thông quan hàng hóa...

"Trong thời gian tới, để giải bài toán đưa hàng vào sâu thị trường Trung Quốc thì trước hết cần chuyển đổi tư duy sản xuất từ tự phát sang sản xuất theo cơ chế thị trường. Nghĩa là phải xác định được sản xuất cái gì, bán ở đâu. Do đó, các địa phương cần có chiến lược rõ ràng, đó là quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi... để chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn. Hiện nay, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa", ông Diên nhận định.

Thủ tướng, Bộ trưởng trả lời chuyện nông dân thua lỗ, nông sản tắc biên - 5

Thủ tướng điều hành cuộc đối thoại. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Liên quan đến chuyện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Thủ tướng cho biết, bản thân ông đã có giao thiệp với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, tiếp xúc với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, cùng Bộ Công Thương có buổi làm việc với phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn với hoạt động này. Hiện lãnh đạo Chính phủ vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các tỉnh biên giới làm việc với tỉnh bạn để thúc đẩy giao lưu hàng hóa giữa 2 nước.

Thực tế, chính sách chống dịch của Trung Quốc và Việt Nam khác nhau. Đây là một trong những nguyên nhân khách quan tác động đến việc xuất khẩu hàng hóa, nông sản sang nước bạn.

"Thị trường Trung Quốc cũng không còn dễ tính như trước đây, phía bạn đã tăng cường kiểm soát hàng hóa chặt chẽ hơn, quy định cũng ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung Quốc muốn tăng cường xuất nhập khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch", Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, muốn xuất khẩu được hàng hóa thuận lợi sang thị trường Trung Quốc, Việt Nam buộc phải tăng cường xuất khẩu chính ngạch, tập trung làm thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối doanh nghiệp, người dân để cùng nâng cao giá trị nông sản.

 

Nguồn: Internet