Thương lái mua lúa của nông dân được ngành nông nghiệp công nhận là lực lượng có lợi

Thương lái mua lúa của nông dân được ngành nông nghiệp công nhận là lực lượng có lợi

17:04 - 07/05/2024

Sáng 2/5, tại TP.Cần Thơ, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức hội thảo "Phát triển liên kết bền vững chuỗi giá trị lúa gạo". Tại đây, nhiều đại biểu cho rằng, lực lượng thương lái mua lúa của nông dân là có lợi.

Giá tiêu bước vào chu kỳ tăng, giá tiêu ở Đắk Nông, Đắk Lắk 'nóng' lên từng ngày
Xuất khẩu thủy sản đang tiến tới đích 10 tỷ USD
Huyện biên giới ở Lai Châu gặt “trái ngọt” nhờ xây dựng nông thôn mới
Giá cà phê tăng phiên thứ tư liên tiếp, xác lập kỷ lục mới tại Đắk Nông
FTA Việt Nam - Mercosur khởi động đàm phán: Kỳ vọng cho XK cá tra sang Brazil

Thương lái mua lúa nông dân là cầu nối không thể thiếu

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, thương lái mua lúa của nông dân có thể tạm chia thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên là mua lúa tươi của nông dân rồi bán lúa cho doanh nghiệp chế biến xay xát tiêu thụ gạo thành phẩm. Nhóm thương lái này chiếm tỉ lệ trên 97%.

 
Thương lái mua lúa của nông dân được ngành nông nghiệp công nhận là lực lượng có lợi- Ảnh 1.

Ông Võ Quốc Trung - chuyên viên Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng nói về thương lái mua lúa của nông dân. Ảnh: Huỳnh Xây

Nhóm thứ hai là mua lúa tươi, sau đó gia công sấy khô, tồn trữ và xay xát gạo (chưa thành phẩm) bán lại cho doanh nghiệp chế biến (đánh bóng thành phẩm) hoặc thương lái tiêu thụ gạo theo kênh phân phối nội địa.

Trong chuỗi liên kết lúa gạo, vai trò của thương lái là cầu nối không thể thiếu, là mắt xích quan trọng giải quyết nhiều vấn đề phức tạp, đa dạng.

Ông Võ Quốc Trung - chuyên viên Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng nói: "Thương lái có sự linh hoạt về giá thỏa thuận thu mua, có thể hợp tác điều chuyển phương tiện chuyên chở phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông nơi thu mua. Ngoài ra, thương lái mua lúa còn chia sẻ áp lực về nguồn vốn lưu động với doanh nghiệp trong hoạt động thu mua lúa của nông dân vào những thời điểm thu hoạch cao điểm".

Cũng theo ông Trung, nhờ thương lái mà Sóc Trăng đã không để xảy ra tình trạng "giải cứu" lúa gạo như một vài nông sản khác (vì không tiêu thụ được). "Cho đến thời điểm này, chúng ta có thể thấy có một số nông sản phải cần đến sự “giải cứu” trong tiêu thụ, nhưng lúa gạo thì không. Sự đóng góp đó của thương lái là rất đáng được xã hội nhìn nhận và trân trọng" - ông Trung chia sẻ.

Lợi ích nhiều chiều khi thương lái mua lúa của nông dân

Cũng như ông Trung, TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, trong chuỗi lúa gạo ĐBSCL, thương lái là người rất am hiểu thông tin về phương tiện chở lúa, có thể kết nối với máy cắt lúa.

Thương lái mua lúa của nông dân được ngành nông nghiệp công nhận là lực lượng có lợi- Ảnh 2.

Thương lái mua lúa của nông dân được công nhận là có lợi. Ảnh: Huỳnh Xây

Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp thích mua lúa qua thương lái. Thương lái cũng giúp cho doanh nghiệp đỡ căng thẳng hơn về tiền vốn bỏ ra vì không phải ứng tiền trước cho nông dân trong thời gian dài (từ 2-3 tháng).

Chính vì thế, có thể khẳng định, lợi ích nhiều chiều khi thương lái vào chuỗi lúa gạo bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, thương lái cần được xem là đối tác đồng hành với nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Theo ông Hải, ngành nông nghiệp các địa phương cần khuyến khích tập hợp thương lái vào các nhóm, các câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện, để cùng trao đổi kinh nghiệm, cùng tiếp cận các nội dung tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật trong bảo quản, vận chuyển, chế biến, bảo đảm chất lượng lúa gạo.

Đây cũng là cách làm để hạn chế tình trạng thương lái "bẻ kèo", tác động tiêu cực đến giá lúa gạo,…Để chuỗi giá trị phát triển bền vững hơn, ông Hải cho rằng, lực lượng thương lái cần được có giấy chứng nhận hành nghề hoặc được đăng ký hành nghề.

Thương lái giúp tăng giá trị 20% trong chuỗi liên kết lúa gạo

´Tại hội thảo, có đại biểu cho rằng, thương lái đa số là người địa phương vì vậy nên có chính sách hỗ trợ, cũng có thể thúc đẩy các thương lái thành các tổ dịch vụ của hợp tác xã hoặc tổ chức thành viên liên kết với hợp tác xã.

Thương lái mua lúa của nông dân được ngành nông nghiệp công nhận là lực lượng có lợi- Ảnh 3.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT đồng tình với các đại biểu về những hỗ trợ của lực lượng thương lái đối với ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

Trong phát biểu của mình, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT đồng tình với các đại biểu về những hỗ trợ của lực lượng thương lái đối với ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL.

Ông Nam nói: "Thương lái là lực lượng đóng vai trò quan trọng vì nắm được sản lượng, vốn, giống được gieo sạ tại một địa phương nào đó. Qua đó, giúp gia tăng giá trị trong chuỗi liên kết lúa gạo".

Theo ông Nam, hiện nay, thương lái tiêu thụ lúa với nông dân thông qua hợp đồng miệng, đây là hợp đồng không chính thức, ngành nông nghiệp các địa phương cần nghiên cứu khắc phục bằng cách nào đó trong thời gian tới. Song song đó là nghiên cứu hỗ trợ thêm cho lực lượng thương lái trong việc tìm kiếm đầu vào cho nông dân trồng lúa.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT còn đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam nghiên cứu về cơ chế khuyến khích lực lượng thương lái hoạt động.