Tiến sỹ Phan Công Kiên: Quyết định 517 của Thủ tướng tạo đà cho nông dân làm ra

Tiến sỹ Phan Công Kiên: Quyết định 517 của Thủ tướng tạo đà cho nông dân làm ra "nông sản tử tế"

13:15 - 28/03/2025

Theo Tiến sỹ Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố (Ninh Thuận), Quyết định 517 giúp người nông dân không chỉ biết sản xuất mà còn có tư duy trong kinh doanh nông sản, nhất là "nông sản tử tế". Nông dân cũng nắm được công tác quản trị tài chính, nâng cao thu nhập của chính mình…

'Bão' giá lợn càn quét: [Bài 7] Giải pháp chăn nuôi 'xanh'
'Xé rào' xuống giống lúa hè thu trước lịch thời vụ
Nuôi heo an toàn sinh học thích ứng dịch bệnh và thị trường biến động
Giá lúa gạo hôm nay 31/3/2025: Vẫn đứng yên
Giá cà phê hôm nay 31/3/2025: Thị trường ổn định

Nông dân sẽ học được những kiến thức mới

Trao đổi với Dân Việt, Tiến sỹ Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, ông và những anh em làm khoa học liên quan đến nông nghiệp, nông dân đã đọc Quyết định số 517/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 
Tiến sỹ Phan Công Kiên: Quyết định 517 của Thủ tướng tạo đà cho nông dân làm ra nông sản tử tế - Ảnh 1.

Tiến sỹ Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố ở Ninh Thuận (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Ảnh: PV

Theo Tiến sỹ Phan Công Kiên, Quyết định số 517/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân các cấp, chi hội trưởng nông dân và nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc giai đoạn 2025 – 2030", có nhiều điểm rất mới. 

Quyết định này khơi dậy khát vọng làm giàu của nông dân và sự cống hiến hết mình của những người đang công tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, có tham gia công tác Hội.

Tiến sỹ Phan Công Kiên cho biết, là một nhà khoa học có nhiều nghiên cứu về đề tài nông nghiệp, nhiều năm qua, ông thường xuyên tiếp xúc với nông dân, cán bộ làm công tác Hội.

"Từ thực tiễn tôi thấy Quyết định số 517/QĐ-TTg rất thiết thực, hy vọng sẽ khơi dậy tinh thần học hỏi và làm chủ của nông dân. Nhất là phát triển mô hình kinh tế cá nhân của từng gia đình. 

Không riêng gì tôi, mà những ngày qua, trong giới khoa học công nghệ, làm công tác nghiên cứu nông nghiệp chất lượng cao, chuyển đổi số, đều bàn sâu đến Quyết định số 517/QĐ-TTg…", Tiến sỹ Phan Công Kiên chia sẻ.

Tiến sỹ Phan Công Kiên: Quyết định 517 của Thủ tướng tạo đà cho nông dân làm ra nông sản tử tế - Ảnh 2.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận (giữa) cùng lãnh đạo Viện Nha Hố và đại diện các đơn vị kiểm tra mô hình trồng nho ngón tay đen không hạt NH04-102. Ảnh: PB

Theo Tiến sỹ Phan Công Kiên, Quyết định số 517/QĐ-TTg sẽ làm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác Hội và lãnh đạo Hội Nông dân các cấp. 

Việc này giúp người nông dân nắm bắt được những kiến thức mới trong sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp thuận thiên. 

Qua đó, giúp người nông dân ứng dụng và tổ chức sản xuất ngay trên diện tích của mình để nâng cao được năng suất, nhất là tạo ra các sản phẩm nông sản sạch, an toàn; đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

Nông dân sản xuất những nông sản thị trường đang cần

Cũng theo Tiến sỹ Phan Công Kiên, đề án không chỉ hỗ trợ người nông dân cách tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng mà còn hướng dẫn họ trở thành các nhà quản lý, nhà kinh doanh; trước hết là đối với các nông sản tự tay của họ làm ra.

Mặt khác, với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nắm bắt được qua hướng dẫn của các nhà khoa học, cách thức quản lý và mở rộng kết nối thị trường tiêu thụ nông sản,… người nông dân sẽ góp phần kết nối được chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng.

Từ đó, góp phần nâng cao được giá trị nông sản, thay đổi được tư duy "Không phải chỉ tập trung sản xuất những gì mình làm ra được như trước đây, mà chuyển sang hướng: tập trung sản xuất những nông sản gì mà thị trường cần". Khi đó, sẽ không còn câu chuyện được mùa mất giá, câu chuyện giải cứu nông sản như thời gian trước đây.

Tiến sỹ Phan Công Kiên: Quyết định 517 của Thủ tướng tạo đà cho nông dân làm ra nông sản tử tế - Ảnh 3.

Tiến sỹ Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố ở Ninh Thuận (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và đồng nghiệp thăm vườn nho. Ảnh: PV.

Theo Tiến sỹ Phan Công Kiên, với các nội dung bồi dưỡng mà đề án tập quan tâm là: Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào trong sản xuất; nâng cao kỹ năng quản lý và phát triển thị trường; hỗ trợ kỹ năng quản lý tài chính và lập kế hoạch kinh doanh sẽ giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật mới. Cụ thể là từ khâu chọn giống, quy trình canh tác, chế biến, các chế phẩm mới...

"Tôi cho rằng, từ Quyết định trên, người nông dân sẽ tạo được kỹ năng quản lý và bán hàng, nhất là bồi dưỡng thương mại điện tử. 

Sau đó là công tác quản trị tài chính. Những khâu quan trọng này sẽ giúp người nông dân không chỉ biết sản xuất mà còn có tư duy trong kinh doanh nông sản, nhất là "nông sản tử tế". Đặc biệt là công tác quản trị tài chính để nâng cao được đời sống và thu nhập của người nông dân…", Tiến sỹ Phan Công Kiên cho hay.

Tiến sỹ Phan Công Kiên (SN 21/01/1975) là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về giống nho ở Ninh Thuận, điển hình là giống nho giống nho không hạt chất lượng cao NH04-102 (còn gọi là nho ngón tay đen), NH01-48, NH01-152, NH01-26 và NH02-97 đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong vùng Nam Trung bộ..

Ông là Ủy viên BCH Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh Ninh Thuận, nhiệm kỳ 2020-2025; Ủy viên BCH Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, nhiệm kỳ 2023 – 2028; Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố - Bộ Nông nghiệp và Môi Trường. Ông cũng là đồng tác giả của các giống táo TN01, TN05; giống lúa PY2.

Tiến sỹ Phan Công Kiên: Quyết định 517 của Thủ tướng tạo đà cho nông dân làm ra nông sản tử tế - Ảnh 4.

Tiến sỹ Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố ở Ninh Thuận (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khảo sát vườn cây. Ảnh: PV

Nhiều quy trình kỹ thuật canh tác và bảo vệ thực vật trên các cây trồng đã được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân.

Trong đó, có 4 Quy trình được Bộ Nông nghiệp và PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) công nhận tiến bộ kỹ thuật và 4 quy trình được Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Thuận và Bình Thuận ban hành áp dụng trong sản xuất.

TS Phan Công Kiên đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh Nhà Khoa học của Nhà nông lần thứ nhất – năm 2018.