Tôm chứa tạp chất, giải pháp xử lý căn cơ đang được ngành chức năng Bạc Liêu tiến hành thực hiện
11:03 - 26/05/2024
Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) và các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát ngăn chặn hành vi tổ chức, thu gom và vận chuyển tôm chứa tạp chất...
Trồng măng tre hữu cơ, vừa dễ, vừa kiếm bộn tiền
"Mai vàng mùa nước nổi" thực ra là thứ rau dại gì mà ở Long An dân đi hái bán đắt vẫn khối người mua?
Các tỉnh Tây Nguyên vẫn tăng giá tiêu ầm ầm, duy nhất giá tiêu của Bà Rịa - Vũng Tàu giảm
Tiêu thụ chè trong nước bằng 1/3 lượng xuất khẩu nhưng mang lại giá trị cao hơn
Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) và các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát ngăn chặn hành vi tổ chức, thu gom và vận chuyển tôm có chứa tạp chất.
Qua đó, đã phát hiện 2 trường hợp tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu với số lượng hơn 33kg và 1 trường hợp vận chuyển tôm có chứa tạp chất với số lượng trên 50kg. Tuy nhiên, những gì được phát hiện và xử lý chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”!
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh xử lý một cơ sở thu mua tôm tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu ở TX. Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.
Đẩy doanh nghiệp vào khó khăn
Phải khẳng định rằng, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu chính là vấn nạn gây ảnh hưởng trực đến thương hiệu của con tôm Bạc Liêu nói riêng và tôm xuất khẩu của Việt Nam nói chung.
Điều đáng lo nhất, với những quy định ngày càng khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), vấn nạn này nếu không được xử lý sẽ khiến doanh nghiệp đánh mất thị trường khi thông tin sản phẩm không đảm bảo về VSATTP của doanh nghiệp đó bị phát hiện và đưa lên hệ thống có kết nối toàn cầu từ các nước nhập khẩu.
Chưa dừng ở đó, hành vi này còn kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến việc khơi thông các nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng.
Ông Trần Tuấn Khanh - Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Trang Khanh (TP. Bạc Liêu) khẳng định: “Nếu nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu không xử lý được sẽ đẩy các doanh nghiệp vào cảnh rủi ro, tự đánh mất thị trường, thậm chí phải phá sản”.
Với tầm quan trọng đó, thời gian qua việc xử lý bơm chích tạp chất và đảm bảo VSATTP luôn được Chính phủ, Bộ NN& PTNT quan tâm chỉ đạo kịp thời bằng nhiều văn bản pháp quy, văn bản chỉ đạo điều hành như: Chỉ thị 20 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất - kinh doanh tôm có chứa tạp chất; Quyết định 2419 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào trong tôm nguyên liệu và sản xuất - kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất (ban hành năm 2016).
Để thực hiện Đề án 2419, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã ban hành Kế hoạch 15 để triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh và tổ chức cho Chủ tịch UBND cấp huyện ký cam kết không để xảy ra tình trạng bơm chích tạp chất trên địa bàn phụ trách.
Các cơ quan chức năng của tỉnh, nhất là Sở NN&PTNT, Công an tỉnh, Quản lý thị trường, các đoàn liên ngành cấp huyện cũng đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, nhằm làm giảm, làm dừng tình trạng bơm chích tạp chất vào trong tôm nguyên liệu và sản xuất - kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất.
Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng bơm chích tạp chất vào trong tôm nguyên liệu và sản xuất - kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất vẫn còn tồn tại, chưa chấm dứt hẳn.
Thậm chí, biến tướng thành những chiêu trò tinh vi hơn, nhằm đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Trong khi đó, vẫn còn tình trạng cả nể, lơ là và chưa kiên quyết từ các ngành, các cấp có trách nhiệm khiến cho vấn nạn này ngày càng diễn biến phức tạp hơn.
Hậu quả, Bạc Liêu đã bị liệt kê vào danh sách một trong những tỉnh đứng đầu về bơm chích tạp chất vào trong tôm nguyên liệu và mua bán tôm có chứa tạp chất. Có một bộ phận người dân còn xem bơm chích tạp chất như một nghề kiếm sống nên đã tiếp tay cho vấn nạn này tồn tại.
Vì sự phát triển bền vững của con tôm
Có thể nói, mặc dù công tác ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất - kinh doanh tôm nguyên liệu có chứa tạp chất được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Bộ NN&PTNN cùng các Bộ, ngành có liên quan và UBND tỉnh, thế nhưng, việc xử lý vấn nạn này vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thanh, kiểm tra ngăn chặn hành vi vi phạm.
Địa bàn rộng, các cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu thủy sản nằm rải rác khắp các huyện, thị xã, thành phố; nhiều cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó tiếp cận nên rất khó khăn trong việc triển khai các hoạt động thanh, kiểm tra.
Theo ngành chức năng, việc tổ chức đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu ngày càng tinh vi hơn; có cảnh giới, cổng rào sắt bảo vệ.
Cơ sở tổ chức bơm chích tạp chất thường lựa chọn địa điểm ở khu vực có thể di chuyển được bằng đường bộ và đường thủy, hoặc khu vực trong hẻm sâu, cơ quan chức năng hạn chế tiếp cận trực tiếp. Thậm chí đối tượng có thông tin trước khi bị kiểm tra nên tìm cách đối phó và sẵn sàng chống đối với lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, do vấn đề cung cầu, nguồn nguyên liệu khan hiếm (phải cạnh tranh thu mua nguyên liệu) cùng với lợi nhuận cao (chích tạp chất làm tăng kích cỡ tôm, tăng khối lượng) nên một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tôm nguyên liệu đã ký cam kết, nhưng chưa có quyết tâm cao trong thực hiện “Nói không với tạp chất”.
Trong khi đó, lực lượng thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành khó tiếp cận các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Đặc biệt, UBND các huyện, thị xã, thành phố tuy đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng điều kiện kỹ thuật, chuyên môn, phương tiện, công cụ giám định, phân tích mẫu bị hạn chế hoặc không có, nên đã gây khó khăn trong quá trình kiểm tra phát hiện vi phạm.
Hiện nay, chỉ có Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh là có đủ thẩm quyền kết luận lô tôm có hay không có chứa tạp chất. Điều này đã gây khó khăn cho địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh, trong thực hiện Đề án 2419.
Thêm vào đó, chính quyền cơ sở (cấp xã) một số nơi vẫn chưa thật sự quan tâm đối với công tác tuyên truyền, vận động người dân, chủ cơ sở thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 15 của UBND tỉnh. Cho nên, hiệu quả thực hiện phòng, chống bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu chưa cao và chưa thể dứt điểm hoàn toàn vấn nạn này.
Về vấn đề cộng đồng trách nhiệm vì chất lượng và thương hiệu tôm Việt Nam, Chỉ thị 20 của Thủ tướng, Đề án 2419 và ngay cả các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT cũng chỉ dừng lại ở công tác phối hợp giữa địa phương với Trung ương, giữa cơ quan chuyên môn với các ngành có liên quan và UBND các cấp mà chưa nhấn mạnh đến vai trò phối hợp giữa các tỉnh lân cận với nhau.
Thực tế thời gian qua, ngành Nông nghiệp chỉ nhận được các thông tin về vụ việc vi phạm thông qua công tác phối hợp giữa Thanh tra Sở NN&PTNT các tỉnh Nam sông Hậu và thông qua báo chí, do vậy thông tin có được không đầy đủ và kịp thời…
Trước thực trạng nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu như hiện nay, thiết nghĩ, Bạc Liêu và các ngành cần có một hội nghị chuyên đề nhằm tìm ra những giải pháp căn cơ hơn trong giải quyết vấn đề mang tính “gốc, rễ” có liên quan đến pháp lý, nhất là hình thức xử phạt còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe.
Đây cũng là việc phải làm cho một “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm, vì sự phát triển bền vững của cả ngành tôm và thương hiệu của con tôm Việt Nam.
*Cá nhân, tổ chức có hành vi bơm tạp chất vào tôm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP hoặc thậm chí có thể bị xử lý hình sự.
Cụ thể, phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản hoặc sử dụng thủy sản có tạp chất do được đưa vào để sản xuất, chế biến thực phẩm;
Phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với hành vi tổ chức đưa tạp chất vào thủy sản; sơ chế, chế biến thủy sản có chứa tạp chất do được đưa vào hoặc thực hiện các hoạt động thu gom, vận chuyển, bảo quản thủy sản có tạp chất do được đưa vào để sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thủy sản có chất bảo quản là chất, hóa chất cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, người có hành vi bơm tạp chất vào tôm có thể bị truy tố về “Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” tại khoản 119 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm.
Trường hợp tôm nhiễm tạp chất gây chết người thì mức án cao nhất có thể lên đến 20 năm tù giam.
*
Chánh Thanh tra Sở NN&PNTT - Hà Văn Buôl: Vận động cả hệ thống chính trị cùng giám sát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu: Để ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và Đề án, Kế hoạch ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất - kinh doanh tôm có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh, đặc biệt cho đối tượng là người dân vùng nông thôn và phụ nữ.
Song song đó, tăng cường công tác giám sát địa bàn, vùng nuôi và đánh giá nhu cầu thị trường, thời điểm có nguy cơ cao bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, vận chuyển nguyên liệu thủy sản; chú trọng các vùng trọng điểm, vùng sâu, vùng xa và các địa bàn giáp ranh giữa các huyện hoặc với các tỉnh bạn.
Đặc biệt, vận động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng tham gian thực hiện giám sát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và kinh doanh tôm có chứa tạp chất…
Công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về kết quả thanh, kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng gắn với nêu tên cơ sở, doanh nghiệp vi phạm về bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu hoặc sản xuất, mua bán nguyên liệu có chứa tạp chất. Cũng như, công bố đường dây nóng tiếp nhận tin báo, tố giác vi phạm pháp luật về tôm tạp chất (ông Hà Văn Buôl - ĐT: 0938.778181).
Đặc biệt, Sở NN&PTNT tỉnh đã ký kết phối hợp với Sở NN&PTTN tỉnh Cà Mau và tới đây cũng sẽ ký kết phối hợp với các tỉnh trong khu vực Nam sông Hậu (các tỉnh trọng điểm nuôi tôm), nhằm chia sẻ thông tin, phối hợp xử lý và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tạp chất khu vực giáp ranh giữa các tỉnh. Đồng thời, phối hợp truy xuất đến nguồn gốc và cả đích đến của các lô tôm tạp chất để xử lý triệt để.
Chủ tịch UBND TX Giá Rai - Đỗ Minh Thắng: Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm về tôm tạp chất: So với các địa phương khác, TX Giá Rai được xem là địa phương trọng điểm về chế biến tôm xuất khẩu. Đây cũng là nơi có hơn 200 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động thu mua, sơ chế tôm nguyên liệu.
Với quyết tâm nói không với tôm tạp chất và xây dựng văn hóa kinh doanh, góp phần bảo vệ thương hiệu cho con tôm của Bạc Liêu, UBND TX. Giá Rai chỉ đạo Công an thị xã tiếp tục phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cùng các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hành vi tổ chức, thu gom, vận chuyển nguyên liệu thủy sản có chứa tạp chất, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm, có vị trí giáp ranh.
Chủ động nắm tình hình, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật về tôm tạp chất. Đồng thời, tiến hành kiểm tra đồng loạt, toàn diện tất cả cơ sở thu mua tôm nguyên liệu trên địa bàn thị xã về việc chấp hành nội dung cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, không thu mua vận chuyển, sơ chế, chế biến tôm chứa tạp chất trên địa bàn thị xã.
Ngoài ra, UBND TX Giá Rai sẽ chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện có hiệu quả phòng, chống vi phạm pháp luật về tôm tạp chất, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và nắm tình hình, phát hiện xử lý các hành vi vi phạm về tôm tạp chất.
Bên cạnh đó, kiên quyết làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm, xử lý đối với cán bộ, đảng viên không làm hết trách nhiệm, tiếp tay, bao che cho các đối tượng vi phạm…