Tôm giá trị gia tăng của Việt Nam đi EU sẽ tăng trưởng tốt hơn do tồn kho đã giảm

Tôm giá trị gia tăng của Việt Nam đi EU sẽ tăng trưởng tốt hơn do tồn kho đã giảm

16:05 - 14/08/2024

Tính tới 15/7/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 241 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL

Đức, Hà Lan, Bỉ là 3 thị trường NK lớn nhất trong khối. Tính tới 15/7/2024, XK sang Hà Lan và Bỉ tăng trưởng 2 con số lần lượt 19% và 21%, XK sang Đức tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

XK tôm Việt Nam sang EU bắt đầu ghi nhận tăng trưởng 2 con số từ tháng 4 và duy trì mức tăng trưởng ổn định trong 2 tháng 5 và 6. Hội chợ Thủy sản quốc tế Bacerlona, Tây Ban Nha diễn ra vào tháng 4 với sự tham gia của nhiều DN tôm, có thể đã phần nào giúp cho hoạt động XK tôm sang EU khởi sắc hơn.

XK tôm sang EU vẫn chịu tác động từ chiến tranh, biến động kinh tế, chính trị thế giới, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm, vật giá tăng.

Trên thị trường EU, tôm Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với tôm Ecuador. Ecuador có lợi thế tôm giá rẻ, đáp ứng xu thế người tiêu dùng EU là tôm có chứng nhận ASC, lại có chi phí vận chuyển thấp hơn. Ecuador hiện vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường EU.

Thị trường EU đòi hỏi tôm nuôi đạt chuẩn an toàn, đòi hỏi bên cung ứng có giải pháp giảm phát thải (nuôi, chế biến), đòi hỏi truy xuất nguồn gốc tận gốc (thành phần thức ăn tôm, tôm bố mẹ…), đòi hỏi phúc lợi động vật (tôm bố mẹ không cắt mắt khi sinh sản nhân tạo, nuôi mật độ vừa phải…).

Dự kiến nhu cầu NK tôm của EU từ tháng 7 đến hết năm sẽ tiếp tục tăng. Kinh tế EU cũng dần có xu hướng ổn định, giá tiêu dùng đang ổn định, đồng thời lạm phát tiếp tục giảm. Các mặt hàng tôm truyền thống của Việt Nam sang EU sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh với các nguồn cung đối thủ, riêng các sản phẩm GTGT sẽ tăng tốt hơn so với những năm trước vì tồn kho đã giảm nhiều.

Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất sang EU 2 quý đầu năm 2024, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng lớn nhất 80,5%, tôm sú chiếm 12,4%, còn lại là tôm loại khác. Trong nhóm sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú xuất sang thị trường này, tôm sú chế biến (HS 16) ghi nhận giảm, các sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú còn lại đều tăng.

Một số DN XK nhiều tôm nhất sang thị trường EU như Minh Phú-Hậu Giang, Nha Trang Seafoods - F17, Thông Thuận…

Quý II/2024, giá trung bình XK tôm chân trắng sang EU dao động từ 7,2-7,4 USD/kg, giá tôm sú dao động từ 8,6-10,3 USD/kg. Giá XK trung bình cả tôm chân trắng và tôm sú sang EU trong quý II năm nay đều có xu hướng tăng so với quý đầu năm và tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Về nhu cầu trên thị trường tôm EU, ở Tây Bắc Âu nhu cầu đối với các sản phẩm GTGT tiện lợi hơn đang tăng trong khi Nam Âu khá nhạy cảm về giá nên có nhu cầu cao hơn đối với các sản phẩm tôm chân trắng có giá phải chăng.