Trai '9x' làm giàu nhờ suy nghĩ táo bạo
13:47 - 26/10/2024
Mỗi năm trang trại tuần hoàn của Ngô Đình Tuấn cho thu nhập hơn 300 triệu đồng. Thanh niên này còn sử dụng hiểu quả mạng xã hội để bán hàng.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Nghỉ học giữa chừng về làm nông dân
Ngô Đình Tuấn (sinh năm 1993, thôn 4, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) từng theo học chuyên ngành Điện tử viễn thông tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhưng quyết định nghỉ học giữa chừng, về quê làm nông nghiệp.
Ban đầu, bố mẹ Tuấn không đồng ý với quyết định của chàng trai trẻ, nhưng sau cùng cũng phải thuận theo: “Bố mẹ làm nông nghiệp để kiếm tiền lo cho cái ăn cái học với mong muốn sau này em có công việc ổn định. Bởi vậy, khi em quyết định về quê làm nông nghiệp, cả nhà đều phản đối. Có người còn dè bỉu: Thằng cu được học hành tử tế, tự nhiên lại đâm đầu về quê. Để xem sức nó có làm được gì ra hồn không”, Tuấn kể.
Thời sinh viên, Tuấn đã có máu kinh doanh. Cậu trai trẻ là người nghĩ ra ý tưởng và kêu gọi bạn bè hùn vốn thuê mặt bằng, mở quán cà phê để lấy tiền trang trải học phí. Thời gian rảnh, Tuấn rong ruổi lên các tỉnh phía Bắc để học hỏi mô hình làm trang trại và áp dụng thực tế trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của gia đình.
“Trải nghiệm đó cho em nhiều kiến thức, kinh nghiệm làm nông nghiệp. Đặc biệt, nếu áp dụng đúng kỹ thuật canh tác và quy trình chăm sóc theo từng giai đoạn sinh trưởng, cây trồng và vật nuôi sẽ cho hiệu quả, năng suất hơn nhiều so với cách làm truyền thống. Bố mẹ thấy cách làm của em đúng nên bắt đầu tin tưởng và ủng hộ em khởi nghiệp từ nghề nông”, Tuấn chia sẻ.
Từ kiến thức có được, năm 2018, Tuấn vay vốn, bắt tay vào việc cải tạo vườn vườn mía, sắn, thuê thêm đất để làm trang trại tuần hoàn với mục đích tái sử dụng phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nói về ý tưởng làm nông nghiệp tuần hoàn, Tuấn chia sẻ: “Các loại phụ phẩm nông nghiệp như cỏ dại, bưởi, ổi hỏng sẽ được gom lại đem ủ, làm phân bón hữu cơ cho bưởi. Ngoài ra, số hoa quả bị hỏng em sẽ sử dụng làm thức ăn cho lợn rừng. Chất thải trong chăn nuôi sẽ được ủ mục và bón cho cây trồng.
Chu trình kỹ thuật của trang trại tuần hoàn giúp bảo vệ môi trường, tạo ra lượng rác thải gần như bằng 0. Cách làm này còn giúp giảm vật tư đầu vào trong sản xuất, góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản. Do đó, trang trại tổng hợp vườn - ao - chuồng là lựa chọn tối ưu nhằm kiểm soát và tận dụng tối đa những nguồn lực sẵn có cũng như giúp cân bằng sinh thái”.
Thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm
Ban đầu, trên diện tích khoảng 3ha, Tuấn dành phần lớn đất đai để trồng nhãn, mít, bơ, bưởi Diễn nhưng phải phá bỏ vì giá cả bấp bênh, thu không đủ chi. Bên cạnh đó thị trường tiêu thụ còn hạn chế do công tác truyền thông, quảng bá kém hiệu quả. Sau 2 năm, Tuấn chặt bỏ toàn bộ vườn nhãn, mít, bưởi Diễn để thay đổi cơ cấu cây trồng.
“Thà chấp nhận thất thu mấy trăm triệu còn hơn để lại vườn cây để chịu lỗ. Lúc ấy em không còn đường lùi vì toàn bộ vốn liếng đã đổ vào vườn cây. Nếu bỏ cuộc coi như mất sạch. Mặt khác, bản thân đã nghỉ học để để khởi nghiệp từ nghề nông, nhưng chỉ vì thất bại mà bỏ cuộc thì hổ xấu hổ lắm!”, Tuấn kể lại.
Tại khu vực trồng cây ăn quả, chàng thanh niên quyết định ghép hơn 1.000 cây bưởi da xanh, cam, chanh trên gốc bưởi Diễn. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, Tuấn trồng xen canh ổi trong vườn bưởi da xanh. Ngoài ra, chàng trai còn bố trí khu vực riêng để nghiên cứu, trồng thử nghiệm các giống mận, nhãn, táo nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông sản.
“Trồng xen cây ăn quả giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón . Đặc biệt, khi trồng bưởi xen ổi sẽ hạn chế sâu bọ và ngăn ngừa được bệnh vàng lá, giúp tăng độ che phủ cho đất, hạn chế đất bị xói mòn và cỏ dại”, Tuấn nói.
Ngoài ra, tại trang trại, Tuấn đầu tư hạ tầng, quây nuôi gần 50 con lợn rừng mẹ. Thanh niên này còn liên kết và cấp giống cho 4 trang trại vệ tinh, đồng thời chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho bà con, góp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Mỗi năm, Tuấn xuất bán ra thị trường khoảng 1.000 con giống và lợn thương phẩm.
Nói về việc chọn lợn rừng làm vật nuôi chủ lực trong trang trại, Tuấn cho biết: “So với dúi, nhím thì lợn rừng là loài dễ nuôi, ít dịch bệnh, đầu ra tốt, sản phẩm không kén người dùng"
HIện nay, mỗi năm, trang trại của Tuấn mang lại thu nhập hơn 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Em trai Tuấn vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội cũng quyết định trở về quê, cùng anh trai lập nghiệp.
Để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất của trang trại đến với mọi người, Tuấn còn lập kênh Youtube giới thiệu và phổ biến cách làm mô hình trang trại tuần hoàn; kỹ thuật trồng cây ăn quả đạt năng suất cao; kỹ thuật chăn nuôi. Cách làm này cũng giúp Tuấn có thêm nhiều khách hàng.
“Các sản phẩm của trang trại chủ yếu được tiêu thụ qua kênh TikTok, Facebook. Giờ đây, nông sản đến thời kỳ thu hoạch không lo bị ế đầu ra. Các mặt hàng nông sản tại trang trại thường có giá cao hơn so với thực phẩm cùng loại vì chất lượng tốt hơn”, Tuấn chia sẻ.