Trại lợn đầu độc kênh mương
14:08 - 19/05/2024
TIỀN GIANG Đang mùa khô hạn, thiếu nước sản xuất nhưng tại một số nơi dòng nước kênh bị ô nhiễm bởi chất thải do một bộ phận người chăn nuôi kém ý thức xả xuống.
Xuất khẩu thủy sản đang tiến tới đích 10 tỷ USD
Huyện biên giới ở Lai Châu gặt “trái ngọt” nhờ xây dựng nông thôn mới
Giá cà phê tăng phiên thứ tư liên tiếp, xác lập kỷ lục mới tại Đắk Nông
FTA Việt Nam - Mercosur khởi động đàm phán: Kỳ vọng cho XK cá tra sang Brazil
Vào mùa khô hạn, mực nước trên các kênh, mương nội đồng ở vùng ngọt hóa Gò Công, tỉnh Tiền Giang dần cạn kiệt. Để có nước ngọt phục vụ sản xuất, bà con nông dân tranh thủ bơm chuyền dẫn từng giọt nước quý giá vào vườn giải khát cho cây trồng. Tuy nhiên, ở một số nơi dòng nước kênh bị ô nhiễm bởi chất thải do một bộ phận người chăn nuôi kém ý thức xả xuống.
Nhiều bà con nông dân ở ấp Quang Thọ, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo tỏ ra bức xúc vì dòng Kênh 30/4 đã bị cạn đáy, thiếu nước cung cấp cho vườn cây, nhất là cây thanh long đang “khô khát”. Đã thế, có ít nhất 3 trại chăn nuôi bò, trại heo thường xuyên xả phân, nước thải xuống dòng kênh này gây ô nhiễm môi trường.
Đáy kênh trước nhà ông L.H.S đã khô cạn, bồi lắng. Chia sẻ với chúng tôi, ông S tỏ ra không vui, nói: “Kênh 30/4 này bây giờ không còn gì để nói hết. Dòng kênh có 3 thứ nước: phân bò, phân heo và nước hỗn hợp xổ xuống. Đáy kênh bây giờ không dám lội qua luôn. Nước tưới thì từ đó đến nay trên xã Tân Thuận Bình bơm về. Đề nghị chính quyền xử lý sớm”.
Còn tại ấp Tân Bình 2B, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, gần đây người dân cảm thấy rất phiền trước tình trạng trại heo của bà P.T.M.C xả nước thải đen kịt ra dòng kênh nội đồng. Do thiếu nước tưới nên nhà vườn trồng cây thanh long khu vực này đôi lúc phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Ngoài ra, mùi hôi thối từ trại heo này lan tỏa khiến không khí ngột ngạt.
Ông L.V.K, một nông hộ trồng thanh long gần trại heo này cho biết, kênh hôi thối do nước thải từ trại heo của bà P.T.M.C xổ ra thường xuyên, rất ảnh hưởng bởi nguồn nước không sạch. “Trại heo này cũng làm hầm biogas nhưng mà sao xổ ra còn hôi thối quá. Bây giờ làm sao phải giảm ô nhiễm lại để nguồn nước sạch”, ông K kiến nghị.
Trước phản ánh của người dân ấp Tân Bình 2B, cách đây khoảng nửa tháng chính quyền xã Tân Thuận Bình cử cán bộ đến khảo sát thực trạng chăn nuôi tại hộ bà P.T.M.C. Qua đó, đã lập biên bản yêu cầu phải khắc phục tình trạng trại heo gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên đến nay, chủ hộ nuôi heo chưa khắc phục triệt để.
Ông Lưu Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Bình cho biết: “Nếu hộ này tiếp tục không khắc phục sẽ có hướng xử lý. Trường hợp vượt mức của xã sẽ mời cấp huyện đến để cùng xử lý”, ông Thảo khẳng định.
Tỉnh Tiền Giang là một trong những địa phương có ngành chăn nuôi phát triển ở ĐBSCL. Đa số hộ nuôi chấp hành tốt, việc một bộ phận người chăn nuôi còn thiếu ý thức trong xử lý chất thải trước khi ra môi trường đã ảnh đến chất lượng môi trường sống, sản xuất, sinh hoạt của nhiều người xung quanh cần được chính quyền địa phương kiên quyết hướng dẫn khắc phục sao cho thấu tình đạt lý, ổn định cuộc sống bà con trong xóm, không đánh mất tình làng nghĩa xóm.