Trái thanh nhãn tí hon chinh phục thị trường lớn Mỹ, châu Âu

Trái thanh nhãn tí hon chinh phục thị trường lớn Mỹ, châu Âu

08:37 - 05/09/2024

Nhờ tìm tòi, học hỏi, cập nhật kỹ thuật mới, Tổ hợp tác Trạng Tí Garden đã tạo được tiếng vang khi xuất khẩu thành công trái thanh nhãn vào Hoa Kỳ và Úc.

Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Su su trồng trên núi cao lọt 'mắt xanh' đối tác nước ngoài
Giá cà phê đang cao gấp đôi vụ năm ngoái
Chăn nuôi gà cho ăn bã bia, đầu tư ít, tiền đút túi nhiều
Vô số vườn đẹp, cây thấp tè đã ra trái quá trời, nông dân Bình Định "hái ra tiền", quả ngon nhìn phát thèm

Tại Chương trình Ký kết hợp đồng liên kết và xuất khẩu thanh nhãn sang thị trường Hoa Kỳ và Úc do Sở NN-PTNT TP Cần Thơ tổ chức, đông đảo tổ viên Tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái Trạng Tí Garden đều góp mặt.

Những chiếc túi giấy đựng thanh nhãn làm quà tặng cho khách được thiết kế nhỏ nhắn, dễ thương, kèm với những thông điệp “Thanh ngọt nhãn thảo tấm lòng”, “Khu vườn của bạn”, “Quà tặng thiên nhiên xanh”. Thoạt nhìn không ai nghĩ, những đôi bàn tay làm ra các sản phẩm này là những lão nông trên năm mươi, sáu mươi tuổi.

Ngoài chú trọng quy trình sản xuất thanh nhãn đạt chuẩn, Tổ hợp tác Trạng Tí Garden cũng chăm chút về bao bì sản phẩm. Ảnh: Kim Anh.

Lấy ý tưởng từ câu chuyện Trạng Tí, một cậu bé nhỏ nhắn, hiếu thảo, thông minh, đoàn kết giúp đỡ bạn bè, lớn lên phò Vua chống giặc, cứu nước, ông Trần Phước Sơn ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đã đặt tên cho tổ hợp tác trồng thanh nhãn của mình là Trạng Tí Garden.

Tổ hợp tác có 11 thành viên chính thức, sản xuất 69ha thanh nhãn, cho năng suất bình quân 8 tấn/ha. Mỗi năm ước tính tổng sản lượng trên 500 tấn trái.

Lão nông Trần Phước Sơn, Tổ trưởng Tổ hợp tác Trạng Tí Garden bộc bạch, dù mới thành lập, còn nhỏ bé nhưng ông mong muốn tổ viên luôn tìm tòi, học hỏi và cập nhật những kỹ thuật mới. Nhất là quy định, yêu cầu của các nước nhập khẩu, chủ động và tích cực tìm kiếm đối tác. Khi nông dân “nhỏ” cùng nhau đoàn kết sẽ trở thành những người nông dân “lớn” phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Ông Trần Phước Sơn, Tổ trưởng Tổ hợp tác Trạng Tí Garden mong muốn cùng bà con liên kết sản xuất ra những trái thanh nhãn thơm ngon, an toàn phục vụ khách hàng trong và ngoài nước. Ảnh: Kim Anh.

Với tư tưởng này, các tổ viên bắt tay thực hiện quy trình canh tác rải vụ trên thanh nhãn nhằm kéo dài chu kỳ cho trái, sản phẩm thu hoạch không tập trung, nên hạn chế được tình trạng rớt giá.

Việc liên kết, thúc đẩy tiêu thụ đầu ra cho thanh nhãn cũng được tổ hợp tác triển khai song song. Ông Sơn xác định đây là hướng đi bền vững, nâng cao được giá trị cho trái thanh nhãn. Thanh nhãn được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu với giá 70.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 20.000 đồng/kg so với tiêu thụ truyền thống qua thương lái.

Nhờ sản xuất đúng theo quy trình VietGAP và kỹ thuật mà doanh nghiệp đưa ra, thanh nhãn giữ được chất lượng trái to, đồng đều kích cỡ, cơm dày, vị ngọt thanh, đáp ứng tốt nhu cầu và tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Nếu thời tiết thuận lợi, thanh nhãn trúng mùa, nhà vườn có thể thu lãi khoảng 200 - 250 triệu đồng/ha.

Lần đầu tiên trái thanh nhãn của Tổ hợp tác Trạng Tí Garden xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và Úc đã tạo động lực lớn cho cả địa phương, doanh nghiệp và nhất là nông dân sản xuất. Ảnh: Kim Anh.

Ngày 23/7 vừa qua, lần đầu tiên trái thanh nhãn của Tổ hợp tác Trạng Tí Garden được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Hoa Kỳ và Úc. Thành quả này là quá trình nỗ lực liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các tổ viên, giữa tổ hợp tác với doanh nghiệp, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp Cần Thơ.

Các vườn nhãn của tổ hợp tác được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ phối hợp kiểm soát. Thường lệ, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Cờ Đỏ sẽ trực tiếp kiểm tra việc xử lý phân thuốc, ghi chép nhật ký sản xuất, cũng như hướng dẫn biện pháp thu hoạch theo tiêu chí doanh nghiệp xuất khẩu đưa ra.

Ngoài ra, theo ông Sơn, doanh nghiệp sẽ đột xuất kiểm tra ngẫu nhiên vườn. Do đó, từng tổ viên phải luôn ý thức và đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu. Quá trình thu hoạch, bà con tuyển lựa và cắt từng trái, sát cuống, nhưng phải giữ lại cuống.

Thanh nhãn sau đó được vận chuyển về nhà máy chế biến của doanh nghiệp, trải qua khâu sơ chế, kiểm dịch, chiếu xạ trước khi lên đường vận chuyển sang các quốc gia nhập khẩu.

Bên cạnh đó, tổ hợp tác cũng chú trọng đầu tư mẫu mã, đóng gói bao bì sản phẩm, phát triển thanh nhãn tại thị trường nội địa, kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Để trái thanh nhãn đủ chuẩn xuất khẩu, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, vận chuyển phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Ảnh: Kim Anh.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Cờ Ðỏ, địa phương có diện tích trồng thanh nhãn lớn nhất TP Cần Thơ tập trung tại xã Thới Hưng, hiện có khoảng 330ha.

Trên địa bàn cũng đã hình thành nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã để xây dựng vùng trồng tập trung, gắn với mã số vùng trồng, phục vụ nhu cầu liên kết, xuất khẩu. Điển hình như Hợp tác xã Cây ăn trái Thái Thanh, Hợp tác xã nhãn Thanh Hữu Tâm và Tổ hợp tác Trạng Tí Garden, đã liên kết được với Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu và Vina T&T Group.

Ðến nay, huyện Cờ Đỏ đã cấp 33 mã số vùng trồng thanh nhãn phục vụ xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, EU, Hoa Kỳ, Úc, với diện tích hơn 115ha.

Việc trái thanh nhãn xuất ngoại góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho bà con khi bán với giá cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Đây là động lực để nông dân đầu tư, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, chăm chút cho khu vườn.