Trâu bò chết hàng loạt: Hậu quả việc thờ ơ với vacxin

Trâu bò chết hàng loạt: Hậu quả việc thờ ơ với vacxin

11:26 - 14/02/2025

QUẢNG TRỊ Khi đàn trâu bò lăn đùng ra chết như ngả rạ, chuyện vùng 'trắng vacxin' mới được mổ xẻ. Câu chuyện đau lòng đang xảy trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Gấp rút cứu gần 4.000ha lúa đông xuân bị ngập úng
Nông dân Hải Phòng trúng lớn nhờ chuyển từ cấy lúa sang trồng hành củ
Giá heo hơi hôm nay 13/2/2025: Ổn định ở cả 3 miền
Vùng Gò Công: Lúa đã chín nhưng một số khu vực bị ngập cục bộ
Thương lái "săn hàng" đưa vào phía Nam, giá lợn hơi tăng từng ngày, chủ trang trại nuôi lợn nói câu bất ngờ

Không được hỗ trợ thì không tiêm phòng

Ông Trần Hiếu, Phó Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) cho hay, những năm gần đây, tỷ lệ tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi tại địa phương đã được cải thiện. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với các loại vacxin được ngân sách nhà nước hỗ trợ ở vùng đặc thù.

Đến nay, 2 xã Ba Lòng và Triệu Nguyên đã có 35 con trâu bò chết với các biểu hiện của bệnh tụ huyết trùng và kí sinh trùng đường máu. Ảnh: Võ Dũng.

Đến nay, 2 xã Ba Lòng và Triệu Nguyên đã có 35 con trâu bò chết với các biểu hiện của bệnh tụ huyết trùng và kí sinh trùng đường máu. Ảnh: Võ Dũng.

“Các loại vacxin được ngân sách nhà nước hỗ trợ như lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dại chó dù gặp khó khăn trong công tác tiêm phòng nhưng tỷ lệ vẫn đảm bảo. Còn các loại vacxin nào không được hỗ trợ thì dù chính quyền các cấp có kế hoạch, khuyến cáo cần phải tiêm phòng nhưng tỷ lệ gần như bằng không”, ông Hiếu cho hay.

Trời rây rắc mưa phùn, cái rét ở miền núi thấu tận xương tủy nhưng mấy ngày nay, 4 cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đakrông vẫn phải thay nhau “trực chiến” tại các xã có dịch như Ba Lòng và Triệu Nguyên. Sáng sớm, cán bộ thú y huyện chạy xe máy xuống tiêm kháng sinh điều trị trước lúc đàn trâu bò ra đồng cỏ, trưa chạy về nhà ở thị trấn cách đó gần 20km để ăn trưa, chiều lại phải chạy xuống để kiểm tra diễn biến dịch bệnh trên đàn trâu bò. Không ăn uống được, phần vì mệt, phần vì buồn thay cho tập quán chăn nuôi của bà con.

“Ăn uống ở đây khó khăn vì dù chỉ cách thị trấn 20km nhưng quán xá gần như không có, ăn chực nhà dân nhiều quá cũng ngại. Đường từ thị trấn xuống đây chi chít ổ voi, ổ gà, đi xe máy nhanh hơn đi ô tô. Vất vả nhưng không thể rời mắt tới đàn trâu bò”, vẫn lời ông Hiếu.

Lực lượng thú y mỏng (huyện Đakrông chỉ có 4 cán bộ thú y), lo lắng cho tài sản của dân nhưng người chăn nuôi lại tỏ ra bàng quan. Có gia đình có đến gần 20 con trâu bò, sáng thả ra đồng cỏ, chiều lùa về, thậm chí thả vào rừng hàng tháng trời nhưng vẫn bình thản trong cơn bão dịch bệnh đang tàn phá vùng quê này.

Chị Hồ Thị Mò Ó ở thôn 5, xã Ba Lòng nuôi 15 con trâu, bò nhưng không trồng cỏ, không chăn dắt. Sáng sáng, chị lùa đàn gia súc ra đồng cỏ cách nhà 4 - 5km, chiều lùa về. Cách đây mấy ngày, 3 con trâu, bò của gia đình chị bị chết ngoài đồng, một con đưa về nhà điều trị nhưng cũng không qua khỏi. Số trâu bò chết của gia đình bà Mò được chính quyền đem đi tiêu hủy, kéo theo mất mát lớn về tài sản.

Tập quán thả rông trâu bò khiến công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Võ Dũng.

Tập quán thả rông trâu bò khiến công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Võ Dũng.

Đàn trâu bò là tài sản lớn của gia đình chị Ó. Thế nhưng, ngoại trừ vacxin lở mồm long móng, viêm da nổi cục được ngân sách nhà nước hỗ trợ, gia đình chị không tiêm thêm một loại vacxin nào. Khu vực chuồng nuôi trâu bò cách nhà ở vài chục bước chân nhưng hết sức sơ sài, chỉ có mái che nắng, che mưa bằng pro xi măng, bạt che chắn xung quanh đã rách nát. Phía trước khu vực chăn nuôi, bùn đất nhão nhoẹt, sình lầy phải lội bằng ủng. Nhưng chị Ó quả quyết, nếu không được nhà nước hỗ trợ thì gia đình không thể tiêm vacxin cho trâu bò vì không có tiền.

“Có vacxin tụ huyết trùng họ hỗ trợ thì mình cũng tiêm. Mình bỏ tiền ra thì mình không có. Không hỗ trợ thì mình không có tiền mua thuốc”, chị Ó phân bua.

 

Nói mãi rồi mà dân không nghe

Theo thống kê của UBND xã Ba Lòng, năm 2024, tỷ lệ tiêm phòng các loại vacxin được nhà nước hỗ trợ như lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dại chó đạt 80% tổng đàn. Số không tiêm chủ yếu nằm trong diện không thuộc đối tượng tiêm (như trâu bò chửa đầu thai kỳ; bê, nghé dưới 2 tuần tuổi) hoặc trâu bò thả rông trong rừng không thể lùa về tiêm phòng. Khi được hỏi về tỷ lệ tiêm phòng vacxin tụ huyết trùng, ông Trần Hữu Hiếu, Chủ tịch UBND xã Ba Lòng lắc đầu ngán ngẩm.

“Cứ tuyên truyền mãi nhưng tập quán chăn thả rông trâu bò của bà con rất khó thay đổi, từ đó gây khó khăn cho công tác tiêm phòng. Các bệnh thuộc diện tiêm phòng bắt buộc nhưng không được ngân sách nhà nước hỗ trợ bà con tiêm phòng rất ít do tâm lý trông chờ ỷ lại. Chuồng trại chăn nuôi cũng hết sức sơ sài, không đủ sức bảo vệ đàn vật nuôi, nhất là trong mùa mưa rét. Mình xót của nhưng cũng không đủ sức đi làm thay cho dân được”, ông Hiếu cho hay.

Khu vực nuôi nhốt trâu bò của chị Ó sơ sài, nhầy nhụa bùn đất. Ảnh: Võ Dũng.

Khu vực nuôi nhốt trâu bò của chị Ó sơ sài, nhầy nhụa bùn đất. Ảnh: Võ Dũng.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Quyên, cán bộ Thú y xã Ba Lòng, trong số 1,3 nghìn con trâu bò của xã thì chỉ có khoảng 200 con được tiêm phòng vacxin tụ huyết trùng. Số này chủ yếu tập trung tại một vài gia trại chăn nuôi lớn trên địa bàn và một vài hộ dân có ý thức bảo vệ đàn vật nuôi. Số còn lại, do “trắng” vacxin nên khi xuất hiện dịch bệnh, tốc độ lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn. Bệnh tụ huyết trùng cấp tính diễn biến nhanh và gần như trâu bò mắc bệnh đều chết.

“Tụ huyết trùng thuộc danh mục tiêm phòng bắt buộc nhưng khi không được hỗ trợ từ ngân sách thì người dân không tiêm. Hàng năm, chính quyền địa phương đều có kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng người dân rất thờ ơ. Toàn xã hiện có khoảng 300 con trâu bò thả rông trong rừng rất khó kiểm soát dịch bệnh. Bệnh tụ huyết trùng đã khiến hàng chục con trâu bò chết nhưng đến nay cũng mới chỉ có một số hộ dân đăng ký được 300 liều vacxin”, bà Quyên tỏ ra bất lực.

Tính đến trưa 12/2, thêm một con bò tại xã Ba Lòng bị chết với các triệu chứng của bệnh tụ huyết trùng thể cấp tính. Và tính đến nay, sau 6 ngày kể từ thời điểm phát hiện 20 con trâu chết trong khu vực rừng thuộc thôn Kiên Phước, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (giáp ranh với huyện Đakrông - là nơi người dân xã Ba Lòng và Triệu Nguyên thường xuyên chăn thả trâu bò), toàn huyện Đakrông đã có 35 con trâu bò bị chết với các biểu hiện của bệnh tụ huyết trùng và lê dạng trùng (kí sinh trùng đường máu). Trong đó, riêng xã Ba Lòng có 26 con trâu bò bị chết.

Chính quyền địa phương đã phải tiêu hủy trâu bò mắc bệnh, khuyến cáo người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị, hiện nay, huyện Đakrông đang sử dụng kháng sinh điều trị cho trâu bò có triệu chứng bị dịch bệnh, áp dụng các biện pháp tiêu độc khử trùng các khu vực chuồng trại.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đakrông hướng dẫn người dân che chắn lại chuồng trại chăn nuôi. Ảnh: Võ Dũng.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đakrông hướng dẫn người dân che chắn lại chuồng trại chăn nuôi. Ảnh: Võ Dũng.

“Chúng tôi đang sử dụng kháng sinh tác dụng kéo dài để tiêm cho đàn trâu bò trong vùng dịch. Trạm cũng chỉ đạo cho các xã hướng dẫn bà con vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, che chắn để giữ ấm cho trâu bò trong giai đoạn rét và dịch bệnh đang xẩy ra”, ông Trần Hiếu, Phó Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đakrông cho hay.

“Tháng 8/2024, dịch bệnh lở mồm long móng khiến gần 400 con trâu bò tại xã Ba Lòng mắc bệnh, trong đó có 20 con chết. Nguyên nhân là do nguồn vacxin hỗ trợ được cấp muộn. Năm nay, trâu bò lại chết vì bệnh tụ huyết trùng nhưng bà con vẫn thờ ơ. Thiệt hại là vô cùng lớn”, ông Trần Hữu Hiếu, Chủ tịch UBND xã Ba Lòng chia sẻ.