Tre tứ quý, cây trồng đa giá trị

Tre tứ quý, cây trồng đa giá trị

14:42 - 28/11/2022

CẦN THƠ Tre tứ quý không chỉ cho giá trị kinh tế cao mà còn góp phần cải thiện môi trường, chống sạt lở, xói mòn đất, có thể kết hợp du lịch sinh thái vườn tre...

 

Ra mắt giống ngô lai mới kháng sâu keo mùa thu và sâu đục thân
Phát hiện hơn 650.000 con tôm giống chưa qua kiểm dịch
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá
40 năm Báo NTNN: Chúng tôi đã đến với nông dân từng bản làng, từng chi hội
Giá cà phê ngày 26/4: Dễ dàng phá mức giá, xô đổ kỷ lục hôm qua, hiện cà phê đạt 134.000 đồng/kg

Ông Nguyễn Văn Giao, 72 tuổi ở phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ chia sẻ, nhiều năm trước, gia đình ông không ít lần thất bại với điệp khúc được mùa, mất giá, trồng hết cây này đến cây khác. Nhận thấy không thể trụ nổi, ông Giao quyết định tìm kiếm loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn để thay thế vườn mít Thái nhà mình.

Vốn là người kỹ tính, phải trăn trở nhiều ngày, tìm hiểu nhiều loại cây trồng, nhưng chỉ có cây tre tứ quý mới thuyết phục được ông Giao. Theo lão nông "U70", loại cây này có đặc tính dễ trồng, cho măng quanh năm, nhẹ công chăm sóc, lại ít nhiễm bệnh, nên đỡ tốn chi phí cho các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Empty

Ông Nguyễn Văn Giao, phường Tân Phú, quận Cái Răng sống khỏe nhờ thu nhập từ vườn tre. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vì lẽ đó, ông Giao mạnh dạn phá bỏ 1 công đất (1.000m2) vườn mít Thái của mình để trồng 200 gốc tre tứ quý. Ngay năm đầu tiên, vườn tre tứ quý đã mang về cho gia đình lão nông hơn 100 triệu đồng từ tiền bán măng và cây giống.

“Ngoài việc bán măng tre hàng ngày, tôi còn tuyển bớt những thân tre già cỗi đốn bán cho bà con có nhu cầu làm nhà hay làm giàn để trồng hoa màu. Còn lá tre người ta mua để gói bánh. Thời gian gần đây, một số người chăn nuôi dúi cũng liên hệ với tôi để mua tre về làm thức ăn”, ông Giao cho biết.

Ông Giao chia sẻ, mỗi bụi tre trồng cách nhau khoảng 3m, từ lúc trồng đến cho vụ măng đầu tiên chỉ mất 8 tháng. Tầm 2 tháng ông Giao bón phân một lần, mùa nắng cách 2 ngày tưới nước 1 lần. Một bụi tre, lão nông thu hoạch được từ 7 - 10 mục măng mỗi tháng, trọng lượng mỗi mục từ 1,5kg trở lên.

 

Ông Giao tiết lộ, hàng năm, vào tháng 10, ông lấy lá khô đắp vào gốc tre giữ ẩm cho cây phát triển. Khoảng một năm, ông Giao chặt bỏ những cây già cho những măng tơ phát triển thành cây mới. Măng tre tứ quý có vỏ xanh, ít lông, ăn không có vị đắng nên được chị em phụ nữ chọn mua chế biến thành nhiều món ăn. Hàng tháng, thương lái đến tận vườn ông Giao mua măng với giá từ 30 - 45 ngàn đồng/kg nên không lo về đầu ra.

Cũng theo lão nông này, ban đầu, khi quyết định phá vườn mít trồng tre, bản thân gặp không ít áp lực vì gia đình không đồng thuận, "bán tín bán nghi" do tre tứ quý là loại cây còn khá mới. Sau một thời gian trồng, nhận thấy hiệu quả từ giống tre này mang lại nên thời gian gần đây, thường xuyên có khách hàng từ những tỉnh lân cận như Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long... đến đặt mua tre giống. Gia đình ông đã quyết định mở rộng thêm 3 công đất nữa để trồng tre tứ quý nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Empty

Ông Giao đang kiểm tra cây giống để chuẩn bị giao cho khách hàng. Ảnh: Hồ Minh Thảo.

Tình cờ đọc báo mạng, biết được gia đình ông Giao có bán giống tre cho măng quanh năm, anh Nguyễn Lê Đình Huy ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng, với giá 25 ngàn đồng/cây. “Tôi mua 100 cây về trồng thử, nếu đạt hiệu quả sẻ mua thêm về chuyển đổi toàn bộ 3 công đất vườn mít sang tre tứ quý”, anh Huy cho biết.

Ông Huỳnh Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, thông tin: Hiện nay, trên địa bàn phường Tân Phú có 4 hộ trồng tre tứ quý. Theo đánh giá, mô hình này đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sắp tới, Hội Nông dân sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ bà con mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng kém hiệu quả sang trồng tre. Hội Nông dân cũng tiếp tục kết hợp với UBND phường chuyển giao kỹ thuật trồng tre tứ quý để cho bà con nắm được và nhân rộng mô hình.

Theo ngành nông nghiệp TP Cần Thơ, ngoài hiệu quả kinh tế, việc nhân rộng diện tích đất trồng tre tứ quý còn góp phần cải thiện môi trường, chống sạt lở, xói mòn đất. Bên cạnh đó, người dân trồng tre cũng có thể kết hợp tham quan du lịch sinh thái vườn tre tại ĐBSCL.

 

 

Nguồn: Internet

TAGS: Tre,