Trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với quy trình hữu cơ

Trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với quy trình hữu cơ

18:51 - 19/06/2024

KIÊN GIANG Trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải, đồng ruộng được theo dõi bằng vệ tinh đang trở nên hiện hữu ngay giữa cánh đồng bạt ngàn ở vùng Tứ giác Long Xuyên.

Tôm nguyên liệu có thể thiếu hụt đến hết quý I năm sau
Giá tiêu còn giữ ở mức cao nhưng coi chừng những rủi ro khó lường
Thái Nguyên: Trên trồng cây ăn quả, dưới thả gà, cây tốt, quả ngọt, cỏ dại biến đi đâu?
Cơ hội mới giữa những thách thức của xuất khẩu cá tra Việt Nam
Giá cà phê tăng vọt, Đắk Nông lập đỉnh mới, gián đoạn nguồn cung lớn từ Brazil và Việt Nam

Những nông dân tiên phong

“Chúng tôi là những nông dân được chọn thí điểm trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở vựa lúa vùng Tứ giác Long Xuyên” – nông dân Đoàn Thành Đô nói như khoe khi mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Gần trưa, dưới cái nắng oi ả của ngày hè cuối tháng 5, chúng tôi theo chân anh Đô ra thăm cánh đồng sản xuất lúa giảm phát thải mà anh và các hộ nông khác cùng tham gia.  

Quá trình sản xuất lúa giảm phát thải luôn có cán bộ Tổ Khuyến nông cộng đồng đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân. Ảnh: Trung Chánh.

Quá trình sản xuất lúa giảm phát thải luôn có cán bộ Tổ Khuyến nông cộng đồng đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân. Ảnh: Trung Chánh.

Ruộng lúa đã gieo sạ được hơn nửa tháng, lúa xanh mơn mởn và bắt đầu đẻ nhánh. Giữa thửa ruộng rộng 12ha được cắm một chiếc bảng to ghi chi tiết các quy trình canh tác lúa tiên tiến để đạt được chứng nhận giảm phát thải. Quanh ruộng có nhiều ống đo, cảm biến mực nước để nông dân chủ động quản lý nước tưới cho lúa theo quy trình tưới ướt - khô xen kẽ.

Anh Đô là thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Thuận (xã Mỹ thuận, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang). Anh cho biết, khu ruộng thí điểm rộng 12ha này gồm 3 thành viên, trong đó của gia đình anh là 5ha. Vụ lúa hè thu 2024, toàn bộ diện tích được gieo trồng giống lúa ĐS1 (lúa Nhật), áp dụng quy trình sản xuất lúa tiên tiến, tưới tiết kiệm nước, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học để thay thế dần phân, thuốc hóa học.

Theo anh Đô: “Ban đâu khi mới nghe nói làm lúa giảm phát thải, nông dân còn bỡ ngỡ. Nhưng khi được cán bộ Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Mỹ Thuận tập huấn kỹ thuật, quá trình áp dụng thực tế vào đồng ruộng luôn có cán bộ kỹ thuật đồng hành hướng dẫn nên cũng không quá khó. Để giảm phát thải thì có nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là áp dụng đúng kỹ thuật tưới ướt – khô xen kẽ, ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất để tiện theo dõi cũng như truy xuất nguồn gốc về sau”. 

Mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp triển khai tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Thuận áp dụng quy trình canh tác Ecocycle của Công ty Cổ phần Công nghệ Nano BSB và Công ty Cổ phần Net Zero Carbon theo tiêu chuẩn AWD. Toàn bộ chu trình sinh trưởng của cây lúa được theo dõi và quản lý bởi vệ tinh của Công ty Spiro Carbon.

Đặt nền móng thúc đẩy sản xuất lúa hữu cơ

Ông Trần Văn Khoa, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Thuận cho biết, HTX được thành lập năm 2021 với 57 xã viên, diện tích canh tác 218ha, sản xuất lúa 2 vụ/năm.

Vụ đông xuân 2023 - 2024, HTX được Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang chọn tham gia thực hiện dự án cánh đồng lớn đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Quá trình tham gia được tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nên các xã viên đều nắm vững, áp dụng vào đồng ruộng mang lại hiệu quả cao.

Quanh ruộng có nhiều ống đo, cảm biến mực nước để nông dân chủ động quản lý nước tưới cho lúa theo quy trình tưới ướt - khô xen kẽ, giúp giảm phát thải. Ảnh: Trung Chánh.

Quanh ruộng có nhiều ống đo, cảm biến mực nước để nông dân chủ động quản lý nước tưới cho lúa theo quy trình tưới ướt - khô xen kẽ, giúp giảm phát thải. Ảnh: Trung Chánh.

Vụ hè thu 2024, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Thuận được ngành nông nghiệp chọn thí điểm tham gia dự án canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Đây là nền tảng để tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 đang được địa phương triển khai.

Theo ông Khoa, trước khi bắt tay vào sản xuất, xã viên được cán bộ kỹ thuật tập huấn đầu vụ, áp dụng kỹ thuật sạ thưa, bón phân cân đối, quản lý nước theo quy trình tưới ướt – khô xen kẽ 5 lần/vụ. Đặc biệt là chuyển từ sản xuất lệ thuộc hoàn toàn vào phân bón, thuốc BVTV hóa học sang phân bón hữu cơ và thuốc sinh học, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Khi thu hoạch lúa, rơm rạ sẽ được xử lý bằng máy gặt băm tại ruộng, phun chế phẩm vi sinh để nhanh phân hủy, trả lại dinh dưỡng cho đất hoặc thu gom đưa ra khỏi đồng ruộng để làm phân hữu cơ.

Để được chứng nhận canh tác lúa giảm phát thải, trong suốt quá trình canh tác, sẽ thường xuyên có cán bộ kỹ thuật đo lượng phát thải carbon và ruộng lúa được theo dõi bằng ảnh vệ tinh. Lúa hàng hóa được Công ty Nam Phương ký hợp đồng bao tiêu theo giá thị trường tại thời điểm thu hoạch nên nông dân không lo đầu ra, yên tâm đầu tư sản xuất.

Năm 2024, ngành nông nghiệp Kiên Giang có kế hoạch sản xuất khoảng 700.000ha lúa, sản lượng dự kiến đạt 4,4 triệu tấn. Trong đó, có 60.000ha tham gia Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 dựa trên nền tảng diện tích và các hộ nông dân đã tham gia thực hiện Dự án VnSAT.