Trồng lúa giảm phát thải, nông dân Cần Thơ được thưởng tiền mặt
09:36 - 31/07/2024
Rất nhiều nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ trồng lúa giảm phát thải được thưởng tiền mặt. Ngành chức năng cho hay, việc thưởng tiền mặt nói trên là nguồn động viên, khích lệ các nông dân trực tiếp tham gia canh tác lúa giảm phát thải.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Trước đó, trong vụ lúa đông xuân (từ tháng 12/2023 đến tháng 4/2024), Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI phối hợp với Sở NNPTNT TP.Cần Thơ chọn ra 100 hộ nông dân thuộc hợp tác xã Khiết Tâm và hợp tác xã Quỳnh Phúc (cùng ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) tham gia cuộc khảo sát về trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính.
Sơ kết cuộc khảo sát, ban tổ chức đã chọn ra 38 hộ dân trồng lúa giảm phát thải nhiều nhất để trao thưởng. Trong đó, có 30 hộ dân trồng lúa giảm được dưới 1 tấn CO2e/ha và 8 hộ dân trồng lúa giảm trên 1 tấn CO2e/ha.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong quá trình trồng lúa giảm phát thải phục vụ cuộc khảo sát, những hộ dân tham gia đều được hướng dẫn các kỹ thuật sản xuất lúa phát thải thấp, khuyến khích sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống và phân hóa học, áp dụng cách tưới ngập khô xen kẽ và sử dụng máy gặt đập liên hợp.
Ngoài ra, người dân còn được giới thiệu về công cụ số, phục vụ ghi chép số liệu, lưu dữ liệu và đánh giá kết quả canh tác lúa theo hướng phát thải thấp. Thông qua công cụ số này, nông dân sẽ dễ hiểu rõ hơn về cách trồng lúa phát thải khí nhà kính theo từng mức độ khác nhau.
Kết quả giảm phát thải do được tại ruộng lúa của 38 hộ dân nói trên chủ yếu nhờ vào việc giảm sử dụng phân đạm, giảm đốt rơm và áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ.
Ban tổ chức cho hay, việc thưởng tiền mặt nói trên là nguồn động viên, khích lệ các nông dân trực tiếp tham gia canh tác lúa giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường.
Hoạt động khảo sát lần này giúp bà con nông dân làm quen dần với phương thức canh tác lúa thân thiện với môi trường. Qua đó, góp phần tích cực vào việc thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng ĐBSCL mà TP.Cần Thơ là 1 trong 12 địa phương ở ĐBSCL đăng ký tham gia.
Trực tiếp tham gia cuộc khảo sát về trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính, ông Nguyễn Ngọc Huấn - Giám đốc hợp tác xã Khiết Tâm cho biết, lượng giống gieo sạ của xã viên đã giảm từ 150 – 180kg/ha xuống còn 80kg/ha, giảm 10-15% lượng phân bón hóa học và khoảng 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, thay vì đốt rơm trên ruộng, các xã viên đã đưa ra khỏi đồng, bán với giá 400.000 đồng/ha.
"Trồng lúa theo quy trình giảm phát thải giúp xã viên hợp tác xã tăng lợi nhuận từ 15 – 20% so với canh tác truyền thống" - ông Huấn nói.
Được biết, đây cũng là lần đầu tiên ở nước ta, nông dân trồng lúa giảm phát thải được nhận thưởng chính thức bằng tiền mặt.