Trồng lúa không cày bừa, lợi nhuận cao hơn 4 triệu đồng/ha so với truyền thống

Trồng lúa không cày bừa, lợi nhuận cao hơn 4 triệu đồng/ha so với truyền thống

16:25 - 16/07/2024

NAM ĐỊNH Năng suất mô hình trồng lúa không cày bừa và hạt giống nảy mầm sẵn ngang với sản xuất lúa thông thường nhưng lợi nhuận cao hơn 4 triệu đồng/ha.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL

Những nông dân tiên phong

Một buổi, anh Lương Văn Trường - Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương (xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) nhắn tin cho tôi mời về HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường (xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) dự tổng kết mô hình trồng lúa không cày bừa và ứng dụng công nghệ hạt giống nảy mầm sẵn của đơn vị mình. Lại nhớ hôm nào khi tôi đến thăm, ruộng trong mô hình mới chỉ là những cây mạ nhú dài chừng hai đốt tay, thế mà bây giờ đã là một thảm lúa chín vàng rực, sẵn sàng chờ thu hoạch.

Đúng là không phụ lòng trông chờ của ông Triệu Ngọc Sơn - Giám đốc HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường khi dũng cảm đưa kỹ thuật mới này vào đồng ruộng quê mình dù cơ quan chuyên môn của huyện không chỉ đạo. “Đã gọi là đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất thì phải chấp nhận rủi ro vì thành công và thất bại có thể 50/50, chứ chắc 100% thì đã không còn tính mới nữa”, ông Sơn bảo.

Mô hình trồng lúa không cày bừa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Nguyễn Thị Mận và một nông dân nữa ở thôn Hạnh Lâm (xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản) chính là những người tiên phong trong việc áp dụng kỹ thuật trồng lúa không cày bừa tuần hoàn dinh dưỡng tại chỗ và hạt giống nảy mầm sẵn với giống lúa Đài Thơm 8 trên diện tích gần 4 mẫu. Họ đã từ bỏ những ngại ngần ban đầu cũng như thói quen cố hữu ngàn đời của nông dân Việt Nam là cày sâu, bừa kĩ rồi ngâm ủ giống kiểu “ba sôi, hai lạnh” để rộng lòng đón nhận cái mới.

Trước đó, năm 2022, kỹ thuật trồng lúa không cày bừa tuần hoàn dinh dưỡng tại chỗ và hạt giống nảy mầm sẵn đã được HTX Thanh niên Nam Đại Dương triển khai tại xã Minh Tân (huyện Vụ Bản) và cho kết quả khá khả quan.

Cũng tương tự như kết quả thử nghiệm ở xã Minh Tân, trên đồng đất của xã Hiển Khánh, cây lúa trồng theo kỹ thuật mới bằng công nghệ giống nảy mầm sẵn phát triển hoàn toàn bình thường, năng suất không có khác biệt so với cày bừa truyền thống. Duy nhất có một điều khác là lượng phân bón sử dụng giảm 18%. Nhờ đó tạo ra hiệu quả kinh tế cao hơn 4 triệu đồng/ha so với cày bừa truyền thống, giúp nông dân thu nhập tăng 10 - 15%.

Bảng so sánh chi phí, lợi nhuận của mô hình trồng lúa có cày bừa và không cày bừa.

Trong khi nhiều nơi đang diễn ra tình trạng bỏ ruộng hoang một cách không thể cưỡng lại vì trồng lúa không hiệu quả, tốn nhiều công sức thì sự vượt trội 4 triệu đồng/ha quả là một con số không nhỏ. Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà từng kỹ thuật riêng lẻ trong mô hình này đều có những ý nghĩa về xã hội cũng như môi trường.

Kỹ thuật trồng lúa không cày bừa giúp giảm chi phí cày bừa, giảm phân bón, giảm thuốc BVTV độc hại, giảm rửa trôi do không làm xáo trộn bề mặt đất, giúp đất tơi xốp hơn do phần gốc, rễ nằm trong đất sau khi chết sẽ làm những mạch dẫn nước xuống sâu hơn, khi chúng phân hủy sẽ tạo thành các ống thoáng.

Bên cạnh đó, phần rơm rạ phía trên bề mặt phân hủy dần dần trong điều kiện hiếu khí sẽ tạo thành phân compost thẩm thấu vào đất giúp đất tơi xốp hơn mà không sản sinh khí mê tan, giảm gây hiệu ứng nhà kính. Quá trình phân hủy cũng sẽ giải phóng từ từ dinh dưỡng cho cây lúa hấp thu (tuần hoàn dinh dưỡng tại chỗ).

Mặt khác, quy trình này giúp cân bằng sinh thái bởi đất không cày, không bị rửa trôi ra kênh mương nên không phải nạo vét thường xuyên giúp việc trồng cây lâu năm trên bờ dễ dàng hơn, không phải chặt đi phục vụ nạo vét, tạo nơi trú ngụ cho thiên địch, chắn gió, giảm nhẹ ảnh hưởng khi thiên tai xảy ra.

Tiêu diệt được lúa ma, lúa lộn và cỏ dại

Cũng bởi không cày xới nên hạt lúa ma, lúa lộn và hạt cỏ vụ trước để lại sẽ không bị chìm xuống đất, khi đưa nước vào để xử lý gốc lúa và rơm rạ, các hạt này sẽ nảy mầm. Sau đó ốc bươu vàng sẽ ăn toàn bộ các hạt mầm này. Đây chính là cách lợi dụng sinh vật hại là ốc bươu vàng, biến nó thành sinh vật có lợi trong khoảng thời gian nhất định. Do đó hầu như nông dân không phải xử lý cỏ, lúa ma, lúa lộn.

Lãnh đạo và cán bộ huyện Vụ Bản đi kiểm tra mô hình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Về nảy mầm sẵn, đây là kỹ thuật cho nảy mầm hạt giống lúa đến khi xuất hiện mầm và rễ mầm, sau đó đưa hạt giống vào trạng thái ngủ đông trở lại. Nông dân khi sử dụng chỉ cần mang hạt giống ra gieo ngay mà không cần ngâm ủ. Hạt giống sẽ lập tức phát triển thành cây như bình thường, giúp nông dân giảm được 3 - 5 ngày trong công đoạn chuẩn bị hạt giống mỗi mùa vụ. Đặc biệt khi thiên tai xảy ra, trong trường hợp giống bị thiệt hại nông dân sẽ có hạt giống nảy mầm sẵn để khắc phục ngay, tránh việc chậm trễ mùa vụ.

Công nghệ hoàn toàn mới này đã được anh Lương Văn Trường - Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương đăng ký độc quyền sáng chế. Qua quá trình thử nghiệm tại tất cả các vùng khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam và tại Guma – Nhật Bản từ năm 2018 đến nay, mang lại hiệu quả khá cao.

Hạch toán chi phí giữa quy trình sản xuất lúa thông thường và quy trình không làm đất.

Về sinh thái: Mô hình giúp bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm do hóa chất nông nghiệp nhờ giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học trong một số giai đoạn. Chất lượng đất được cải thiện, tăng độ phì nhiêu của đất và khả năng giữ dinh dưỡng, giảm rửa trôi đất, bảo vệ đa dạng sinh học, giảm phát thải khí mê tan gây hiệu ứng nhà kính.

Trước kết quả thành công của vụ xuân này, xã Hiển Khánh (huyện Vụ Bản) sẽ mở rộng diện tích áp dụng kỹ thuật mới này ra 9 mẫu trong vụ mùa 2024. Sau khi đi tham mô hình, ông Trần Minh Hoan - Bí thư Huyện ủy huyện Vụ Bản - nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nam Định đã đánh giá cao về triển vọng phát triển của kỹ thuật trồng lúa không cày bừa và ứng dụng công nghệ hạt giống nảy mầm sẵn.

Ông đề nghị HTX Thanh niên Nam Đại Dương tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao quy trình kỹ thuật này cho HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường để tiếp tục khảo nghiệm và mở rộng mô hình trong toàn xã ở những năm tiếp theo, cũng như phát triển sang những xã khác trên địa bàn huyện Vụ Bản. Điều này có ý nghĩa giảm chi phí, ngày công lao động, đặc biệt là giảm sử dụng thuốc BVTV, từ đó hướng đến xây dựng nền nông nghiệp xanh và bền vững…

Mô hình trồng lúa không cày bừa cho năng suất tương đương có cày bừa. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Anh Lương Văn Trường thông tin, ngay sau hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình này, nhiều bà con trong và ngoài xã đã tới hỏi thăm và đề nghị được hướng dẫn thực hiện kỹ thuật để áp dụng ngay cho vụ hè thu năm 2024.

Với sự hỗ trợ của Sở Khoa học Công nghệ Nam Định, Huyện ủy Vụ Bản, Hội Nông dân huyện Vụ Bản, UBND huyện Ý Yên, HTX Thanh Niên Nam Đại Dương của anh Trường đang tích cực hỗ trợ bà con nông dân các xã Hiển Khánh, xã Minh Tân, xã Đại Thắng, HTX Hợp Đức, Phòng NN-PTNT huyện Ý Yên triển khai ngay trong vụ hè thu năm 2024.

“Tôi ước làm sao để nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích của mô hình cũng như có chính sách hỗ trợ cho họ áp dụng, nhân rộng ra toàn tỉnh Nam Định và các tỉnh, thành lân cận trong thời gian tới”, anh Trường mong muốn.

Bài học kinh nghiệm: Cần lựa chọn giống lúa phù hợp với điều kiện địa phương. Cần áp dụng đúng kỹ thuật theo từng giai đoạn. Cần quản lý sâu bệnh hại hiệu quả. Cần liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.