Trồng măng tre hữu cơ, vừa dễ, vừa kiếm bộn tiền
09:54 - 28/11/2024
BÌNH PHƯỚC Cây măng tre canh tác hữu cơ rất dễ vì gần như chẳng có sâu bệnh hại, không phải dùng thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh, chỉ cần chú trọng bón phân hữu cơ.
"Mai vàng mùa nước nổi" thực ra là thứ rau dại gì mà ở Long An dân đi hái bán đắt vẫn khối người mua?
Các tỉnh Tây Nguyên vẫn tăng giá tiêu ầm ầm, duy nhất giá tiêu của Bà Rịa - Vũng Tàu giảm
Tiêu thụ chè trong nước bằng 1/3 lượng xuất khẩu nhưng mang lại giá trị cao hơn
Giá cà phê tiếp tục lập đỉnh, cà phê thu mua ở Lâm Đồng và Đắk Nông tăng mạnh nhất
Mặc dù là thương binh loại 2/4, cơ thể không còn lành lặn nhưng ông Nguyễn Kim Thành, Giám đốc HTX măng tre Thành Tâm (phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) vẫn làm việc không thua bất cứ ai. Nhìn cơ ngơi của gia đình ông, nhiều người mơ ước. Một phần cơ ngơi ấy đến từ cây măng tre.
Cách đây hơn chục năm, thời điểm mủ cao su rớt giá mạnh, ông Thành đã quyết định chuyển một phần diện tích vườn cao su sang trồng tre lấy măng. Giống tre ông trồng là điền trúc, rất thích hợp với thổ nhưỡng tại Chơn Thành là đất pha cát. Sau mấy năm, vườn tre phát triển tốt và bắt đầu cho măng, những mầm măng to lại đặc ruột nên rất nặng.
Quá trình chăm sóc vườn măng tre, ông Thành thấy đây là cây rất dễ sống, dễ chăm, chi phí đầu tư rất thấp. Nếu chăm tốt, đủ nước thì có thể thu măng quanh năm. Ông cho rằng cây măng tre rất phù hợp với những hộ dân ít vốn, ít đất và có thể trồng ở bất cứ đâu trong vườn, bờ rào, không cần trồng tập trung. Vì thế, ông chia sẻ với nhiều người, tư vấn cho họ cùng làm.
Năm 2017, sau khi đã có hơn chục hộ trồng tre lấy măng, ông Thành quyết định cùng mọi người thành lập HTX măng tre Thành Tâm với vốn điều lệ 600 triệu đồng. Diện tích ban đầu của HTX chỉ có 2ha, sau đó tăng dần lên 7ha, hoạt động chủ yếu là trồng tre lấy măng, thu mua măng trên địa bàn.
Đến nay, diện tích canh tác măng tre của HTX đã lên đến hơn 100ha. Năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha. Đó là chỉ thu hoạch măng chính vụ, tức vào mùa mưa, còn nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch cả mùa khô, tức khoảng 9 tháng mỗi năm thì sản lượng có thể tăng lên gấp rưỡi.
Ông Thành cho biết, hiện HTX đã đầu tư kinh phí trên 1 tỷ đồng cho nhà xưởng sơ chế măng, hệ thống lò sấy công nghiệp sử dụng điện công suất 1 tấn măng khô trong 30 giờ, có nhà kho bảo quản măng tươi, măng khô. Vì thế vào mùa mưa, nếu giá măng xuống thấp sẽ được thu gom để sơ chế, sấy khô, không chỉ không bị mất giá mà còn lợi hơn bán măng tươi.
“Tôi muốn măng tươi hay khô cũng phải đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao. Đó là lý do từ nhiều năm nay vườn măng của tôi canh tác theo quy trình VietGAP và hiện đang tuân thủ theo quy trình hữu cơ. Thực ra, cây măng tre canh tác hữu cơ rất dễ vì nó gần như chẳng có sâu bệnh hại, không phải dùng thuốc hoá học trừ sâu bệnh. Ngay cả phân bón cũng không dùng nhiều. Tôi chỉ dùng phân bò, phân dê, trộn chế phẩm sinh học, thêm các phụ phẩm như rau củ quả, sau đó ủ đủ thời gian mới bón, nhưng cũng không dùng nhiều. Ngoài ra không dùng thêm bất cứ chế phẩm nào khác”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, cây tre được trồng, chăm sóc theo quy trình hữu cơ cho sản phẩm măng tươi đảm bảo chất lượng, nhưng sản phẩm măng khô nếu làm không đúng quy trình cũng trở thành không sạch, không ngon.
Quá trình sấy được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu chiếm phần lớn thời gian sấy ở nhiệt độ 60 độ C, sản phẩm sẽ khô từ từ và đều từ trong ra ngoài, đảm bảo màu sắc măng không bị sậm màu hay thâm đen. Giai đoạn 2 tuy chỉ chiếm khoảng 10% thời gian nhưng lại quyết định thời gian bảo quản kéo dài bao lâu. Ở giai đoạn này, nhiệt độ tăng lên và duy trì từ 70 - 75 độ C nhằm thoát hết lượng nước còn lại trong măng, đồng thời diệt hết các mầm nấm hay vi sinh gây hại có trong sản phẩm để gia tăng thời hạn sử dụng.
“Măng tươi sau khi thu hoạch phải sơ chế và đưa vào lò sấy trong vòng 2 ngày, nếu để quá lâu, măng sẽ bị già, nhiều xơ và đắng. Ngoài ra, măng sấy khô sẽ dai hơn nên phần gốc cắt bỏ cũng nhiều hơn măng ăn tươi. Vì thế ở các nơi khác, thông thường chỉ cần 20kg măng tươi là phơi hoặc sấy thành 1kg măng khô nhưng ở HTX Thành Tâm cần đến 25 - 28kg măng tươi mới sấy được 1kg măng khô.
“Vì phải cắt sâu phần cuống măng để măng khô không bị xơ, dai, lại sấy nhiệt thấp, thời gian lâu, mục đích là loại bỏ hoàn toàn nước bên trong để bảo quản được lâu hơn, vì thế hao hụt nhiều hơn các cơ sở khác”, ông Nguyễn Kim Thành cho biết.