Trung Quốc mua sầu riêng nhiều nhất thế giới, lại trồng được 2.700ha ở đảo Hải Nam, Việt Nam cần phải làm gì?
16:46 - 22/10/2024
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), năm 2023, Trung Quốc đã chi khoảng 1 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Thái Lan và Malaysia. Do vậy, Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang trung Quốc sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp cận thị trường này.
Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc cần những điều kiện gì?
Tại Hội nghị trực tuyến phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc do Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 19/9, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, với Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc vừa được Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn trên thế giới. Năm 2023, Trung Quốc đã chi khoảng 6,7 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng tươi từ các nước và 1 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Thái Lan và Malaysia.
"Việc mở cửa thị trường này nhằm tận dụng được lợi thế của thị trường Việt Nam tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ngành sầu riêng cấp đông Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, cần nhận diện đầy đủ để đối phó, đặc biệt là vấn đề về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…", ông Đạt nói.
Trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, một trong những khác biệt của sầu riêng đông lạnh, đó là việc mặt hàng này được coi như “thực phẩm”. Do đó, nó sẽ phải tuân thủ Lệnh 248 của Hải quan Trung Quốc.