Tưng bừng Ngày hội nông sản huyện Hoài Ân
22:46 - 18/05/2024
BÌNH ĐỊNH Chào mừng 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), tối 17/5, huyện Hoài Ân (Bình Định) đã tổ chức lễ khai mạc Ngày hội nông sản lần II năm 2024.
Xuất khẩu thủy sản đang tiến tới đích 10 tỷ USD
Huyện biên giới ở Lai Châu gặt “trái ngọt” nhờ xây dựng nông thôn mới
Giá cà phê tăng phiên thứ tư liên tiếp, xác lập kỷ lục mới tại Đắk Nông
FTA Việt Nam - Mercosur khởi động đàm phán: Kỳ vọng cho XK cá tra sang Brazil
Bứt phá từ nông nghiệp
Hoài Ân (Bình Định) là huyện trung có đất đai mênh mông. Với tầm nhìn của chính quyền địa phương, những năm qua, huyện Hoài Ân đã triển khai nhiều chương trình, đề án đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Hàng năm, Hoài Ân duy trì đàn heo trên 280.000 con, đàn trâu bò trên 25.900 con và đàn gia cầm trên 1,1 triệu con. Đặc biệt, diện tích các loại cây ăn quả có thế mạnh của địa phương này phát triển mạnh với hơn 3.900ha. Hoài Ân cũng đồng thời từng bước hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung tại các xã Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Hữu, Ân Hảo Tây….
Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện đã khẳng định trên thị trường, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đánh giá cao. Điển hình như bưởi da xanh, dừa xiêm, heo thịt, gà ta thả vườn, gạo hữu cơ, bún gạo khô, trà nụ hoa hòe...
Hiện trên địa bàn huyện có 8 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu gồm: Bưởi da xanh, dừa xiêm, mít Thái, heo, gà ta thả vườn, tiêu hột, gạo hữu cơ và 60 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, cùng trên 100ha cây trồng được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP. Đây là dấu ấn của sự phát triển nông nhiệp ở huyện trung du này.
Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, địa phương hiện có nhiều mặt hàng nông sản như heo, gà ta thả vườn, bưởi da xanh, trà nụ hoa hòe, mật ong dú, trứng chim trĩ, thịt heo thảo mộc, gạo hữu cơ… đã có mặt trên hệ thống siêu thị các tỉnh, thành như Quy Nhơn (Bình Định), Đà Nẵng, TP.HCM...
Đặc biệt, sản phẩm trà nụ hoa hòe, dầu phộng, dầu mè của Công ty TNHH DULAH và bún khô, bún tươi của Công ty TNHH Spevi Food đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.
“Tiếp nối thành công của Ngày hội nông sản huyện Hoài Ân lần thứ I được tổ chức vào năm 2022, năm nay, Ngày hội nông sản lần thứ II được Hoài Ân tổ chức với quy mô lớn hơn nhằm giới thiệu toàn diện tiềm năng, thế mạnh sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Đây cũng là cơ hội để địa phương kết nối với các doanh nghiệp, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cùng địa phương phát triển ngành nông nghiệp gắn với phát triển du lịch và tiêu thụ sản phẩm”, ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân chía sẻ.
Nâng cao giá trị nông sản
Ngày hội nông sản lần thứ II của huyện Hoài Ân là hoạt động tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân; thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa nông dân, cùng gặp gỡ để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong canh tác, sản xuất; đặc biệt là tăng cường kết nối giữa "4 nhà": Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học trong việc liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là điều kiện kết nối giao thương để các doanh nghiệp, doanh nhân và nông dân hợp tác, liên doanh, liên kết trong chuỗi sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thông qua 18 gian hàng với 105 nông sản của địa phương và các đơn vị trong tỉnh được trưng bày.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp là trong những năm qua, huyện Hoài Ân đã tăng cường đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình được xây dựng theo hướng nông nghiệp sạch với sự đầu tư lớn như: Hệ thống giám sát quá trình phát triển của cây trồng; hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm; hệ thống tưới châm phân tự động; bón phân vi sinh...
Qua những chuyến công tác về Hoài Ân, chúng tôi nhận thấy từ lãnh đạo đến cán bộ các ngành chuyên môn và nông dân có tiếng nói chung trong phát triển nông nghiệp. Ngành chuyên môn huyện Hoài Ân thường xuyên cử cán bộ bám sát các mô hình; hướng dẫn các chủ trang trại, gia trại chăm sóc vật nuôi; hướng dẫn nông dân kỹ thuật phòng trừ sâu, bệnh gây hại cây trồng theo hướng đảm bảo sản phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, những năm qua, huyện Hoài Ân đã có định hướng đúng, thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ công tác quy hoạch, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, liên kết sản xuất - tiêu thụ, quảng bá sản phẩm…
“Hoài Ân đã nâng cao giá trị nông sản của địa phương, hỗ trợ nông dân kết nối, tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Đồng thời, nhận thức của người nông dân và nhà sản xuất được nâng cao; chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu các cơ quan quản lý, đặc biệt là nhu cầu của khách hàng. Nhiều mô hình sản xuất cây ăn quả, chăn nuôi hiệu quả được triển khai rộng rãi”, ông Nguyễn Tuấn Thanh ghi nhận.