Tỷ phú Bắc Giang, trên nuôi lợn, dưới thả cá, hễ bán 1 con lợn lãi ngay 3 triệu
15:30 - 02/07/2025
Nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Thái Đào, huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) đã mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi lợn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Lê Xuân Mười ở thôn Chùa là một trong những hộ nuôi điển hình trong xã, riêng nuôi lợn, anh Mười lãi 1 tỷ/năm.
Giá heo hơi hôm nay 1/7/2025: Đà giảm vẫn diễn ra
Tăng tốc hoàn thiện dữ liệu phục vụ EUDR, bảo đảm xuất khẩu không gián đoạn
Ruộng biết ‘thở’, nông dân đỡ cực
Giá cà phê hôm nay 1/7/2025: Thế giới đồng loạt giảm mạnh
Giới thiệu với chúng tôi mô hình của gia đình mình, anh Mười cho biết năm 2014, anh bắt đầu "khởi nghiệp" với nghề nuôi thủy sản.
Với số vốn khoảng 2 tỷ đồng, anh Mười thầu đất để đào ao thả cá và xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn.
Ban đầu anh nuôi hơn 4 sào thủy sản với đủ các loại cá nước ngọt như cá trắm, cá chép, cá rô phi...
Bên cạnh đó, anh Lê Xuân Mười ở thôn Chùa, xã Thái Đào (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) kết hợp chăn nuôi lợn, duy trì nuôi gối vụ khoảng 100 con lợn mỗi năm.
Năm đầu tiên chăn nuôi thành công khiến anh có thêm động lực để tiếp tục mở rộng quy mô vào những năm tiếp theo.
Tiền thu được anh Mười dùng để tiếp tục sửa ao, xây thêm chuồng trại.
Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích chăn nuôi khoảng 4 mẫu, với 2 ao nuôi cá giống, 2 ao nuôi cá thịt và 3 chuồng lợn được xây kiên cố.Chia sẻ về quá trình chăn nuôi, anh Lê Xuân Mười cho biết, “Để có được những thành công như ngày nay thì cũng gặp không ít những thất bại.
Đặc biệt, như năm 2019 là năm khiến anh "mất trắng" bởi dịch tả lợn châu Phi, lợn trong chuồng nhiễm bệnh và chết hết...".
Theo anh Mười, đợt dính dịch tả lợn châu Phi năm 2019 đó, số tiền vay ngân hàng gần 3 tỷ đồng không biết bao giờ mới trả được.
Nản chí, anh đầu tư mở quán cắt tóc nhỏ. Được thời gian ngắn, anh không duy trì được, với niềm đam mê chăn nuôi anh lại quyết tâm với nghề.
Lần trở lại này, anh cùng với các anh em chăn nuôi trong xã lập hội nhóm nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệp chăn nuôi.
Ngoài ra, anh Mười còn tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi lợn, kỹ thuật nuôi cá của xã, huyện, tỉnh tổ chức để trau dồi thêm kiến thức.
Đối với những ao nuôi cá, định kỳ 1 tuần xử lý đánh men vi sinh một lần, diệt khuẩn 2 lần/tháng.
Đối với chuồng trại chăn nuôi lợn thì anh xây dựng khép kín, chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt, để tăng cường thêm sức đề kháng cho đàn lợn, anh ủ men tỏi trộn cám 03 lần/tuần cho lợn ăn.

Tỷ phú Bắc Giang-anh Lê Xuân Mười giới thiệu về mô hình chăn nuôi của gia đình mình, gồm trên bờ làm chuồng nuôi lợn thịt, dưới ao nuôi cá giống, cá thịt. Mô hình chăn nuôi lợn kết hợp nuôi thủy sản của anh Mười ở thôn Chùa, xã Thái Đào (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).
Anh Mười chia sẻ, từ đầu năm 2024 đến nay, anh thu được hơn 40 tấn cá các loại, với giá bán trung bình từ 40.000-45.000 đồng/kg ...trừ hết chi phí lãi 5- 7 nghìn đồng/kg.
Anh Mười phấn khởi cho biết thêm, tuy đầu năm 2024 chăn nuôi lợn gặp dịch bệnh nhưng nửa cuối năm 2024 đến nay, giá lợn tăng cao nên người chăn nuôi lợn có lãi lớn.
Tính riêng từ đầu năm 2025 đến nay anh xuất bán hơn 100 con lợn thịt, với giá bán 90.000 đồng/kg móc hàm, trừ hết chi phí thu lãi khoảng 3 triệu đồng/con.
Hiện trong chuồng có khoảng 100 con lợn thương phẩm đang đến thời kì xuất chuồng. Nếu giá bán thuận lợi như thời điểm này, từ giờ đến cuối năm, anh thu lãi khoảng 1 tỷ đồng từ chăn nuôi lợn.
Với mong muốn yên tâm chăn nuôi và mở rộng thêm quy mô, anh Mười hi vọng các cơ quan chuyên môn quan tâm, tạo điều kiện để những người chăn nuôi như anh được vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ thêm máy móc, trang thiết bị chăn nuôi để phát triển kinh tế trang trại.
Chị Vũ Thị Dự, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Thái Đào, huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) cho biết, anh Lê Xuân Mười - Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Chùa là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương.
Với tinh thần cần cù, sáng tạo và ham học hỏi, anh đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình chăn nuôi lợn kết hợp nuôi thủy sản. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ bà con trong xã cùng phát triển sản xuất.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng, mỗi năm anh Lê Xuân Mười thu về nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.