Ứng dụng công nghệ, nhãn Sơn La từ

Ứng dụng công nghệ, nhãn Sơn La từ "lép vế" thành cây mũi nhọn

10:07 - 11/10/2024

Đến nay, cây nhãn ở Sơn La đã cho nhiều sản phẩm OCOP; hình thành nhiều làng nghề, hợp tác xã chuyên sản xuất, chế biến sản phẩm từ nhãn; trở thành thế mạnh trong hàng hóa nông sản của tỉnh với tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu lên tới hàng chục ngàn USD/năm. Nhưng sự thăng trầm của cây nhãn Sơn La thì không phải ai cũng biết.

Dự án nuôi trâu, bò sinh sản giúp hộ nghèo, cận nghèo chuyển đổi giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững

Chìm… nổi nhãn Sơn La

Cây nhãn bắt đầu phát triển trên đất Sơn La từ hơn nửa thế kỷ trước bởi những người dân Hưng Yên lên Sơn La xây dựng vùng kinh tế mới. Ngày ấy, việc trồng nhãn ở Sơn La chỉ đơn thuần là "trồng thứ cây đặc sản quê hương Hưng Yên cho đỡ nhớ quê, chứ chẳng ai nghĩ cây nhãn Sơn La sẽ phát triển tới 20.000ha, lớn gấp 4 lần diện tích nhãn toàn tỉnh Hưng Yên, như hiện nay" – ông Dương Tự Thanh, Giám đốc HTX nông nghiệp Toàn Thắng chuyên canh hàng chục ha cây nhãn ở xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, bảo vậy.

 
 
Ứng dụng công nghệ, nhãn Sơn La từ "lép vế" thành cây mũi nhọn - Ảnh 1.

Từ cây nhãn, Sơn La có thêm nhiều sản phẩm OCOP; hình thành thêm nhiều làng nghề, hợp tác xã chuyên sản xuất, chế biến sản phẩm từ quả nhãn tươi. Ảnh: PV Tây Bắc.

Trò chuyện với ông Thanh, tôi chợt nhớ lại câu chuyện của 25 năm về trước, khi tới thăm vườn nhãn của Anh hùng Lao động Quàng Văn Một, cũng trên mảnh đất Sông Mã này. Hôm ấy vào dịp cuối hè, khi vụ nhãn vừa thu hoạch xong, trong vườn nhãn của ông Một đầy những cây nhãn mới bị đốn hạ, lá khô rải khắp vườn. Ông Một bảo: Tôi trồng cả trăm cây nhãn nhưng nay phải đốn bỏ bớt để trồng ngô vì ngô lai bây giờ có giá hơn nhãn rất nhiều.

Cũng vào thời điểm những năm 2000 ấy, tôi có nhiều chuyến công tác vào huyện Sông Mã và cảm nhận được sức vươn của cây nhãn ở vùng đất biên cương này. Nhãn được trồng ở khắp nơi, từ thị trấn tới những xã vùng sâu, vùng cao như: Mường Lầm, Mường Lèo, Mường Lạn… Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sông Mã trong nhiều năm liền cũng xác định cây nhãn là cây trồng chủ lực. Nhưng dù có những chính sách khuyến khích phát triển thì đến 2015, diện tích cây nhãn của huyện Sông Mã cũng mới chỉ đạt hơn 4.000ha với sản lượng quả tươi là hơn 30.000 tấn.

Ứng dụng công nghệ, nhãn Sơn La từ "lép vế" thành cây mũi nhọn - Ảnh 2.

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng nhãn, anh Lường Văn Mười (người mặc áo trắng) - ở xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc 2024. Ảnh: PV Tây Bắc.

Ông Lường Văn È, 70 tuổi, ở bản Huổi Bó, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, kể: Nhà tôi có 5 ha nhãn. Trước đây cũng như nhiều hộ khác trong bản, nhà tôi cũng từng phải chặt bỏ nhãn để trồng ngô vì cây nhãn ngày xưa là giống nhãn cỏ, năng suất không cao, chất lượng cùi cũng kém mà thị trường tiêu thụ thì lại rất hạn chế. "Khi quyết định chặt nhãn để trồng ngô, tôi xót lắm vì mình đã mất bao công chăm bẵm; Nhà nước cũng mất nhiều công vận động, tuyên truyền người dân trồng nhãn. Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại, cái bụng nó có no thì mới làm việc lớn được, thế là chấp nhận phá cả trăm cây nhãn. Nhưng thật may là tôi chỉ cắt cành và giữ lại gốc nhãn nên sau này, khi phục hồi lại vườn nhãn rất thuận lợi".

Ứng dụng công nghệ, nhãn Sơn La từ "lép vế" thành cây mũi nhọn - Ảnh 3.

Nhờ hệ thống mạng internet phát triển, nhiều người trồng nhãn ở Sơn La đã tiếp cận và ứng dụng công nghệ tưới ẩm hiện đại, hiệu quả với chi phí đầu tư, vận hành thấp; giúp nâng cao năng suất lao động và sản lượng, chất lượng trái cây. Ảnh: PV Tây Bắc.

Khoa học công nghệ - giải pháp cho nhãn Sơn La thành hàng hóa

Nói về chuyện phục hồi vườn nhãn, anh Lường Văn Mười (sinh năm 1985) – con trai của ông Lường Văn È, bảo: Năm 2016 -2017, sau khi đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, tôi bắt đầu quay về phục hồi vườn nhãn này của gia đình. Tôi dám quay về nghề trồng nhãn là bởi khi ấy, những nền tảng công nghệ số của Sơn La đã phát triển, cho phép chúng tôi truy cập nhiều thông tin về cây nhãn, về sản phẩm từ nhãn, về thị trường, về phân bón, giải pháp chăm sóc cây trồng, phòng chống bệnh… Những kiến thức ấy không chỉ bó gọn trong nước mà chúng tôi còn có thể tìm hiểu được nhiều khoa học kỹ thuật về cây nhãn; chế biến sản phẩm từ quả nhãn ở nước ngoài để đúc rút bài học cho mình.

Ứng dụng công nghệ, nhãn Sơn La từ "lép vế" thành cây mũi nhọn - Ảnh 4.

Nhiều tiến bộ khoa học của nhiều quốc gia trên thế giới đã được người trồng nhãn ở Sông Mã (Sơn La) ứng dụng vào quá trình canh tác: Lưới chống thấm đàn hồi để tạo ao trữ nước, ống dẫn nước áp lực cao, béc phun... Ảnh: PV Tây Bắc.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn nhãn ghép với những nương nhãn vành khăn, xếp chồng lên nhau bên lưng đồi như ruộng bậc thang, anh Mười bảo: Đến hôm nay, toàn huyện Sông Mã chúng tôi đã có khoảng 8.000ha cây nhãn với sản lượng nhãn quả tươi hàng năm chừng 80.000 tấn quả. Cây nhãn đã thật sự trở thành cây kinh tế chủ lực của huyện miền biên giới này, đã có nhiều hộ dân vươn từ đói nghèo lên thành triệu phú, tỷ phú là nhờ cây nhãn. Gia đình tôi mỗi năm cũng để ra được mấy trăm triệu đồng từ 5ha nhãn. Kết quả ấy có được, phần lớn là nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Chúng tôi dùng mạng internet để tìm kiếm thông tin hữu ích cho việc sản xuất nhãn đạt hiệu quả cao nhất, từ khâu chọn giống, tới qui cách hố trồng cây, khoảng cách giữa các cây, hướng đón nắng trời; cho tới những việc khác như: cách tạo nguồn phân hữu cơ, cách bón phân hữu cơ, cách phòng trừ sâu bệnh hại cây, hại quả, tiêu chuẩn VietGap… đặc biệt là những bí quyết tạo ra nhãn chín sớm, nhãn chín muộn để có nguồn hàng phong phú, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.

Ứng dụng công nghệ, nhãn Sơn La từ "lép vế" thành cây mũi nhọn - Ảnh 5.

Khoa học công nghệ đã giúp người trồng nhãn Sơn La nâng cao thu nhập trên 1 đơn vị diện tích gấp 2 lần nhờ chủ động điều chỉnh được thời gian ra hoa, kết trái nhãn; kéo dài thời gian thu hoạch; vừa đảm bảo năng suất cao; vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: PV Tây Bắc.

Đến với làng nghề chế biến long nhãn Hồng Nam (bản Hồng Nam, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã), gặp anh Đào Mạnh Hồng, Trưởng bản Hồng Nam đang lúi húi kiểm tra những xe hàng nhãn tươi vừa chở đến. Anh Hồng bảo: Đây là nhãn tươi từ bên Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam rồi đưa đến làng nghề Hồng Nam để chế biến thành long nhãn. Nói thế để nhà báo thấy rằng, trình độ chế biến long nhãn của làng nghề chúng tôi không chỉ đạt OCOP 3 sao, 4 sao mà còn đã có tiếng vang sang cả nước ngoài. Long nhãn Sông Mã ngày nào cũng có những chuyến xe xuất ngoại, đó là niềm tự hào của chúng tôi.

Ứng dụng công nghệ, nhãn Sơn La từ "lép vế" thành cây mũi nhọn - Ảnh 6.

Nhãn quả tươi của Sơn La sản xuất theo tiêu chí VietGap, được đóng gói trước khi đưa đi tiêu thụ; vừa đảm bảo về trọng lượng, chất lượng trái cây; vừa giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc hàng hoá Ảnh: PV Tây Bắc.

Nhắc lại với anh Hồng câu chuyện về những mẻ long nhãn đen sì khói bếp năm nào, anh phẩy tay: Chuyện ấy là từ hơn chục năm về trước rồi. Bây giờ khoa học công nghệ phát triển, người làm long nhãn ở Sơn La lại được Nhà nước đầu tư hỗ trợ rất nhiều, từ tập huấn tới trang thiết bị hiện đại nên long nhãn của Sơn La có năm nào bị tồn ứ nữa đâu. Việc ứng dụng công nghệ sấy nhiệt giúp cho long nhãn của chúng tôi không chỉ đẹp về hình thức, ngon về chất lượng mà còn tạo ra năng suất cao, sản lượng lớn, đáp ứng yêu cầu của thị trường hàng hóa nội địa và nước ngoài.

"Sản phẩm OCOP long nhãn của chúng tôi đạt chất lượng cao chính là nhờ một hành trình từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ đều có những ứng dụng công nghệ số, giúp chúng tôi kết nối thông tin rất nhanh và chính xác với những gì chúng tôi cần. Thông qua chuyển đổi số, chúng tôi vừa quảng bá sản phẩm của mình, vừa học hỏi những tiến bộ của sản phẩm khác. Điều đó làm nên sức cạnh tranh cho OCOP Sơn La" – anh Đào Mạnh Hồng khẳng định với chúng tôi như vậy.