Vất vả nghề nuôi ong du mục
10:58 - 25/07/2024
HÀ TĨNH Theo những mùa hoa nở, người làm nghề nuôi ong du mục lại mải miết dẫn ong đi các địa phương.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Những năm gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh xuất hiện nhiều người ở các tỉnh khác về mượn tán rừng để nuôi ong. Sau một thời gian, những người nuôi ong này lại di chuyển sang địa phương khác. Nghề nuôi ong du mục tuy vất vả nhưng mang lại thu nhập cao và ổn định.
Nay đây mai đó
Mới 33 tuổi nhưng anh Lê Phi Long quê ở xã Biển Hồ (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã có 12 năm làm nghề nuôi ong du mục. Hàng năm, cứ đến tháng 4 âm lịch là anh quay lại vùng rừng trồng keo thuộc địa bàn xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) để nuôi ong. Dù cuộc sống nay đây mai đó, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ bề nhưng anh vẫn rất gắn bó, yêu nghề, cố gắng bám trụ để có thêm thu nhập.
Anh Long chia sẻ: Nghề này phải di chuyển nhiều, thường đến những địa bàn xa lạ nên phải tập thích nghi dần với cuộc sống nơi ở mới. Mọi sinh hoạt hàng ngày chỉ trong những lán trại tạm bợ để che mưa che nắng, thiếu thốn đủ bề nhưng bù lại cho thu nhập khá cao và ổn định.
“Nghề này phải ăn ngủ cùng đàn ong để canh giữ, kiểm tra và chăm sóc ong. Mùa cây nhiều hoa đàn ong cho nhiều mật, thời điểm ít hoa người nuôi phải cho ong ăn thêm bột đậu nành và đường, không để ong đói”, anh Long cho biết.
Có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nuôi ong du mục, vượt chặng đường gần 1.000km, ông Vũ Hữu Thuận (sinh năm 1974) đưa hơn 200 tổ ong từ Đắk Lắk ra Hà Tĩnh để nuôi. Những đàn ong được nuôi trong các thùng gỗ đặt thẳng hàng giữa rừng keo ở huyện Hương Sơn.
Ông Thuận chia sẻ, do di chuyển đàn ong theo mùa hoa nên chất lượng mật ong ở mỗi mùa, mỗi thời điểm là khác nhau. Nếu nuôi ong mà không di chuyển theo mùa hoa, để ong cố định một chỗ thì ong sẽ đói, chết nhiều, thậm chí có đàn còn bỏ tổ bay đi.
"Làm nghề này phải theo đàn ong di chuyển khắp các tỉnh, rất ít khi ở nhà. Tôi theo nghề này hơn 10 năm qua, công việc tuy vất vả nhưng cũng cố gắng làm để kiếm thêm thu nhập. Ra đây từ tháng 4 đến tháng 10, mỗi mùa hoa sẽ thu về khoảng vài chục tấn mật. Mật khi thu hoạch xong công ty sẽ về mua tại chỗ. Năm nay thời tiết thuận lợi nên mật đạt chất lượng cao", ông Thuận nói.
Thu nhập cao và ổn định
Những người nuôi ong cho biết, từ tháng 4 hàng năm, họ bắt đầu đưa ong ra vùng miền Trung, miền Bắc. Thời điểm này nhiều loài hoa nở nên rất thuận lợi để ong làm mật. Đến cuối tháng 10 (dương lịch) khi hết mùa hoa, trời chuyển lạnh, đàn ong lại được họ di chuyển vào Tây Nguyên để nuôi, phòng tránh thiệt hại do mưa bão, giá rét thường xảy ra ở Hà Tĩnh.
Đầu tháng 4 năm nay, anh Trần Đăng Phong quê ở tỉnh Hà Nam đã theo bố di chuyển những đàn ong đến vườn keo ở xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Anh Phong cho biết, gia đình có truyền thống làm nghề nuôi ong chạy vườn nên khi học xong THPT anh liền theo bố nối nghiệp. Thời điểm này, bố đang về quê, chỉ còn một mình anh ở lại trông coi ong.
Theo anh Phong, cứ 15 ngày là có thể thu hoạch được một lần mật ong, với 350 tổ ong hiện có, anh có thể thu được 1 tấn mật/tháng, trừ chi phí vẫn cho lãi 13 - 15 triệu đồng/tháng.
Những người theo nghề nuôi ong du mục thuộc nằm lòng những mùa hoa nào cho mật thơm ngon, những mùa hoa nở, những vùng đất nào có thể đến.
Theo anh Phong, hết mùa mật keo ở Hà Tĩnh sẽ đến mùa mật cao su, cà phê ở Tây Nguyên, mùa hoa nhãn, hoa vải lại quay ra miền Bắc. Thường các trại ong thường đóng gần nhau để hỗ trợ nhau quay mật nhằm tiết kiệm chi phí, nếu các trại xa nhau thì phải thuê nhiều lao động địa phương để kịp tiến độ.
Đến mùa hoa, những người nuôi ong du mục lại vượt cả ngàn km để đến vùng đất mới. Họ cần mẫn, lặng lẽ dâng cho đời hương thơm mật ngọt, thứ quà tặng tinh khiết nhất của tự nhiên. Năm nay, người nuôi ong du mục phấn khởi bởi thời tiết khá thuận lợi, mật ong được mùa, giá bán ổn định hơn so với các năm trước.
Theo người nuôi, công đoạn lấy mật cũng khá cầu kỳ. Sau khi sáp phủ kín khoảng 2/3 khay, người nuôi phải dùng biện pháp xông khói để đuổi ong đi, chu kỳ lấy mật phụ thuộc theo thời tiết, thường kéo dài 10 - 15 ngày/lần.
Theo kinh nghiệm của những người nuôi ong du mục, ngoài yếu tố thời tiết, khu rừng nhiều hoa cho đàn ong lấy mật thì việc chọn hướng đặt thùng gỗ tránh gió lùa, tránh côn trùng gây hại rất quan trọng giúp đàn ong sinh trưởng, phát triển tốt. Dưới tán rừng keo mát mẻ là nơi lý tưởng để đặt thùng gỗ nuôi ong. Đặc biệt, khác với các loài hoa, cỏ cây thảo mộc, cây keo tiết mật từ lá non, rất thuận lợi cho ong lấy mật.
Mật ong nuôi dưới tán rừng cho năng suất và chất lượng cao, cần khuyến khích phát triển. Bên cạnh đó, thời kỳ thu hoạch mật ong, nhiệt độ ở tỉnh Hà Tĩnh phổ biến từ 37 đến 38 độ C, có nơi trên 39 độ C, nắng nóng gay gắt. Vì vậy, lực lượng kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh luôn đẩy mạnh tuyên truyền người nuôi ong du mục thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng, không mang lửa vào rừng để đảm bảo an toàn tài sản, nhất là ở những khu vực rừng trọng điểm, dễ cháy.
Dù vất vả nay đây mai đó, sống xa nhà nhưng nghề nuôi ong du mục đang là nghề mưu sinh chính của các hộ dân ở các tỉnh như Hà Nam, Thanh Hóa, Gia Lai… Vì vậy cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng vừa tăng cường quản lý, vừa tạo điều kiện để họ phát triển nghề một cách thuận lợi.