Về hưu, một cựu lãnh đạo xã ở Thái Nguyên trồng cây dược liệu mở được

Về hưu, một cựu lãnh đạo xã ở Thái Nguyên trồng cây dược liệu mở được "cửa" giảm nghèo cho bà con

09:56 - 16/05/2025

Sau nhiều năm trăn trở, nghiên cứu, khi đã ở tuổi nghỉ hưu ông Phạm Thanh Sao (xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) mới quyết định bắt tay vào trồng cây dược liệu, mở ra hướng phát triển kinh tế và thoát nghèo cho nhiều bà con trong vùng.

Krông Nô chuyển mình từ nông nghiệp truyền thống sang công nghệ cao
Thanh Hóa: Tới vụ thu hoạch, lúa vẫn thẳng đơ
Chăn nuôi Thái Nguyên nổi bật nhờ công nghệ: [Bài cuối] Công nghệ số thúc đẩy chuyển dịch xanh
Thị trường nông sản Việt đa kênh, đa hướng: [Bài 7] Chế biến sâu, đi đâu cũng dễ
Lươn Việt Nam chinh phục thị trường khó tính

Trăn trở tìm hướng đi phát triển kinh tế cho người dân

Năm 1984, ông Phạm Thanh Sao cùng gia đình từ Hưng Yên lên vùng đất Thái Nguyên để học tập và lập nghiệp tại đây. Năm 1991 sau hai năm xuất ngũ trở về địa phương, ông Sao được tín nhiệm bầu giữ vị trí Bí thư đoàn thanh niên xã Cây Thị.

Ông Phạm Thanh Sao luôn đau đáu với nỗi niềm làm sao để giúp bà con trong vùng có cuộc sống khấm khá hơn. Ảnh: Hà Thanh

Rồi lần lượt những năm sau đó, ông đảm nhiệm các chức vụ như: Phó Bí thư Thường trực, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Cây Thị.

Suốt gần 40 năm công tác và đảm nhiệm các chức vụ quan trọng tại địa phương, trong trái tim người cán bộ ấy luôn đau đáu một nỗi niềm làm sao để đời sống của bà con bớt đi những nhọc nhằn, trở nên khấm khá hơn.

Ông Sao thấu hiểu sâu sắc những khó khăn mà người dân nơi đây phải đối mặt. Bà con nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Dao, Sán Dìu…

Với tập quán canh tác lạc hậu, bà con thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, và đặc biệt là việc mất niềm tin về những mô hình kinh tế thất bại trong quá khứ đã khiến bà con trở nên e dè, khó thay đổi tư duy.

Ông biết rằng, để lay chuyển được điều đó, cần phải có một hướng đi thực sự hiệu quả, một mô hình kinh tế mà chính họ có thể nhìn thấy, sờ thấy những thành quả rõ rệt.

Cơ hội thoát nghèo cho nhiều bà con đồng bào dân tộc

Ở tuổi nghỉ hưu, khi nhiều người lựa chọn an nhàn tuổi già bên con, cháu thì ông Sao lại lựa chọn cho mình một lối rẽ khác biệt đó là gắn bó với nông nghiệp sạch, với cây dược liệu – niềm đam mê mà ông vẫn ấp ủ bấy lâu.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Sao cho biết: “Trước đây khi tôi còn công tác, nhận thấy vùng đất Cây Thị có điều kiện tự nhiên và nhiều tiềm năng trong việc phát triển các loài cây dược liệu.

Bởi vậy, tôi đã vận động bà con trong vùng cùng nhau phát triển mô hình nhưng do thời điểm trước đó, người dân ở đây cũng trải qua nhiều mô hình thất bại vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm nên họ dần mất niềm tin”.

Năm 2023, khi chính thức nghỉ hưu, ông Sao có thêm thời gian để nghiên cứu sâu hơn về tiềm năng của cây dược liệu. Ước mơ ấp ủ bấy lâu thôi thúc ông hành động.

 

Năm 2024, ông tìm đến sự tư vấn của các chuyên gia, cẩn trọng lấy mẫu đất đi xét nghiệm và phân tích kỹ lưỡng. Kết quả cho thấy, thổ nhưỡng nơi đây phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây dược liệu quý.

Thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên ở vùng đất Cây Thị rất thích hợp cho việc trồng và phát triển các loài cây dược liệu. Ảnh: Hà Thanh

Với niềm tin và quyết tâm cao, tháng 3/2025, trên mảnh đất đồi rộng 1ha của gia đình, ông Sao mạnh dạn thuê thêm 3ha đất của bà con trong vùng.

Sau đó, ông thuê người cải tạo đất, ủ phân hữu cơ, và lựa chọn cây hà thủ ô đỏ – một loại dược liệu quý có giá trị kinh tế cao để bắt đầu hành trình hiện thực hóa giấc mơ của mình.

Đặt chân đến khu vườn dược liệu của ông Sao tại xóm Cây Thị (xã Cây Thị) trước mắt chúng tôi là màu xanh mướt trải dài trên những triền đồi, thửa ruộng.

Những cây hà thủ ô non tơ đang vươn mình mạnh mẽ, xen lẫn giữa những hàng đỗ đen được trồng theo phương pháp hữu cơ.

Chỉ sau hai tháng xuống giống, sức sống mãnh liệt của những mầm cây đã minh chứng cho sự lựa chọn đúng đắn và tâm huyết của người cựu lãnh đạo xã ấy.

Khu vườn dược liệu trồng hà thủ ô xen canh đỗ đen xanh mướt mắt tại xã Cây Thị của ông Sao. Ảnh: Hà Thanh

Ông Sao dẫn chúng tôi đi tham quan khắp khu vực trồng hà thủ ô, vừa đi ông vừa chia sẻ say sưa về cơ duyên cũng như những dự định sắp tới của mình khi bắt tay vào phát triển mô hình này.

Ông tâm sự: “Bố tôi trước đây từng là một đông y với rất nhiều tâm huyết về cây dược liệu. Do đó, từ những năm 1975 ông cụ đã tiến hành trồng nhiều loại cây dược liệu khác nhau rồi. Từ kinh nghiệm của thế hệ trước để lại, tôi cũng phần nào học hỏi được đôi chút, và niềm đam mê với cây dược liệu trong tôi cũng dần được nhen nhóm”.

Với 4ha hà thủ ô hiện tại, đã có đơn vị đặt cọc và ký hợp đồng cam kết nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm của ông Sao sau khi thu hoạch.

Đây là một tín hiệu vô cùng tích cực, giúp ông hoàn toàn yên tâm tập trung vào việc chăm sóc cây trồng, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo đúng cam kết.

Theo tính toán ban đầu, chi phí đầu tư cho mỗi hecta hà thủ ô vào khoảng 900 triệu đồng, một con số không nhỏ nhưng hoàn toàn xứng đáng với tiềm năng lợi nhuận mà cây dược liệu này mang lại.

 
Những hàng đỗ đen xanh mướt xen giữa những luống hà thủ ô. Ảnh: Hà Thanh

Để đủ nhân công chăm sóc diện tích cây dược liệu, trước đó tháng 3/2024 ông Sao đã thành lập HTX Thanh Sao Ánh Tuyết với 22 thành viên là người dân địa phương, cùng tham gia liên kết sản xuất.

Hiện nay, ông đang sử dụng khoảng 6 – 7 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình của người lao động từ 9 – 10 triệu đồng/người/tháng, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đây là một sự thay đổi lớn, mang đến nguồn thu nhập ổn định và cải thiện đáng kể đời sống của nhiều hộ gia đình.

Ông Sao cẩn thận giải thích về đặc tính sinh trưởng của cây hà thủ ô. Loại cây này ít sâu bệnh, không chịu được ngập úng nhưng lại đòi hỏi độ ẩm ổn định để phát triển tốt nhất. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn nước tưới tiêu luôn được ông đặc biệt chú trọng.

Ông Sao đang sử dụng khoảng 6 - 7 lao động thường xuyên cho việc chăm sóc vườn cây dược liệu. Ảnh: Hà Thanh

Ông Sao không giấu nổi niềm vui và sự lạc quan về thành công của mô hình sẽ mở ra cơ hội thoát nghèo cho bà con trong vùng. Ảnh: Hà Thanh

Theo các nhà khoa học phân tích, cây hà thủ ô sẽ được thu hoạch củ sau khoảng thời gian từ 3,5 – 7 năm.

Giá bán củ hà thủ ô hiện tại trên thị trường dao động từ 100.000 – 120.000đ/kg cho thấy tiềm năng kinh tế mà cây dược liệu này mang lại là vô cùng lớn.

Ông Sao không giấu được sự lạc quan khi chia sẻ: “Nếu mô hình này thành công, nó sẽ thực sự mở ra một hướng đi mới hiệu quả, mang đến cơ hội thoát nghèo bền vững cho bà con trong vùng.”

Khi mô hình đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, ông Sao dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất lên tới vài chục, thậm chí hàng trăm hecta ứng với từng giai đoạn. Đây sẽ là cơ hội để sử dụng nguồn lực lao động dồi dào tại địa phương, giúp giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người.

Không dừng lại ở việc trồng và thu hoạch nguyên liệu thô, ông Sao còn ấp ủ kế hoạch sẽ đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất để chế biến sâu các sản phẩm từ hà thủ ô như trà hà thủ ô. Việc chế biến sâu không chỉ giúp gia tăng giá trị sản phẩm mà còn mở ra những kênh tiêu thụ mới, ổn định và bền vững hơn.