Việt Nam có tiềm năng lớn để xuất khẩu gạo thơm sang khu vực Âu Mỹ
21:17 - 22/05/2024
Mặc dù khu vực Âu Mỹ (Châu Âu - Châu Mỹ) không phải là thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm của Việt Nam, tuy nhiên có nhiều tiềm năng, đặc biệt là đối với các loại gạo thơm, gạo đặc sản có thương hiệu như ST24, ST25 và các sản phẩm chế biến từ gạo như phở, bún, bánh đa.
Trồng măng tre hữu cơ, vừa dễ, vừa kiếm bộn tiền
"Mai vàng mùa nước nổi" thực ra là thứ rau dại gì mà ở Long An dân đi hái bán đắt vẫn khối người mua?
Các tỉnh Tây Nguyên vẫn tăng giá tiêu ầm ầm, duy nhất giá tiêu của Bà Rịa - Vũng Tàu giảm
Tiêu thụ chè trong nước bằng 1/3 lượng xuất khẩu nhưng mang lại giá trị cao hơn
Đó là nhận định của đại diện Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) tại hội nghị "Đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý 1 năm 2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới" do Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại TP.Cần Thơ.
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, mặc dù khu vực Âu Mỹ (Châu Âu - Châu Mỹ) không phải là thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm, tuy nhiên hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai.
Đặc biệt, EU là thị trường còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam bởi hàng năm tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU đạt khoảng 3-4 triệu tấn (theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu – Eurostat), trong khi lượng xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới chỉ chiếm một phong rất nhỏ, khoảng 3,1%.
Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ cho hay, đây là khu vực mà Việt Nam có thể tận dụng nhiều ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết như EVFTA, UKFTA hay CPTPP khi một số đối thủ chính như Ấn Độ, Thái Lan không được hưởng các ưu đãi về thuế.
Là thị trường tiềm năng nhưng khu vực Âu Mỹ được đánh giá là rất khắt khe và khó tính nhất là đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm dùng cho người. Đặc biệt là các thị trường như Hoa Kỳ hay EU có rất nhiều quy định và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón, tiêu chuẩn xã hội...
Đặc biệt, phải luôn kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Khi thu hoạch, gạo không dùng chất tạo màu, tạo mùi, bảo quản, tẩy trắng...
Những tiêu chuẩn này thường xuyên được cập nhật theo hướng ngày càng nâng cao và khắt khe hơn. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải theo dõi chặt chẽ và nắm bắt các thông tin, chính sách, quy định của thị trường.
Đây được coi là rào cản lớn với xuất khẩu gạo của Việt Nam do phải tốn thêm nhiều chi phí cho việc tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn dẫn đến giảm sức cạnh tranh.
"Gạo Việt Nam khó cạnh tranh về giá và mẫu mã với các đối thủ chính ở phân khúc phổ thông, trước những quốc gia đã có mặt tại thị trường này từ rất lâu và chiếm phần lớn thị phần như Thái Lan và Ấn Độ. Vì vậy, để tiếp tục khai thác có hiệu quả và mở rộng thị trường cho xuất khẩu gạo sang khu vực Âu Mỹ cần phát triển theo hướng trở thành nhà cung cấp phân khúc gạo cao cấp" - ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ cho hay.
Cụ thể, theo ông Linh, cần tập trung xuất khẩu sang khu vực Âu Mỹ các loại gạo thơm, giá trị cao, đặc sản có thương hiệu của Việt Nam như ST 24,25 và phát triển các sản phẩm chế biến từ gạo như phở, bún, bánh đa.
Từ các báo cáo cho thấy, xuất khẩu gạo sang khu vực Âu Mỹ chỉ chiếm 1 tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch. Tuy nhiên, có xu hướng tăng dần.
Tổng kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang khu vực Âu Mỹ trong năm 2023 đạt 283 triệu USD, tăng 15,7% so với năm trước. Trong 3 tháng đầu năm 2024, có sự tăng đột biến, đạt 181,2 nghìn tấn, trị giá 135,9 triệu USD, tăng 218,3% so với cùng kỳ.
Có được sự tăng đột biến này là do quý I/2024, xuất khẩu gạo sang thị trường Cuba đạt 82,9 triệu USD, tăng 492,1%, chiếm tỷ trọng 61,0% tổng xuất khẩu sang khu vực châu Âu - châu Mỹ. Trước đó, quý I năm 2023, xuất khẩu sang Cuba chỉ đạt 14 triệu USD.