Việt Nam đang có bộ giống lúa hội tụ đủ 5 tiêu chí, là mơ ước của nhiều quốc gia
09:40 - 14/06/2024
Trong công tác nghiên cứu giống cây trồng của Việt Nam thì nghiên cứu giống lúa gặt hái thành công nhất, đóng góp nhiều thành tựu rực rỡ cho ngành lúa gạo. Kết quả đó là sự nỗ lực của cả chuỗi từ nghiên cứu, sản xuất, thương mại hoá giống lúa, đưa những hạt giống tốt đến tay người nông dân...
Giá tiêu còn giữ ở mức cao nhưng coi chừng những rủi ro khó lường
Thái Nguyên: Trên trồng cây ăn quả, dưới thả gà, cây tốt, quả ngọt, cỏ dại biến đi đâu?
Cơ hội mới giữa những thách thức của xuất khẩu cá tra Việt Nam
Giá cà phê tăng vọt, Đắk Nông lập đỉnh mới, gián đoạn nguồn cung lớn từ Brazil và Việt Nam
Đó là đánh giá của ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) tại buổi Toạ đàm "Kết nối và hợp tác công tư trong nghiên cứu chọn tạo và thương mại giống lúa", do Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (Vietrisa), Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (Vsta) và Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức tại tỉnh Thái Bình ngày 31/5.
Việt Nam sở hữu bộ giống lúa nhiều quốc gia "mơ ước"
Theo tài liệu tại Toạ đàm, giống là một trong những khâu quan trọng nhất trong canh tác lúa. Việc chọn tạo giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa luôn được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đầu tư, giao các Viện nghiên cứu của nhà nước thực hiện, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp và tư nhân tham gia nghiên cứu chọn tạo và thương mại hóa giống lúa.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ tháng 6/2014 đến 31/12/2019 đã có 119 giống lúa được công nhận giống quốc gia, hiện vẫn đang được thương mại hóa ra sản xuất. Từ 1/1/2020 đến nay (28/5/2024), có tổng cộng 267 giống lúa được công nhận theo Luật Trồng trọt, trong đó: Công nhận lưu hành 152 giống; gia hạn công nhận lưu hành: 82 giống và công nhận đặc cách: 33 giống lúa.
Việt Nam đang có bộ giống lúa rất đa dạng, đồng thời chất lượng giống ngày được nâng cao. Điều tra của Cục Trồng trọt, tổng diện tích lúa thuần tẻ gieo cấy trong cả nước năm 2015 đạt khoảng 6,821 triệu ha. Hầu hết các giống lúa gieo trồng lớn trong thời kỳ này như IR50404, OM6976, OM4900, Khang dân 18…, tuy có năng suất khá nhưng chất lượng gạo không cao.
Đến năm 2024, giống lúa chất lượng đã chiếm ưu thế trong sản xuất, như: Đài Thơm 8, OM18, OM5451, TBR225, RVT, ĐS1, ST24, ST25… Giống chất lượng gạo thấp IR50404 từ chỗ trên 1,3 triệu ha năm 2015 ở ĐBSCL giảm xuống còn 176.000ha năm 2023.
Tương tự, giống lúa Khang dân 18 không còn chiếm ưu thế ở Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, thay vào đó là các giống lúa thuần chất lượng: TBR225, Thiên ưu 8, Đài Thơm 8, HT1, Bắc thơm 7, các giống Japonica, lúa lai chất lượng Thái Xuyên 111, Lai thơm 6...
Cục Trồng trọt đánh giá, Việt Nam đang có bộ giống lúa hội đủ các tiêu chí: Ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh tốt, khả năng thích ứng rộng, năng suất cao, chất lượng tốt, là mơ ước của nhiều nước trong khu vực.
Đồng thời với sự dịch chuyển bộ giống lúa chất lượng cao, giá gạo của Việt Nam hiện đã thuộc top đầu thế giới. Theo các thông tin thị trường, 3 loại gạo chất lượng Đài Thơm 8, OM18 và OM5451 chiếm tới 52% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2023.
Việc hợp tác công tư trong nghiên cứu chọn tạo và thương mại giống lúa cũng ngày một phát triển. Nhiều giống lúa của các viện nghiên cứu đã được chuyển nhượng, chuyển giao cho doanh nghiệp, từ đó nhanh chóng được thương mại hóa ra sản xuất và góp phần vào thành tựu xuất khẩu gạo ra nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Nhiều vướng mắc trong hợp tác giữa công và tư trong nghiên cứu, chuyển giao giống lúa
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu tham gia Toạ đàm, chuỗi sản xuất lúa gạo của nước ta đang còn nhiều vướng mắc. Bà Trần Kim Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Vinaseed cho biết, các giống lúa tốt cần có các doanh nghiệp để đưa vào thực tiễn, tuy nhiên từ chính sách cho tới thực tiễn đang có độ trễ so với mong muốn của doanh nghiệp.
"Nếu không có doanh nghiệp tham gia, không thể chuyển giao được giống lúa chất lượng thành công ra thị trường. Việc hợp tác công tư với mục tiêu huy động nguồn lực, tạo ra sự kết nối giữa doanh nghiệp, thị trường, và thời gian qua Vinaseed đã mua đứt bán đoạn nhiều giống lúa để đưa ra thị trường, tham gia nhiều dự án nghiên cứu khoa học công nghệ về giống lúa. Thậm chí chúng tôi hỗ trợ toàn bộ chi phí công nhận giống để mình có quyền được "ưu tiên" trong hợp tác sản xuất kinh doanh".
Tuy nhiên, bà Liên cho biết, các hình thức hợp tác công - tư giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu đang phụ thuộc vào Nghị định số 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ về "Quy hoạch việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước". Điều này khiến các doanh nghiệp không có quyền sở hữu các giống lúa, dù họ có đóng góp vào quá trình nghiên cứu.
Bà Trần Kim Liên cho rằng, cả doanh nghiệp lẫn các viện nghiên cứu đều rất mạnh dạn hợp tác công - tư nhưng đến nay chúng ta vẫn thiếu hành lang pháp lý cụ thể cho việc hợp tác này. Từ năm 2018 đến nay, các viện không thể chuyển giao bản quyền giống cây trồng cho doanh nghiệp dù doanh nghiệp có tham gia vào quá trình nghiên cứu. Thay vào đó chỉ là hình thức chuyển giao quyền sản xuất kinh doanh.
"Rủi ro sinh ra khi chưa có hành lang pháp lý cụ thể, khi các cơ quan thuế, kiểm toán vào làm việc thì hợp đồng có thể bị hủy", bà Liên nêu vấn đề. Thêm vào đó, tất cả các hợp đồng "mua đứt bán đoạn" giống cây trồng trước năm 2018 đang gặp khó khăn trong việc gia hạn hưu lành, có thể dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp bị mất giống.
"Khi nhiều bên cùng tham gia vào thì sẽ rất khó tìm tiếng nói chung, có vấn đề không ai chịu trách nhiệm. Vận dụng cơ chế chính sách chưa thông thoáng thì doanh nghiệp rất khó mạnh dạn đổi mới, ứng dụng cái mới và giống mới. Do đó, các cơ quan quản lý cần có chủ trương, chỉ đạo, hướng dẫn các viện nghiên cứu hướng xử lý đối với các giống cây trồng đã bán trước khi thi hành Nghị định số 70/2018/NĐ-CP" - bà Liên đề nghị.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch HĐQT Vinaseed, các cơ quan quản lý cần sớm ban hành các doanh mục quyết định giao quyền giống cây trồng cho các đơn vị. Từ danh mục đó, doanh nghiệp sẽ nắm được các trình tự, thủ tục để tham gia vào quá trình hợp tác, chuyển giao công nghệ.
"Các cơ quan quản lý cần công khai việc chuyển giao công nghệ để các doanh nghiệp có điều kiện tham gia vào quá trình thương mại hóa các thành tựu nghiên cứu về giống lúa", bà Trần Kim Liên nhấn mạnh.
Liên quan vấn đề này, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, trong thập kỷ qua, ThaiBinh Seed đã chủ trì và phối hợp thực hiện 45 đề tài, dự án cấp quốc gia, cấp bộ, tỉnh, sử dụng ngân sách gần 200 tỷ đồng. Ngoài ra, có khoảng 20 đề tài cấp doanh nghiệp với ngân sách khoảng 8 - 10 tỷ đồng/năm.
Cùng với đó, đến nay, ThaiBinh Seed đã được công nhận chính thức 20 giống cây trồng mới phục vụ sản xuất. Với bộ giống phong phú, đa dạng, Thaibinh Seed đã góp phần thay đổi cơ cấu giống lúa ở khu vực ĐBSH, đặc biệt có nhiều giống lúa chống bệnh đạo ôn, bạc lá, gãy đổ - đây là 3 vấn đề mà nông dân trồng lúa sợ nhất.
"Hiện chúng tôi đang nghiên cứu các giống lúa chống chịu biến đổi khí hậu rất tốt, nhất là có khả năng chống đổ ngã tốt, đồng thời xây dựng quy trình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính, phát triển hợp tác công tư với một số tổ chức để phổ biến quy trình này. Tuy nhiên thực tế cho thấy, trong quá trình thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu khoa học, hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc" - ông Báo nói.
"Việc thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu giữa các viện và doanh nghiệp đang rất vướng. Các doanh nghiệp nông nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp làm giống đang gặp khó khăn trong việc đổi mới khoa học công nghệ do hạn chế về nguồn lực kinh tế, kiến thức, nhân lực, trình độ và công nghệ. Đặc biệt việc bảo vệ thương hiệu rất khó khăn. Mạng xã hội bán giống giả rất nhiều, tôi được biết nhiều người quảng cáo bán giống ngô F1 nhập từ Nhật Bản, nhưng thực ra làm gì có.
Bên cạnh đó, hiện tượng bán bao trắng, không thương hiệu không nhãn hiệu vẫn tồn tại khá phổ biến ở ĐBSCL. Còn ở miền Bắc, cũng rất nhiều nơi mua giống lúa xác nhận về, gieo giống rồi bán lại cho nông dân. Ở nước ngoài không được phép làm như vậy, nhưng nước ta thì chưa có cách nào xử lí. Do không bảo vệ được thương hiệu, thì về lâu về dài doanh nghiệp sẽ không ai muốn làm, không thể nào "sống" nổi nếu cạnh tranh bán giống kiểu này" - ông Trần Mạnh Báo nêu vấn đề.
Thêm nữa, việc thực hiện các đề tài, dự án có hỗ trợ ngân sách nhà nước còn nhiều thủ tục phức tạp, cơ chế tài chính chưa khuyến khích nghiên cứu và phát triển. Do hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa thông suốt nên mỗi nơi thực hiện một kiểu.
Để minh bạch cơ chế hợp tác công - tư, Chủ tịch ThaiBinh Seed kiến nghị, thứ nhất, nhà nước phải tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, bởi không có khoa học công nghệ thì không thể phát triển được. Thứ hai, cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế hợp tác công tư, chính sách về thực hiện các nhiệm vụ khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu.
"Các nhà khoa học không có nhiều kinh nghiệm làm thương mại giống, vì vậy tôi cho rằng chúng ta nên khoán sản phẩm khoa học công nghệ. Ví dụ chuyển giao 1 giống cây trồng chiếm bao nhiêu diện tích, thì trả thù lao tương ứng với diện tích đó là xong, sẽ gọn nhẹ và tạo động lực cho tất cả các bên" - ông Báo nói.