Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu gạo vào Singapore

Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu gạo vào Singapore

12:35 - 01/05/2024

Việt Nam xuất khẩu gạo sang Singapore từ lâu, nhưng luôn đứng sau một số nguồn cung khác. Đầu năm nay, gạo Việt Nam đã chiếm vị trí số 1 tại thị trường này.

 

Vùng khó Kông Chro phát triển mạnh cây ăn quả đặc sản
Nâng cao sức khỏe cây trồng góp phần chuyển đổi hệ thống thực phẩm
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông tin về kết quả xác minh lô hàng sầu riêng phía Trung Quốc cảnh báo
Giá cà phê ngày 21/5: Giá cà phê giảm nhẹ so với phiên trước, thực hư thông tin tồn kho cà phê tăng?
Giá hạt tiêu lại tăng cao kỷ lục, nguồn cung tiêu hạn chế trên toàn cầu
Thu hoạch lúa ở Long An. Ảnh: Sơn Trang.

Thu hoạch lúa ở Long An. Ảnh: Sơn Trang.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, thống kê của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị nhập khẩu gạo của Singapore đạt gần 113 triệu đô la Singapore (SGD), tăng 24% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, gạo Việt Nam nhập khẩu vào Singapore đạt 36 triệu SGD, tăng 80% so với cùng kỳ 2023.

Với kim ngạch như trên, gạo Việt Nam đang chiếm 32% tổng giá trị nhập khẩu của Singapore trong quý I năm nay và đứng ở vị trí số 1 trong số những nước xuất khẩu gạo vào thị trường này. Đứng sau Việt Nam là Ấn Độ (34 triệu SGD) và Thái Lan (33 triệu SGD). Như vậy, đây là lần đầu tiên Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore. Gạo Việt Nam, gạo Ấn Độ và gạo Thái Lan hiện đang chiếm 91% thị phần gạo tại Singapore.

Lâu nay, Ấn Độ thường là nguồn cung gạo trắng lớn nhất cho thị trường Singapore. Đây cũng là loại gạo xuất khẩu truyền thống của Việt Nam đi các thị trường, trong đó có thị trường Singapore. Việc Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo ngoài basmati từ ngày 20/7/2023 đã được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt để gia tăng thị phần và giá trị xuất khẩu gạo trắng sang Singapore.

Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã mở rộng thành công thị trường Singapore sang các mặt hàng gạo khác như gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ. Bằng chứng là trong quý I năm nay, ở các mặt hàng gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ, Việt Nam đã vươn lên chiếm lĩnh phần lớn thị phần tại Singapore, lần lượt đạt 80% và 73%. Đây là nhân tố chính đưa Việt Nam vượt qua Thái Lan và Ấn Độ trở thành quốc gia chiếm thị phần gạo lớn nhất tại Singapore.

Một loại gạo trắng xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Sơn Trang.

Một loại gạo trắng xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Sơn Trang.

Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore, cho biết, chiều hướng tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu gạo của Singapore từ năm 2023 tiếp tục được duy trì trong 3 tháng đầu năm 2024 do 2 nguyên nhân chính là lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và sự phục hồi nhanh lượng du khách du lịch đến Singapore.

Xét về khối lượng, tổng lượng nhập khẩu 9 loại gạo chính của Singapore ước tính đạt hơn 110 nghìn tấn, tăng 6,15% so với cùng kỳ năm 2023. Về cơ cấu thị phần của các mặt hàng gạo, gạo trắng chiếm thị phần lớn nhất (25%), tiếp đến là gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (chiếm 22%), gạo đồ (chiếm 20%), gạo trắng Hom Mali (chiếm 16%). Các mặt hàng gạo khác chia đều phân khúc còn lại.

Tại thị trường Singapore, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản đang là các đối thủ cạnh tranh lớn nhất của gạo Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ gần như chiếm lĩnh tuyệt đối thị trường gạo đồ (chiếm 99%) và gạo basmati xay xát hoặc tróc vỏ (chiếm 96%). Thái Lan chiếm thị phần lớn nhất ở gạo lứt Hom Mali (98%), gạo trắng Hom Mali (97%), gạo vỡ (68%). Với nhóm gạo lứt thường, Nhật Bản là nước chiếm thị phần lớn nhất (72%).

Công tác xúc tiến thương mại đã góp phần không nhỏ vào thành công của gạo Việt Nam ở Singapore. Theo ông Cao Xuân Thắng, thời gian vừa qua Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày sản phẩm, tăng sự hiện diện mặt hàng gạo Việt Nam tại địa bàn; hỗ trợ đưa đoàn doanh nhân Singapore tham gia các hoạt động xúc tiến mặt hàng gạo tại Việt Nam.

Việc xúc tiến thương mại gạo tới các thị trường, trong đó có thị trường Singapore, cũng đang là mối quan tâm hàng đầu ở các tỉnh xuất khẩu gạo hàng đầu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương Long An, cho biết, năm 2023, Long An xuất khẩu trên 920 nghìn tấn gạo, tăng 55% về lượng so với năm 2022. Gạo Long An đã xuất khẩu sang khoảng 40 thị trường như Hong Kong, Singapore, Philippines... với các loại gạo chính là gạo thơm, gạo trắng, gạo nếp và gạo Japonica.

Xuất khẩu gạo của Long An trong thời gian qua có sự hỗ trợ tích cực từ các hoạt động xúc tiến thương mại. Trong năm 2023, các Thương vụ Việt Nam ở Singapore, UAE, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã đưa nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến Long An để kết nối giao thương nhiều loại hàng hóa khác nhau, trong đó có mặt hàng gạo. Vì vậy, trong năm 2024, Long An đã sẵn sàng phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam ở các nước đón các đoàn doanh nghiệp nước ngoài tới tỉnh này để kết nối giao thương.

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa đông xuân 2023 - 2024. Ảnh: Sơn Trang.

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa đông xuân 2023 - 2024. Ảnh: Sơn Trang.

Tuy nhiên, các nước Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ cũng rất quan tâm đầu tư vào việc quảng bá hình ảnh sản phẩm cũng như có thỏa thuận với các đơn vị nhập khẩu, phân phối Singapore về việc giữ tên, thương hiệu hàng hóa. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có tiềm lực chưa mạnh, lại ít khi đầu tư vào việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Vì vậy các nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối ở Singapore chưa muốn sử dụng thương hiệu của Việt Nam khi bán gạo Việt Nam tại thị trường này, mà chủ yếu là nhập gạo thương phẩm sau đó đóng gói mẫu mã, bao bì và thương hiệu nội địa của Singapore để bán cho người tiêu dùng.

Ông Cao Xuân Thắng cho rằng, để gạo Việt Nam tăng thêm thị phần và duy trì bền vững vị trí dẫn đầu, cạnh tranh được với sản phẩm gạo của Ấn Độ và Thái Lan ở thị trường Singapore, cần sự hỗ trợ góp sức của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, tăng sự hiện diện sản phẩm gạo Việt Nam ở Singapore, duy trì đảm bảo chất lượng hàng hóa.

Bên cạnh đó, việc ký thỏa thuận song phương về thương mại gạo giữa Việt Nam và Singapore có thể sẽ là công cụ hữu hiệu để duy trì vị thế của sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường này.