Việt Nam gần "cạn sạch" hồ tiêu, giá tiêu xuất khẩu tăng cao chưa từng có
15:15 - 27/10/2024
Tháng 9, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu bán với giá trung bình 6.239 USD/tấn – cao nhất 8 năm qua. Cũng nhờ giá tiêu liên tục tăng, sau 9 tháng ngành tiêu Việt Nam đã đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Theo số liệu từ cơ quan Hải quan, trong tháng 9 năm nay, nước ta đã xuất khẩu 20.000 tấn hạt tiêu đi các thị trường, giá trị kim ngạch đạt 125 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu hạt tiêu tăng 10,4% về lượng, đặc biệt giá trị tăng tới 84,9%. Giá xuất khẩu hồ tiêu trung bình đạt 6.239 USD/tấn (tương đương hơn 153 triệu đồng), tăng 67,5% – mức cao nhất trong 8 năm qua.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 203.000 tấn hạt tiêu, thu về hơn 1 tỷ USD. Mặc dù lượng hàng xuất khẩu giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, song giá trị lại tăng 46,9%. Điều này đã đưa ngành hàng tiêu trở lại nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD sau nhiều năm "tụt dốc".
Hiện, giá tiêu trong nước cũng đang nhích nhẹ so với tuần trước, hiện giao dịch bình quân từ 147.500 -149.000 đồng/kg. Trong đó, giá tiêu tại Bình Phước đang ở mức cao nhất, đạt 149.000 đồng/kg.
Giá tiêu tại các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu được thu mua với giá 148.000 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg so với cuối tuần); tại tỉnh Đăk Nông, giá tiêu ở mức 147.500 đồng/kg.
Giá tiêu tăng là bức tranh chung của thị trường hạt tiêu toàn cầu do nguồn cung giảm vì thời tiết bất thường và không loại trừ có "bàn tay" của các nhà đầu cơ góp phần đẩy giá lên cao. Theo đó, trong 18 ngày đầu tháng 9/2024, giá hạt tiêu xuất khẩu của các nước sản xuất lớn trên thế giới đồng loạt tăng mạnh chứ không riêng gì Việt Nam.
Ví dụ tại Brasil, ngày 18/9/2024, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng mạnh 555 USD/tấn so vớingày 30/8/2024, lên mức 7.000 USD/tấn. Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày18/9/2024, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 300 USD/tấn so với cuối tháng 8/2024, lên mức 8.800 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 500 USD/tấn so với cuối tháng 8/2024, lên mức 10.900 USD/tấn.
Tương tự, tại Indonesia, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 60 USD/tấn so với ngày 30/8/2024, lên mức 7.589 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 289 USD/tấn so với ngày 30/8/2024, lên mức 9.154 USD/tấn.
Thời điểm hiện tại, giá tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam đạt mức 6.800 USD/tấn với loại 500 gram/lít; loại 550 gram/lít ở mức 7.100 USD/tấn. Giá tiêu trắng của Việt Nam đạt 10.150 USD/tấn, tăng tới 1.350 USD/tấn so với cuối tháng 8/2024.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, về dài hạn giá tiêu xuất khẩu sẽ vẫn được hỗ trợ do sản lượng hạt tiêu vụ mùa 2025 của Việt Nam dự kiến giảm. Theo dự kiến, vụ hạt tiêu năm 2025 của Việt Nam sẽ thu hoạch gần như toàn bộ vào tháng 2/2025, một số vùng sẽ kéo dài đến tháng 3 và tháng 4, chậm hơn 1 - 2 tháng so với những năm trước do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, khiến nguồn cung hạt tiêu ngày càng khó khăn.
Năm 2023, sản lượng tiêu cả nước đạt khoảng 170.000 tấn và năm 2024 giảm còn khoảng 160.000 tấn, tức là giảm gần một nửa so với thời đỉnh cao 300.000 tấn năm 2015.
Dự báo ngành hạt tiêu Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu ở mức cao do nguồn cung giảm. Theo Hiệp hội Hạt tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), lượng hạt tiêu trong dân gần như không còn, chỉ còn ở trong các đại lý và kho của doanh nghiệp.
VPSA cho biết, tồn kho vụ 2023 chuyển sang cộng với lượng nhập khẩu năm 2024 vào khoảng 40.000- 45.000 tấn (kể cả nhập khẩu tiểu ngạch), cho thấy nguồn hàng xuất khẩu cho tới cuối năm sẽ thấp hơn mọi năm và cho đến tháng 3/2025 khi vụ mùa 2025 dự kiến sẽ thu hoạch.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, về cơ cấu thị trường, tính chung 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết các thị trường tăng. Đáng chú ý, xuất khẩu hạt tiêu sang Đức, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Hàn Quốc, Pakistan ghi nhận mức tăng lên đến 3 con số.
Trong khối EU, thị trường này cũng đang tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 24,88 nghìn tấn, trị giá 112,5 triệu EUR (tương đương 125,2 triệu USD), tăng 38,9% về lượng và tăng 58,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
"Nhìn chung, ngành hàng hạt tiêu của Việt Nam vẫn đang chiếm lợi thế tại thị trường EU nhờ nguồn cung chất lượng, giá cạnh tranh. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị cho hạt tiêu trong thời gian tới, Việt Nam cần hướng đến sản xuất các loại gia vị hữu cơ xuất khẩu, đáp ứng được thị hiếu toàn cầu nói chung, thị trường EU nói riêng" - Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, thị trường gia vị hữu cơ thế giới có quy mô khá lớn và đang tăng trưởng 7,5%/năm trong giai đoạn 2021 - 2026. Dự báo đến năm 2026, quy mô thị trường gia vị hữu cơ toàn cầu là gần 20 tỷ Euro. Tại châu Âu, các quốc gia như Thụy Sỹ, Hà Lan, Đức, Pháp, Ý… là những thị trường nhập khẩu lớn về gia vị. Trong đó, các loại gia vị có chứng nhận tiêu chuẩn bền vững (hữu cơ, Fairtrade, RA) có tiềm năng xuất khẩu lớn vào thị trường này.
Tại châu Âu, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ gia vị hữu cơ được dự báo sẽ đặc biệt cao ở Thụy Điển và Anh với mức tăng hơn 5,5%/năm trong 7 năm tới. Do đó, dư địa xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang châu Âu sẽ còn rất lớn nếu nước ta đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của người dân.