Việt Nam trên hành trình xanh
13:08 - 26/04/2025
Việt Nam đang lựa chọn hướng đi có tính chiến lược – phát triển nhanh nhưng bền vững, đổi mới sáng tạo nhưng hài hòa với tự nhiên, hội nhập nhưng có bản sắc.
Việt Nam xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo, tổ yến, cám gạo sang Trung Quốc
Giấc mơ mắc ca Tây Bắc Doanh nghiệp cạn vốn
Ruộng sạch, lúa khỏe nhờ thuốc bảo vệ thực vật sinh học
Hạt điều Việt: từ nông trại tới bàn ăn thế giới
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) năm 2025 cho thấy một điều: Việt Nam không chỉ tham dự dòng chảy phát triển xanh toàn cầu, mà đang đặt mình vào trung tâm của dòng chảy ấy.
Trong thế giới đầy chuyển động, nơi những ranh giới về phát triển, công nghệ và khí hậu ngày càng đan xen, Việt Nam đang lựa chọn hướng đi có tính chiến lược – phát triển nhanh nhưng bền vững, đổi mới sáng tạo nhưng hài hòa với tự nhiên, hội nhập nhưng có bản sắc.

Từ cánh đồng truyền thống đến vùng lúa phát thải thấp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Tư duy chính trị mới cho một kỷ nguyên mới
Từ những thập niên 1980, tư duy "đổi mới" đã mở lối cho Việt Nam bước ra khỏi bao cấp, gia nhập nền kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu. Bốn thập niên sau, một lần nữa, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tinh thần đổi mới – nhưng lần này là đổi mới trong cách phát triển: "Bền vững, bao trùm, hài hòa" không chỉ là ba cụm từ khái quát, mà là nguyên lý nền tảng để cấu trúc lại cả mô hình tăng trưởng.
Lần này, phát triển kinh tế không thể chỉ là cuộc chạy đua về chỉ số tăng trưởng mà phải song hành với chất lượng sống, với công bằng xã hội và với sự an toàn của môi trường. Đây là điểm đặc biệt trong tầm nhìn mới của Việt Nam – khi đặt sự hạnh phúc của người dân làm trung tâm, chứ không chỉ là những con số GDP.
Để đạt được mục tiêu, chúng ta còn nhiều thách thức, từ nguồn lực hạn chế đến nguy cơ biến đổi khí hậu và áp lực địa chính trị. Tuy nhiên, việc nhìn thẳng vào thách thức không chỉ thể hiện bản lĩnh chính trị mà còn là bước khởi đầu của những quyết sách có tính khả thi và dài hạn.
Thông điệp tại P4G lại khá cụ thể: Việt Nam đã cơ bản hình thành được khung thể chế cho phát triển xanh – từ quy hoạch quốc gia, chiến lược ngành, cho tới danh mục các dự án trọng điểm. Đây không còn là khái niệm lý tưởng mà đã dần trở thành nền tảng vận hành thực tiễn.
Tổng Bí thư khẳng định rõ: "Thể chế xanh là nền tảng quyết định, công nghệ xanh là động lực đột phá, nhân lực xanh là then chốt". Ba trụ cột này tạo thành một tam giác phát triển hài hòa giữa chính sách – công nghệ – con người. Trong đó, công nghệ không còn là công cụ hỗ trợ, mà là hạt nhân của mọi tiến trình chuyển đổi.
Đặc biệt, nhận thức về vai trò của chuyển đổi số, không chỉ là quá trình số hóa mà là sự thay đổi căn bản trong cách tổ chức sản xuất, quản trị xã hội và vận hành nền kinh tế. Việc chuyển đổi số được đặt song hành với chuyển đổi xanh cho thấy Việt Nam đang hướng tới mô hình phát triển tích hợp, trong đó công nghệ trở thành cầu nối giữa kinh tế - xã hội - môi trường. Đây chính là bước chuyển mình mang tính hệ thống mà không phải quốc gia đang phát triển nào cũng dám đặt ra.
Một Việt Nam chủ động trong dòng chảy toàn cầu
Việt Nam từng được xem là nước đi sau trong cuộc đua công nghiệp hóa. Nhưng trong chuyển đổi xanh và năng lượng tái tạo, Việt Nam đang trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực. Minh chứng rõ nét là công suất điện mặt trời, điện gió hiện chiếm 2/3 tổng công suất của toàn ASEAN. Hay mô hình 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp đã trở thành hình mẫu cho nông nghiệp bền vững, nhận được sự quan tâm từ nhiều đối tác quốc tế.
Đây không chỉ là thành quả về mặt kỹ thuật mà còn là sự xác tín về mặt chiến lược. Việt Nam đang chủ động đặt ra luật chơi mới thay vì chỉ tham gia vào luật chơi có sẵn. Cách làm lành mạnh, xuất phát từ nhu cầu phát triển nội tại và hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế, đã giúp Việt Nam nhận được nhiều sự tán thành của các quốc gia, đối tác phát triển trên thế giới.
Với việc chuyển hóa các cam kết chính trị thành hành động thực tiễn đã đưa ra bài học rằng, sự quyết liệt trong lãnh đạo chính trị, đi kèm với tư duy thiết kế thể chế và khả năng thu hút các nguồn lực toàn cầu – chính là tổ hợp sức mạnh đưa một quốc gia đi nhanh và đi xa.
Với P4G 2025, sẽ tạo được động lực kết nối giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu, giữa nhà nước và khu vực tư nhân, giữa các cam kết môi trường và hành động phát triển. Chính những “liên kết mềm” này sẽ tạo nên cấu trúc phát triển bền vững trong tương lai.
Từ diễn đàn P4G đến các cam kết về trung hòa carbon 2050, từ nông nghiệp phát thải thấp đến chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đang khẳng định bản thân như một quốc gia có trách nhiệm và sẵn sàng hành động. Hành trình phát triển xanh của Việt Nam không chỉ là quá trình thích ứng, mà là cơ hội để định hình một tương lai khác biệt – nơi sự phát triển không đánh đổi môi trường, nơi hội nhập không làm phai nhòa bản sắc, và nơi người dân không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà là chủ thể kiến tạo.