Việt Nam xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo, tổ yến, cám gạo sang Trung Quốc
11:40 - 26/04/2025
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 14-15/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký các Nghị định thư về xuất khẩu ớt, chanh leo, tổ yến, cám gạo sang Trung Quốc.
Điểm sáng du lịch Đại Từ: [Bài 2] Để hương trà níu chân du khách
Giấc mơ mắc ca Tây Bắc Doanh nghiệp cạn vốn
Ruộng sạch, lúa khỏe nhờ thuốc bảo vệ thực vật sinh học
Hạt điều Việt: từ nông trại tới bàn ăn thế giới
Ngày 15/4, thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam (từ ngày 14-15/4), cơ quan này đã ký 3 thỏa thuận hợp tác về bảo vệ môi trường và địa khoa học, cùng với 4 nghị định thư về xuất khẩu ớt, chanh leo, tổ yến, cám gạo sang Trung Quốc.
Các nghị định thư được ký kết gồm: Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả ớt xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu an toàn và kiểm dịch động, thực vật đối với cám gạo và cám gạo chiết ly làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi xuất khẩu của từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với các sản phẩm tổ yến thô và tổ yến sạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng ký Bản ghi nhớ về hợp tác bảo vệ môi trường với Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì Thoả thuận hợp tác nghiên cứu quản lý tổng hợp môi trường Hải đảo Vịnh Bắc Bộ. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam ký Bản ghi nhớ hợp tác với Cục địa chất Trung Quốc về địa khoa học.

Trong tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc, hai bên nhất trí phát huy tốt vai trò của “Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực” (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) thúc đẩy thương mại song phương phát triển theo hướng cân bằng. Trong đó, ngoài ký Nghị định thư về xuất khẩu ớt, chanh leo, tổ yến, cám gạo sang Trung Quốc, Trung Quốc đang tích cực triển khai thủ tục cấp phép chính thức cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam như hoa quả có múi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật. Phía Việt Nam sẽ đẩy nhanh nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc.
Hai bên nhất trí, tăng cường hợp tác hải quan, mở rộng xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh của hai bên, triển khai tốt Kế hoạch công nhận lẫn nhau về “Doanh nghiệp ưu tiên” (AEO) và hợp tác “một cửa.” Phía Trung Quốc hoan nghênh phía Việt Nam tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam tại Trung Quốc, sẵn sàng tiếp tục tạo thuận lợi sớm thành lập thêm các Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu (Hải Nam) và các địa phương liên quan khác. Hai bên nhất trí phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu, lối mở, cặp chợ biên giới, giảm tải áp lực thông quan.
Tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban liên hợp về hợp tác nông nghiệp Việt-Trung và Ủy ban liên hợp về hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy hợp tác thực chất trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, bao gồm trồng trọt và chế biến sâu nông sản, đảm bảo an ninh lương thực, kiểm soát dịch bệnh tổng hợp. Hai bên nhất trí sớm bàn bạc, ký kết Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ; triển khai hợp tác thả giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ. Thực hiện tốt Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển Việt Nam-Trung Quốc và Thỏa thuận hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Hiện, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Năm 2024, người tiêu dùng Trung Quốc chi 4,6 tỷ USD để mua rau quả Việt Nam. Tính riêng 11 tháng, sầu riêng đứng đầu với hơn 2,84 tỷ USD, thanh long khoảng 320 triệu USD, chuối 220 triệu USD, mít 240 triệu USD.
Hiện 14 loại nông sản Việt đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân, đem lại doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Trong đó, 6 mặt hàng hai bên đã ký Nghị định thư xuất khẩu (bao gồm dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi và khoai lang) và 6 mặt hàng truyền thống chưa được chuẩn hóa bằng Nghị định thư xuất khẩu (thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít). Riêng mặt hàng chanh leo, ớt đang được xuất khẩu thí điểm.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 24 thỏa thuận ghi nhớ và nghị định thư về xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản.