Vụ dưa ngọt giữa những ngày nắng nóng

Vụ dưa ngọt giữa những ngày nắng nóng

22:11 - 04/05/2024

QUẢNG BÌNH Vụ dưa hấu năm nay nông dân huyện Bố Trạch được mùa, được giá. Mỗi ha dưa cho lãi đến 50 triệu đồng.

Những vườn bưởi tiền tỷ ở vùng đất gò đồi
Nông dân xứ Lạng chưa mặn mà với sản xuất rau hữu cơ
Khoai lang tím Nhật tăng giá, người trồng lãi 400.000 đồng/tạ
Nông dân Hà Tĩnh trúng mùa, trúng giá vụ lúa Đông xuân
Nam Định: Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp 5 - 7 lần năm trước

Mùa hè năm nay đến sớm, cái nắng miền Trung như đổ lửa. Giữa cái nắng khắc nghiệt, trên những cánh đồng dưa ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) như dịu mát đi bởi tiếng cười nói của nông dân. Ông Hồ Xuân Tuệ (thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) chia sẻ trong niềm vui: “Năm nay, dù năng suất dưa không đạt cao nhất, chỉ khoảng 25 tấn/ha, nhưng bù lại giá lại lên được 6.000 đồng/kg nên nhiều bà con có lãi lớn. Thêm nữa thời tiết nắng nóng nên chắc giá dưa còn lên cao hơn”

Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung thu hoạch dưa hấu trong niềm vui được giá. Ảnh: T. Đức.

Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung thu hoạch dưa hấu trong niềm vui được giá. Ảnh: T. Đức.

Lãi trên 50 triệu đồng/ha…

Thị trấn Nông trường Việt Trung là vùng đất trồng dưa có tiếng lâu nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Người trông dưa ở đây sử các giống chủ yếu như Apolo 66, Sọc Mỹ, Hắc Mỹ Nhân… có vị ngọt đậm đà. Đặc biệt, các giống dưa này có ưu điểm vỏ dày nên khi vận chuyển đi xa tỷ lệ hư hỏng rất thấp.

Những ngày này đang là vụ thu hoạch rộ dưa hấu ở thị trấn Nông trường Việt Trung. Vùng đất này có hàng ngàn ha cao su. Khi tái canh, ở giai đoạn cây cao su còn non, bà con tận dụng trồng thêm vụ dưa. Các tuyến đường về đội Xung Kích, Dũng Cảm, Truyền Thống… thời điểm này tấp nập ô tô tải lớn nhỏ ngược xuôi vận chuyển dưa hấu. Từ tờ mờ sáng, bà con tranh thủ thu hoạch dưa trên ruộng để tránh nắng nóng. Dưa được bốc lên xe tải nhỏ đưa về điểm tập kết để phân loại. Sau đó, buổi chiều, các chủ nậu điều ô tô tải lớn đến “ăn hàng", trả tiền rồi vận chuyển đi.

Gia đình ông Hồ Xuân Tuệ (tổ dân phố Truyền Thống) có diện tích trồng dưa khoảng 1ha. Được chăm bón tốt nên chỉ khoảng 2,5 tháng sau là dưa cho thu hoạch. Vụ dưa năm nay thời tiết ít mưa nên quả dưa không được to như những vụ trước. Năng suất dưa không cao, nhưng nhờ giá thu mua khá cao nên bà con trồng dưa có lãi khá.

Ông Tuệ chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi trồng dưa hấu giống Apolo 66. Giống này có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Năng suất đạt khoảng 25 tấn/ha. Hiện dưa hấu được thu mua với giá 6.000 đồng/kg, gia đình tôi thu được 150 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, 1ha dưa hấu cho lãi khoảng 50 triệu đồng”.

Dưa hấu được thương lái mua tại ruộng với giá cao nên bà con có lãi lớn hơn những năm trước. Ảnh: T. Đức.

Dưa hấu được thương lái mua tại ruộng với giá cao nên bà con có lãi lớn hơn những năm trước. Ảnh: T. Đức.

Trên con đường rải nhựa chạy xuyên qua những rừng cao su bạt ngàn, chúng tôi rẽ về đội Xung Kích. Khu trung tâm này khá sầm uất giữa miền đồi núi với những ngôi nhà cao tầng nhiều kiểu cách. Rẽ vào lô cao xu đã khép tán là điểm tập kết dưa của 3 hộ gia đình chung nhau trồng, chị Nguyễn Thị Lệ (một trong 3 chủ hộ) cho hay, 3 gia đình đầu tư thuê trên 5ha đất để trồng dưa. Năng suất cũng cao hơn mức trung bình chứ chưa phải cao lắm. Vụ dưa năm ngoái giá dưa hấu chỉ 3 - 4 ngàn đồng/kg nên bà con có lãi ít, một số hộ dưa không đẹp chỉ huề vốn mà không có công.

“Từ đầu vụ thu hoạch dưa đến nay, dưa đẹp bán cho thương lái giá 6 ngàn đồng/kg nên bà con có lãi cao, tính ra mỗi hộ lãi được 70 - 80 triệu đồng”, chị Lệ hồ hởi.

Bà Dương Thị Cần, một tư thương chuyên mua dưa hấu ở vùng thị trấn Nông trường Việt Trung cho biết, năm nay giá dưa hấu cao nên cũng mừng cho bà con. “Vụ dưa này không xuất khẩu sang biên giới được mà chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc”, bà Cần cho biết.

Cùng với thị trấn Nông trường Việt Trung, các địa phương như Lý Trạch, Vạn Trạch, Hòa Trạch… (huyện Bố Trạch) cũng có mùa dưa ngọt ngào cho bà con nông dân. Theo ông Hoàng Văn Đông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Trạch, năm nay nông dân trong xã có tổng diện tích chuyển đổi từ đất lúa, đất hoa màu kém hiệu quả sang trồng dưa được gần 30ha. “Năng suất dưa hấu của xã năm nay đạt từ 20 - 25 tấn/ha. Bà con bán được giá nên cũng có lãi từ 45 - 50 triệu đồng/ha”, ông Đông cho hay.

 
Dưa được tập kết để bốc lên ô tô tải lớn chuyển đi các tỉnh tiêu thụ. Ảnh: T. Đức.

Dưa được tập kết để bốc lên ô tô tải lớn chuyển đi các tỉnh tiêu thụ. Ảnh: T. Đức.

Vào mùa thu hoạch dưa hấu, hàng trăm lao động trên địa bàn huyện Bố Trạch có công ăn việc làm và thu nhập cao. Anh Nguyễn Văn Bình (tổ dân phố Xung Kích) cho hay, gần chục hôm nay đi theo bốc dưa từ ruộng lên xe đưa về nơi tập kết. Người lao động dậy từ sớm để tranh thủ thu hoạch dưa tránh nắng nóng. “Mỗi ngày làm 8 tiếng được chủ ruộng trả công 300 ngàn đồng. Những giờ tiếp theo được tính công làm thêm. Anh em bốc xếp dưa cũng có thu nhập mỗi ngày 500 - 600 ngàn đồng”, anh Bình chia sẻ.

Để nghề trồng dưa hết cảnh "đánh bạc"

Theo ông Nguyễn Văn Hoan, một người trồng dưa lâu năm ở thị trấn Nông trường Việt Trung, dù năm nay dưa hấu được giá, song nghề trồng dưa hấu cũng như vào “canh bạc". Dưa lên xanh biếc trên ruộng, nhánh đã phủ dài kín mặt đất chính là thời điểm lo lắng nhất. Những ngày mưa lớn, người trồng dưa lo lắng, canh chừng mực nước trong ruộng dưa để thoát kịp thời. Nếu không, nước bị ngập nhiều, dây dưa héo thì xem như hết cứu chữa.

“Đặc biệt gặp khi hoa vừa mới thụ phấn hoặc trái gần thu hoạch mà mưa to thì tác động rất lớn đến năng suất, chất lượng dưa… Có năm dưa được mùa, vào kỳ thu hoạch có vài trận mưa lớn, mưa tạnh thì nắng gắt lên. Lúc này dưa trên ruộng cứ thi nhau nổ toác đỏ hết cả ruộng. Năm đó thì coi như trắng tay”, ông Hoan nói,

Cũng theo ông Hoan, người trồng dưa ở Nông trường hiện phải đi thuê đất để trồng. Chi phí đầu tư như tiền thuê đất, thuê nhân công, giống, vật tư nông nghiệp… khoảng 70 triệu/ha. Do đó, tính toán kiểu gì cũng được nhưng giá thị trường mà thấp thì người trồng dưa phải chịu lỗ khá lớn.

Mặc dù vậy, nếu so với việc trồng lúa, ngô thì dưa hấu vẫn mang lại thu nhập cao gấp 4 - 5 lần. Nếu bị lỗ hoặc huề vốn, người trồng vẫn có cơ hội gỡ lại ở vụ kế tiếp nên nhiều người vẫn kiên trì với nghề trồng dưa.

Vào vụ dưa, những lao động thu hoạch, bốc chuyển dưa lên ô tô có thu nhập từ 500 - 600 ngàn đồng mỗi ngày. Ảnh: T. Đức.

Vào vụ dưa, những lao động thu hoạch, bốc chuyển dưa lên ô tô có thu nhập từ 500 - 600 ngàn đồng mỗi ngày. Ảnh: T. Đức.

Vụ dưa năm nay, huyện Bố Trạch có diện tích gần 655ha, tập trung chủ yếu ở các xã, thị trấn như: Nông trường Việt Trung, Lý Trạch, Nam Trạch, Hòa Trạch, Cự Nẫm, Tây Trạch, Vạn Trạch… Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch, để nâng cao hiệu quả trồng dưa hấu, huyện đang chỉ đạo các địa phương quy hoạch vùng trồng để bảo đảm hài hòa giữa cung và cầu. Đồng thời tạo thương hiệu và định hướng cho người dân trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tạo thương hiệu để có uy tín trong lòng người tiêu dùng cũng là giải pháp cho dưa hấu Bố Trạch ổn định sản xuất và tiêu thụ. Hợp tác xã Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao Tâm An (HTX Tâm An) ở thị trấn Nông trường Việt Trung đã xác định chất lượng là tiêu chí hàng đầu để tìm kiếm và bắt chặt tay với khách hàng lâu dài.

Vụ dưa này, HTX Tâm An có 1ha dưa sản xuất theo hướng hữu cơ, cho năng suất vượt trội. Anh Nguyễn Ngọc Cương, Giám đốc HTX chia sẻ: “Chúng tôi trồng dưa theo hướng hữu cơ nên trái dưa ngọt hơn, giòn hơn, đồng thời vừa góp phần cải thiện hệ vi sinh vật để bồi bổ đất. Ruộng dưa của HTX khoảng một tuần nữa là thu hoạch nhưng đã có rất nhiều khách hàng đặt mua”.

Bà Trần Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung cho rằng, cần có định hướng cho bà con trong việc lựa chọn giống dưa hấu, gieo trồng đúng thời vụ, chăm sóc đúng kỹ thuật. Phải vận động bà con tích cực chuyển hướng sản xuất dưa hữu cơ. Trên cơ sở đó, tìm đối tác doanh nghiệp liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho dưa hấu.