Xã, phường, thị trấn nào của tỉnh miền núi Sơn La cũng có sản phẩm OCOP
21:26 - 25/08/2024
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Sơn La phấn đấu mỗi xã, phường có ít nhất một sản phẩm OCOP; đến năm 2030 có ít nhất 10 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia và có từ 40-50 sản phẩm OCOP của tỉnh xuất khẩu ra nước ngoài.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Sơn La có lợi thế để phát triển sản phẩm OCOP
Sơn La hiện có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP. Đây đều là những sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền của tỉnh, khá phong phú về chủng loại, gồm 5 nhóm chính: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm; dịch vụ, du lịch nông thôn. Điểm chung của các HTX, doanh nghiệp khi xây dựng sản phẩm OCOP đều chủ động thay đổi tư duy sản xuất, đổi mới khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua nền tảng số.
Ông Dương Gia Định, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Sơn La thông tin: Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, tỉnh Sơn La đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin, đại chúng từ tỉnh đến cấp xã, thôn, bản; gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng NTM.
Tập trung nâng cao nhận thức cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thông qua các hội nghị triển khai chương trình OCOP; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, qua các cổng thông tin điện tử (website), mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, các hình ảnh, khẩu hiệu cụ thể. Tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX sản xuất sản phẩm OCOP. Thực hiện đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP trên hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh.
Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia chương trình ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến hiện đại trong sản xuất, bảo quản, chế biến đối với sản phẩm OCOP, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP. Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức và cử các chủ thể tham gia các Hội chợ, Hội nghị xúc tiến thương mại do tỉnh Sơn La và các tỉnh thành khác tổ chức. Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm sau xếp hạng.
Còn tại huyện Mường La có diện tích vùng trồng cây ăn quả lớn với 6.547 ha cây ăn quả các loại và 2.500 ha cây sơn tra, sản lượng quả đạt 25.000 tấn; tổng diện tích gieo trồng hàng năm toàn huyện đạt 27.324 ha... Huyện đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tiến hành rà soát, thẩm định, kiểm tra đánh giá thực tế, định hướng cho các hộ nông dân, HTX nông nghiệp chủ động tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Lù Văn Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La, cho biết: Trên cơ sở lợi thế của từng địa phương, huyện đã hỗ trợ các HTX, người dân xây dựng hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP; xây dựng và đăng ký nhãn hiệu; chuyển đổi số; xây dựng Website giới thiệu sản phẩm; đăng ký mã vạch, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm; in ấn bao bì, tem nhãn sản phẩm khi tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước
Đến nay, huyện Mường La có 10 sản phẩm OCOP, trong đó 3 sản phẩm đạt OCOP hạng 4 sao, 7 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng bền vững. Trong năm 2024, huyện đang tiếp tục hỗ trợ xây dựng 4 sản phẩm, gồm: Thịt lợn một nắng, chuối lắc phô mai, trà táo mèo, rượu cần men lá.
Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Cũng theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Sơn La: Từ năm 2023, tỉnh Sơn La triển khai Bộ tiêu chí Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Bộ tiêu chí mới điều chỉnh, bổ sung một số nội dung. Ví dụ, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm được thực hiện từ cấp xã, thay là từ cấp huyện như trước đây.
Bên cạnh đó, UBND cấp huyện sẽ công nhận các sản phẩm OCOP đạt 3 sao thay vì cấp tỉnh như trước, giúp các địa phương chủ động lựa chọn sản phẩm tiêu biểu, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện cho các chủ thể.
Việc đổi mới cách đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ thể xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP mang lợi thế, đặc trưng của địa phương. Kết quả, đến nay, tỉnh Sơn La có 151 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao; 55 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 95 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh Sơn La phấn đấu mỗi xã, phường có ít nhất một sản phẩm OCOP, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX sản xuất sản phẩm OCOP. Thực hiện đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP, trên hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh. Đồng thời, rà soát, định hướng phát triển các sản phẩm theo chất lượng. Tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm đã có, hoàn thiện các điều kiện để nâng hạng các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao, đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có ít nhất 50% sản phẩm OCOP 3 sao giai đoạn 2021-2025, được nâng hạng lên 4 sao; có ít nhất 10 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia và có từ 40-50 sản phẩm OCOP của tỉnh xuất khẩu ra nước ngoài. Việc ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những yếu tố then chốt giúp các sản phẩm nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường.