Xã vùng cao Phổng Lập tạo đột phá từ xây dựng sản phẩm OCOP

Xã vùng cao Phổng Lập tạo đột phá từ xây dựng sản phẩm OCOP

10:22 - 24/06/2024

Đảng ủy xã Phổng Lập (Thuận Châu, Sơn La) lựa chọn nội dung xây dựng mô hình "Quả mắc khén đạt OCOP" là một trong hai khâu đột phá trong việc phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống cho bà con nông dân.

Tôm nguyên liệu có thể thiếu hụt đến hết quý I năm sau
Giá tiêu còn giữ ở mức cao nhưng coi chừng những rủi ro khó lường
Thái Nguyên: Trên trồng cây ăn quả, dưới thả gà, cây tốt, quả ngọt, cỏ dại biến đi đâu?
Cơ hội mới giữa những thách thức của xuất khẩu cá tra Việt Nam
Giá cà phê tăng vọt, Đắk Nông lập đỉnh mới, gián đoạn nguồn cung lớn từ Brazil và Việt Nam

Xây dựng sản phẩm OCOP dựa trên thế mạnh của địa phương

Nằm trên địa bàn huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, Phổng Lập là một xã đặc biệt khó khăn khi còn hơn 34% hộ nghèo. Những năm qua, cùng với các Đảng bộ trong toàn huyện, Đảng bộ xã Phổng Lập luôn xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Trong đó, lựa chọn mô hình phù hợp trên các lĩnh vực để duy trì và nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân. Năm 2024, Đảng ủy xã Phổng Lập lựa chọn nội dung xây dựng mô hình "Quả mắc khén đạt OCOP" là một trong hai khâu đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Quàng Văn Chinh, Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lập, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Đặc thù của cây mắc khén xã Phổng Lập về chất lượng thì rất thơm, phù hợp với khí hậu ở đây, cây cũng phát triển tốt, quả rất sai. Do vậy, chúng tôi thấy cây quả mắc khén của xã Phổng Lập có tiềm năng và lợi thế để xây dựng thành sản phẩm OCOP. Và trên thực tế, khi đến mùa thu hái, ra sản phẩm thì người dân tiêu thụ quả mắc khén này rất là tốt. Giá cũng rất ổn định. Nhiều địa phương ở huyện khác, xã khác cũng đến mua. 

Trên thực tế, mắc khén là loại cây đã có ở địa bàn xã Phổng Lập từ lâu. Có những cây đã trở thành cây mắc khén cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Thế nhưng, do là loại cây tự nhiên, không cần người trồng, chăm bón, lại không thể sinh tồn nếu có các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, nên dù có giá trị kinh tế cao hơn một số cây trồng khác của địa phương, cây mắc khén cũng chưa được chú trọng đầu tư, phát triển.

 
Xã vùng cao Phổng Lập tạo đột phá từ xây dựng sản phẩm OCOP- Ảnh 1.

Phổng Lập là một xã đặc biệt khó khăn, khi còn hơn 34% hộ nghèo. Ảnh: Văn Ngọc

Những năm gần đây, phát hiện ra tiềm năng, lợi thế của loại cây này, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy Thuận Châu, Đảng ủy xã Phổng Lập đã tích cực nghiên cứu, khảo sát cụ thể mật độ, số lượng và diện tích của cây. Từ đó, xây dựng các mô hình phát triển phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, đã triển khai mô hình "Quả mắc khén đạt OCOP", đưa mắc khén trở thành một sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của địa phương. Và chỉ cách đây hơn 2 tháng, vào ngày 26/4, Hợp tác xã Nông nghiệp Phổng Lập cũng đã được thành lập.

Ông Lò Văn Hoan, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phổng Lập, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Để đưa được sản phẩm quả mắc khén ra thị trường và để có được một thương hiệu riêng, thì chúng tôi cũng đưa vào những sản phẩm OCOP của huyện. Thứ nhất là để tạo ra một sản phẩm có thương hiệu riêng, có giá trị cạnh tranh trên thị trường. Thứ hai nữa là để mang lại nguồn lợi cho bà con. Thời gian tới, phải có một vùng nguyên liệu. Sau đó là đưa ra quy trình sản xuất, đóng gói bao bì sản phẩm. Sản phẩm sẽ được đưa ra thị trường để kết nối với thị trường, tạo ra thương hiệu riêng cho sản phẩm mắc khén của Phổng Lập.

Quyết phải tạo ra một sản phẩm có thương hiệu riêng, có giá trị cạnh tranh trên thị trường, mang lại nguồn lợi cho bà con, Đảng ủy xã Phổng Lập đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới của địa phương. Từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn phối hợp với phòng NN&PTNT huyện lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP đối với quả mắc khén. Hơn 350 đảng viên ở 19 chi bộ tích cực tham gia tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể sản phẩm phát triển và hoàn thiện sản phẩm, tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất và tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, giúp bà con nông dân từng bước làm quen với kinh tế hàng hóa.

Xã vùng cao Phổng Lập tạo đột phá từ xây dựng sản phẩm OCOP- Ảnh 2.

Đảng ủy xã Phổng Lập (Thuận Châu, Sơn La) lựa chọn nội dung xây dựng mô hình "Quả mắc khén đạt OCOP". Ảnh: Văn Ngọc

Ông Lò Văn Lả, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Ban Lềm, xã Phổng Lập, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Năm 2015 trở về đây, các hộ trồng cây cà phê và cây chè mới trồng xen cây mắc khén. Cây mắc khén giúp bà con phát triển kinh tế, thu nhập được giá, tiêu thụ thì cũng dễ, có thương lái tới tận bản thu mua. Cây mắc khén cho thu nhập cao gấp 3 lần so với sản xuất cây chè với cây cà phê. Trong thời gian qua, được cấp ủy, chính quyền, UBND xã tuyên truyền cho bà con nhân dân là sản phẩm OCOP sẽ được giá sản phẩm cao hơn, mà thu nhập nó cũng cao hơn.

Trên địa bàn bản Ban Lềm có khoảng 10ha cây mắc khén mọc tự nhiên. Sản lượng đạt trên 10 tấn quả tươi mỗi năm, với giá thành giao động từ 35.000 - 60.000đ/kg. Hướng đến xây dựng quả mắc khén thành sản phẩm OCOP, bà con trong bản thường xuyên được cán bộ chuyên môn các cấp và chi ủy chi bộ bám sát tình hình thực tế, hướng dẫn cách chăm sóc, thu hái mắc khén đúng kỹ thuật để sản phẩm quả mắc khén đạt chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Xã vùng cao Phổng Lập tạo đột phá từ xây dựng sản phẩm OCOP- Ảnh 3.

Ban Lềm có khoảng 10ha cây mắc khén mọc tự nhiên, sản lượng đạt trên 10 tấn quả tươi mỗi năm. Ảnh: Văn Ngọc

Xây dựng sản phẩm OCOP đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân

Gia đình anh Quàng Văn Liên ở bản Ban Lềm, xã Phổng Lập, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La trước đây cũng trồng chè và cà phê như các hộ dân khác ở địa phương. Từ ngày được các cán bộ xã và chi ủy chi bộ phân tích về giá trị kinh tế của cây mắc khén, anh và gia đình cũng chú ý nhiều hơn đến loại cây này. Vậy là từ đó đến nay, gia đình anh có thêm một nguồn thu nhập nữa. Anh Liên chia sẻ: Hiện tại cây mắc khén nhà tôi có khoảng 30 - 35 cây.

So với các cây trồng khác thì cây mắc khén không cần chăm sóc vì nó là tự nhiên. So với cây chè và cây cà phê thì cây mắc khén thu được lợi nhuận dễ hơn và làm dễ dàng hơn các cây khác. Không bón phân, không phun thuốc, cứ đến mùa là mình đi thu về bán thôi, giá trị cao hơn so với các cây khác. Gia đình chúng tôi mong muốn sau này sẽ được nhân rộng và có thu nhập cao hơn, để chúng tôi có thu nhập ổn định hơn, đầu ra ổn định hơn.

Xã vùng cao Phổng Lập tạo đột phá từ xây dựng sản phẩm OCOP- Ảnh 4.

Đảng ủy xã Phổng Lập (Thuận Châu, Sơn La) họp triển khai nhiệm vụ. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng theo, Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lập, trên địa bàn xã Phổng Lập hiện có tổng diện tích cây mắc khén đạt hơn 30ha, với số lượng trên 5.000 cây. Nhiều hộ gia đình đã dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích các cây giá trị kinh tế thấp, dần thay thế bằng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó có cây mắc khén. Một số địa bàn cũng bắt đầu thử nghiệm trồng cây mắc khén, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mắc khén.

Đảng ủy, Ủy ban cũng phải tổ chức tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng, trồng nhiều cây mắc khén này. Cũng nghiên cứu làm sao để cây này khi bói hoa, bói quả có sản lượng cao hơn và tốt hơn. Còn khi thành sản phẩm OCOP thì đương nhiên sẽ mang lại thu nhập ổn định cho người dân trồng cây mắc khén này và nâng cao được công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao được thu nhập cho người dân ở khu vực xã Phổng Lập.

Xã vùng cao Phổng Lập tạo đột phá từ xây dựng sản phẩm OCOP- Ảnh 5.

Thời gian tới, xã Phỏng Lập sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây mắc khén để nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Văn Ngọc

Thực tế tại Đảng bộ xã Phổng Lập cho thấy, lựa chọn, nhân rộng các mô hình phù hợp trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo được sự đồng thuận và niềm tin trong nhân dân. Nhờ đó, không chỉ từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.