Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

12:35 - 04/01/2025

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Vasep: Ngành cá tra Việt Nam kiên cường sẵn sàng chinh phục cột mốc mới năm 2025
Một mình Gia Lai tiếp tục đẩy giá tiêu đi lên hôm nay
Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá
Giá cà phê trong nước giảm tuần thứ ba liên tiếp, dự báo 'nóng' tuần tới
Thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu gạo
Theo dự báo, xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo dự báo, xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

ĐBSCL chưa bắt đầu vào mùa khô

Theo bà Nguyễn Thanh Hoa, Phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thời tiết trong 3 tháng tới có thể nghiêng về hướng La Nina, đến tháng 3/2025, hiện tượng này sẽ chấm dứt. Đặc biệt, từ 12/2024 đến tháng 2/2025 tại ĐBSCL có thể xuất hiện mưa trái mùa với lượng mưa có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm. Nhưng do đây là giai đoạn cuối mùa khô nên lượng mưa tăng không đáng kể.

Thông tin thêm về tình hình mưa tại khu vực Nam bộ, bà Hoa cho biết, lượng mưa có thể tăng cao vào tháng 12/2024, với tổng lượng mưa cao hơn từ 10-30mm so với trung bình nhiều năm, sau đó giảm dần. Mùa mưa tại ĐBSCL cũng đang có xu hướng kết thúc muộn hơn. Hiện tại là cuối tháng 12 nhưng khu vực Tây Nam bộ vẫn chưa bắt đầu vào mùa khô.

Trong 6 tháng tới, tổng lượng dòng chảy trên sông Mekong về ĐBSCL dự báo thiếu hụt khoảng 5 - 15% so với trung bình nhiều năm. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ giảm dần, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1 - 0,2m. Do đó, xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025 dự kiến cao hơn trung bình hàng năm, nhưng không nghiêm trọng như các mùa khô 2015 - 2016 và 2019 - 2020.

Tại Tiền Giang, xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến các sông lớn như sông Tiền (nhánh cửa Tiểu, cửa Đại), Vàm Cỏ Tây và kênh Chợ Gạo, nhưng dự báo thấp hơn mùa khô 2023 - 2024. Các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng chính gồm huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, TP Gò Công, Gò Công Tây và Chợ Gạo.

Hiện tại là cuối tháng 12 nhưng khu vực Tây Nam bộ vẫn chưa bắt đầu vào mùa khô. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện tại là cuối tháng 12 nhưng khu vực Tây Nam bộ vẫn chưa bắt đầu vào mùa khô. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại Bến Tre, mặn có thể xâm nhập hầu hết các sông lớn như sông Tiền (nhánh cửa Đại) và sông Hàm Luông, nhưng cũng được dự báo thấp hơn mùa khô 2023 - 2024.

Về tình hình thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và  năm 2025 ở ĐBSCL, ông Nguyễn Huy Khôi, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ - Hợp tác quốc tế (Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam) cho biết, các yếu tố làm căn cứ đưa ra nhận định dựa trên cơ sở về điều kiện ENSO, diễn biến mưa trái mùa, diễn biến nguồn nước… Như vậy, nước cuối mùa lũ có ảnh hưởng nhiều đến tình hình xâm nhập mặn của mùa khô kế tiếp.

Cụ thể, năm 2024, hồ chứa thủy điện thượng lưu đã tích được khoảng 88% tổng dung tích hữu ích. Trong đó, các hồ trên sông Lan Thương (Trung Quốc) tích 94%, các hồ ở hạ lưu vực sông Mekong tích trữ ở mức khoảng 74%. Dự kiến đầu mùa năm 2024 - 2025, dung tích hữu ích duy trì ở mức 70 - 80%.

 

Trong khi đó, triều cường dự báo các tháng mùa khô 2024 - 2025 ở mức cao hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm. Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho rằng, nguy cơ xuất hiện tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024 - 2025 vẫn có thể xảy ra và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng sẽ không gay gắt như mùa khô các năm 2015 - 2016, 2019 - 2020 và gần nhất là năm 2023 - 2024.

Giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn

Để đối phó với tình trạng xâm nhập mặn, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp, bao gồm quản lý tổng hợp tài nguyên nước, xây dựng đập ngầm và hệ thống đê biển, cũng như áp dụng các biện pháp phi công trình.

Quản lý tổng hợp tài nguyên nước là một trong những biện pháp hiệu quả để quản lý nguồn nước ngọt, gián tiếp đẩy lùi tình trạng xâm nhập mặn.

Xây dựng đập ngầm trên các sông lớn là giải pháp vừa chống mặn xâm nhập, vừa duy trì ảnh hưởng của chế độ thủy triều, thuận lợi cho giao thông đường thủy.

Xuống giống sớm để tránh thời kỳ mặn cao nhất, dự kiến từ cuối tháng 2 đến tháng 4/2025, là một trong những biện pháp quan trọng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xuống giống sớm để tránh thời kỳ mặn cao nhất, dự kiến từ cuối tháng 2 đến tháng 4/2025, là một trong những biện pháp quan trọng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống đê biển và đê sông dọc theo biển Đông và biển Tây để ứng phó với mực nước biển dâng cao cũng là một giải pháp quan trọng. Kết hợp với các hệ thống thủy lợi, tăng cường dự trữ nước ngọt và ngăn chặn nước biển xâm nhập, xây dựng đập nước ngăn mặn, đắp đê vùng ven biển sẽ giúp bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân.

Các giải pháp phi công trình, như tăng cường, hiện đại hóa công tác giám sát, dự báo chuyên ngành phục vụ cho công tác điều hành mùa vụ, cũng cần được chú trọng. Điều này tạo thuận lợi cho người dân có thông tin về nguồn nước tin cậy để chuyển đổi sản xuất ngắn và dài hạn.

Trước tình hình xâm nhập mặn dự báo cao hơn trung bình nhiều năm vào mùa khô 2025, ông Nguyễn Huy Khôi, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ - Hợp tác quốc tế khuyến cáo, người dân và chính quyền địa phương ĐBSCL cần chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó. Việc xuống giống sớm để tránh thời kỳ mặn cao nhất, dự kiến từ cuối tháng 2 đến tháng 4/2025, là một trong những biện pháp quan trọng. Đồng thời, cần tích trữ nước ngọt hợp lý để đảm bảo nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

Việc nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao, giếng, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt trạm bơm dã chiến và xây dựng các công trình thủy lợi khác cần được triển khai đồng bộ để giảm thiểu tác động của xâm nhập mặn. Việc áp dụng các giống cây trồng và thủy sản chịu mặn, cùng với điều chỉnh cơ cấu mùa vụ hợp lý, sẽ giúp tăng khả năng chống chịu và giảm thiểu thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.